Theo phong tục Việt Nam “Miếng trầu là đầu câu chuyện” - miếng trầu chứa đựng nhiều ý nghĩa. Miếng trầu đi đôi với lời chào. Người lịch sự không “ăn trầu cách mặt” nghĩa là đã tiếp thì tiếp cho khắp lượt, trong cùng một cuộc gặp không thể mời người này mà bỏ người khác vì trầu cau là “đầu trò tiếp khách” lại là biểu tượng cho sự tôn kính, phổ biến trong các lễ tế thần, tế gia tiên, lễ tang, lễ cưới, lễ thọ, lễ mừng…
Tương truyền việc ăn trầu có từ thời Hùng Vương và gắn liền với chuyện cổ tích nổi tiếng “Chuyện trầu cau”. Miếng trầu gồm 4 thứ nguyên liệu: cau (vị ngọt), lá trầu không (vị cay), rễ (vị đắng) và vôi (vị nồng). Ăn trầu thể hiện nếp sinh hoạt mang đậm tính dân tộc độc đáo của Việt Nam. Sách xưa ghi rằng “ăn trầu làm thơm miệng, hạ khí, tiêu cơm”.
Miếng trầu, làm cho người ta gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Miếng trầu nhân lên niềm vui, khách đến được mời trầu; tiệc cưới có đĩa trầu để chia vui; ngày lễ, tết, ngày hội miếng trầu với người lạ để làm quen, kết bạn; với người quen miếng trầu là tri ân tri kỷ. Miếng trầu cũng làm người ta ấm lên trong những ngày đông lạnh giá, làm nguôi vợi bớt nỗi buồn khi nhà có tang, có buồn được sẻ chia cảm thông bởi họ hàng bạn bè làng xóm. Miếng trầu còn là sự thể hiện lòng thành kính của thế hệ sau với các thế hệ trước cho nên trên mâm cỗ thờ cúng gia tiên của người Việt có trầu cau./.
Hương Tú (biên soạn)