Đọc lại chùm thơ Pác Bó của Bác Hồ: “Nơi Bác về, nguồn nước mới sinh…”

09:01, 14/01/2011

 

Màn múa hát của thiếu nhi TP Nam Định chào mừng Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh lần thứ VIII.  Ảnh: Xuân Thu
Màn múa hát của thiếu nhi TP Nam Định chào mừng Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh lần thứ VIII.
Ảnh: Xuân Thu

Đó là câu thơ của Tố Hữu khi đến thăm Pác Bó, nơi cách đây tròn 70 năm, ngày 8-2-1941 Nguyễn Ái Quốc trở về dấy lên bão táp cách mạng.

Ngày nay, Pác Bó đã trở thành một địa chỉ đỏ, nơi hàng triệu tấm lòng Việt cùng bạn bè năm châu hành hương tìm đến. Nhưng mãi đến đầu năm 40 của thế kỷ trước, Pác Bó vẫn chỉ là một nẻo vắng của núi rừng biên giới Việt Trung… Chùm thơ hai bài “Pác Bó hùng vĩ” và “Tức cảnh Pác Bó” ra đời trong những ngày cách mạng còn trứng nước đó. Và kỳ diệu thay, tâm hồn dạt dào thi hứng cùng những hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc như một cây đũa thần đã làm sống dậy mảnh đất này trong mùa xuân vô tận của Cách mạng…

Hãy lắng nghe hồi ký “Con đường dẫn tôi đến với Bác” của Đặng Văn Cáp: “Hang Pác Bó âm u, ẩm thấp, nhưng địa hình chung quanh thật hùng vĩ, lại có những nét rất nên thơ. Nhìn những ngọn núi chót vót xanh rì với những dây leo trên những cành cây cổ thụ rủ xuống dòng suối nước trong xanh, rì rào chảy, Bác liền tức cảnh một bài, bài đó ngày nay chúng ta đều biết cả”.

Pác Bó hùng vĩ
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lênin, kia núi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà.

Một bài tuyệt cú, đối cảnh sinh tình như thơ của tiền nhân (Nguyễn Trãi - Côn Sơn ca, Nguyễn Bỉnh Khiêm - Trung Tân ngụ hứng), nhưng Bác đã phả vào đó cái hồn cách mạng. Câu khai đề là một câu tả cảnh:

Non xa xa, nước xa xa

Và đây là câu tả cảnh duy nhất của bài thơ. Âm điệu câu thơ đọc lên nghe rất thích. 5 thanh bằng trong một câu thơ 6 tiếng, mà là thanh không dấu, cùng với sự nhắc lại hai điệp từ “xa xa”, tạo âm hưởng mênh mang, gợi nên một không gian bao la, rộng dài vô tận. Đây không chỉ là câu thơ tả thực, dù có núi và có suối, mà núi suối ấy cũng không rộng rãi, “nào phải thênh thang” như câu thừa đề thêm, mà ý nghĩa câu thơ còn rộng hơn. Hai yếu tố “non” và “nước” cấu thành giang sơn - Tổ quốc. Và tuy mới đặt chân đến Pác Bó địa đầu Tổ quốc, Bác đã như thấy hiện lên trước mắt đất nước rộng dài. Như vậy câu khai đề còn là một câu hàm chứa sức gợi, kèm theo một tiếng reo vui. Tố Hữu đã cảm nhận rất đúng điều này:

Bác đã về đây Tổ quốc ơi!
Nhớ thương, hòn đất ấm hơi Người
Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ
Mà đến bây giờ mới tới nơi

                              (Theo chân Bác)

Mảnh đất địa đầu của đất nước yêu dấu ba mươi năm từng trở đi trở lại trong tâm trí Người “đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước, cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà” (Chế Lan Viên), giờ đây đang hiện hữu, lẽ nào không sung sướng, yên lòng:

Nào phải thênh thang mới gọi là

Nhưng phút “tự bằng lòng” theo tinh thần “tri túc chi chỉ” (biết đủ, biết dừng) của nhà nho chỉ thoáng qua! Là học trò của Mác - Lênin, theo tinh thần cách mạng tiến công, Bác không dừng lại ở đó. Pác Bó chỉ là điểm khởi đầu cho quá trình khôi phục, tạo dựng được giang sơn hùng vĩ. Để có Tổ quốc lớn lao trọn vẹn liền giải trong tương lai, còn cần nhiều nhân tố quan trọng nữa. Trước hết là ánh sáng cách mạng soi đường:

