Chiều cuối năm. Mưa lây phây, lành lạnh. Đó đây khắp xóm làng, làn khói lam trầm bay lên vần vũ rồi toả xuống hoà vào lớp hơi mù nhè nhẹ đang là là trên mặt đất. Bố tôi vừa lúi húi lau dọn bàn thờ vừa giục tôi nhanh chân chuẩn bị đồ để đi tảo mộ, mời ông bà tổ tiên về ăn Tết.
Năm nào cũng vậy, cứ khoảng chiều 28-29 Tết là tôi lại vác cuốc theo chân bố đi dọn dẹp quét tước lại các lăng mộ ông bà nội ngoại. Con đường vào khu nghĩa địa dày đặc cỏ buồn hiu quạnh. Bố tôi cẩn thận khoanh từng trảng cỏ đắp lên các ngôi mộ của gia đình rồi châm hương lẩm nhẩm khấn. Bố chia cho tôi một nửa bó hương để hai bố con cùng thắp cho các ngôi mộ chung quanh và giới thiệu tỉ mỉ từng ngôi mộ. Cả khu đất rộng bắt đầu nhẹ nhàng toả khói lòng vòng, nghi ngút. Không gian như ấm cúng hơn. Bố tôi bảo: “Người ta sống, dù có cố gắng trang trí nhà cửa cho đẹp, cho sang để đón Tết mà quên đi việc làm hiếu nghĩa này là chưa trọn đạo làm người sang. Trong khoảng không vô định của thế giới bên kia có hình ảnh những con người đang