Đây suối Lênin, kia núi Mác

Dòng suối từ ngọn nguồn và khối đá bên sườn núi, có bàn tay khắc tạc của Bác, đã được ý nghĩa hoá, đó là núi Mác, suối Lênin. Sau ba mươi năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lênin là con đường duy nhất đúng cứu dân tộc khỏi lầm than, cứu nước nhà khỏi vòng nô lệ, nên Bác đã đặt cho suối, cho núi những cái tên đầy ý nghĩa, gợi nghĩ tới ánh sáng lý tưởng soi đường. Và sau nữa, cần thêm một ý chí, một nghị lực. Trong nguồn sáng của học thuyết Mác - Lênin, người cách mạng có ý chí, có nghị lực là có thể đưa cách mạng đến thành công. Câu kết thể hiện hệ quả tất yếu đó:

Hai tay gây dựng một sơn hà

Câu thơ có cấu trúc đăng đối, “hai tay” của nhân dân cách mạng đầy nhiệt huyết, nhất định khôi phục lại được “một sơn hà”. Sự chênh lệch giữa sức nặng của “một sơn hà” với tầm vóc “hai tay” khẳng định một triết lý, một bài học về niềm tin: con người khi được giác ngộ chân lý có thể cải tạo được thế giới. Một kết luận thôi thúc hành động !

Ngay sau đó là một bài thơ hành động, kể về những ngày gian nan ở Pác Bó của Bác:

Tức cảnh Pác Bó
Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.

Nếu cái hay của bài thơ trên là tầng nghĩa ngụ ngôn, thì cái hay của bài thơ này là sự giản dị, giản dị đến hồn nhiên.

Hồi ký của những chiến sỹ cách mạng từng theo Bác về Pác Bó kể lại rằng: Hàng tuần Bác chỉ được ăn vài ba bữa cơm, còn thì toàn cháo ngô độn với măng vầu, ngọn bí. Vài ngày một lần Bác lại cùng với đồng chí liên lạc lội suối, mò ốc về cải thiện. Đêm đêm Bác ngủ trong hang lạnh, giường ghép bằng tre, nứa. Sáng dậy, thấy cả rắn rết bò vào tìm hơi ấm của người… Bài thơ cứ kể ra một cách tự nhiên cuộc sống gian khổ đó. Bắt đầu từ câu khai đề:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

“Suối, hang” ở đây không phải là thú lâm tuyền, du sơn ngoạn thuỷ của những ẩn sĩ, mà là nơi trú ngụ, ẩn náu của người chiến sỹ, khi cách mạng còn ở thời kỳ trứng nước. Câu thừa đề tiếp tục ý ấy:

Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng

Không có gạo thổi cơm phải ăn cháo ngô, không có rau phải lấy măng rừng. Đó là những thứ có sẵn xung quanh, trong thiên nhiên “vẫn sẵn sàng”. Ba chữ “vẫn sẵn sàng” làm bừng sáng câu thơ. Nó chứa đựng cái nhìn chuyển đổi tình thế của người cách mạng và một nụ cười lạc quan. Cuộc sống gian khổ thiếu thốn ư? Vẫn có sẵn đấy chứ, ở thiên nhiên và ở lòng dân!

Hai câu chuyển, kết tiếp tục thế đi của bài thơ, nhưng nổi rõ lên chân dung của người chiến sỹ cách mạng. Người chiến sỹ ấy đang làm việc cho cách mạng, làm việc say mê, bất chấp cái thiếu thốn của hoàn cảnh:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Giữa không gian khoáng đạt của đất trời, rừng suối, Bác lấy ngay hòn đá đặt “chông chênh” bên bờ suối làm cái bàn thiên tạo để làm công việc đầy ý nghĩa (dịch cuốn lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô làm tài liệu tuyên truyền, huấn luyện cán bộ đảng viên). Bác “dịch sử Đảng” cũng là đang sáng tạo lịch sử, nhen nhóm ngọn lửa đầu tiên làm nên bão táp cách mạng. Cái “chông chênh” của thế nước khi ấy, được trụ vững lại bởi hành động cách mạng, để liền sau đó vút lên một tâm thế sảng khoái:

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Hơn cả “cái sang” của những nhà nho ẩn dật “an bần lạc đạo”, ở đây là cái sang của người chiến sỹ cộng sản, tâm hồn lộng gió bốn phương, con mắt chim bằng nhìn xa vạn dặm cảm thấy vô cùng sung sướng, hạnh phúc vì được sống ngay trên đất nước mình, làm việc cho Đảng mình, cho dân tộc mình, mở ra cho đất nước một tương lai tươi sáng. Một kết thúc tràn đầy lạc quan khép lại bài thơ, nhưng mở ra cho người đọc ngày nay bao liên tưởng. Ta biết rằng sau đó ba tháng, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp ở Pác Bó. Bác chủ toạ hội nghị, thành lập Mặt trận Việt Minh, gấp rút chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Và khi thời cơ đến, toàn dân tộc đã nhất tề đứng lên làm cuộc đổi đời. Nguồn nước mới đã sinh ra từ Pác Bó.

Ai đó từng nói: Sống là hành động. Thơ cũng là hành động. Thơ Bác là đỉnh cao chói lọi của thơ hành động. Giữa những ngày cách mạng thế giới và trong nước gặp vô vàn khó khăn, hai bài thơ trên thắp sáng niềm tin, thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng. Nhưng câu chuyện thơ Pác Bó chưa dừng lại ở đây. Hai mươi năm sau, ngày 20 tháng 2 năm 1961, Bác cùng một số đồng chí lên thăm lại hang Pác Bó, chúc Tết đồng bào, đồng chí địa phương. Đồng chí Dương Đại Lâm kể lại: Trong khi các đồng chí cùng đi với Bác thăm hang, Bác ra ngồi chỗ mấy hòn đá chông chênh ngay bên suối Lênin. Khi các đồng chí đã thăm hang trở ra, Người hỏi: “Các chú có thấy tượng Các Mác, Bác tạc không?” “Có ạ!” “Dòng chữ nho Bác viết ngày về vẫn chưa phai chứ?” “Dạ chưa ạ!” Vách đá vẫn còn in nét bút của Người “Nhất cửu tứ nhất niên, Nhị nguyệt, Bát nhật”. Bác bảo mọi người tụ tập lại xung quanh hòn đá lớn nằm giữa mỏ nước, Bác ngồi trên hòn đá và nói với mọi người: “Hai mươi năm trước Bác đã ở đây và có làm hai bài thơ, có chú nào thuộc không?” (tất cả trả lời “Có”). “Hôm nay Bác lại làm một bài thơ nữa, đọc các chú cùng nghe nhé!”. Tiếng Bác cất lên trong như suối xa:

Hai mươi năm trước ở nơi này
Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây
Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu
Non sông gấm vóc có ngày nay.

Vẫn lối thơ hồn nhiên giản dị, không một chút dụng công nghệ thuật, bài thơ này là một kết thúc có hậu (happy-end) và một lần nữa cho ta thấy vẻ đẹp của tâm hồn Bác: Người mà công lao sánh ngang trời đất, làm rạng rỡ non sông không một lúc nào nghĩ đến mình. Lắng sâu trong tâm khảm Người niềm đinh ninh: có được non nước gấm vóc này là do sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh chiến đấu của toàn dân. Đảng và Dân là trước hết, trên hết trong trái tim Bác!

Mùa xuân này, trong niềm hân hoan chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI thành công rực rỡ, trong niềm lạc quan tin tưởng trước con đường “Xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” được khẳng định mạnh mẽ trong nghị quyết của Đảng, đọc lại chùm thơ Pác Bó trên đây, một lần nữa ta thêm thấm nhuần đạo đức Hồ Chí Minh: tận trung với nước, tận  hiếu với dân, rèn dũng, trí, nhân, toàn ý, toàn tâm vì cách mạng./.

Đông chí - Canh Dần
Đỗ Thanh Dương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com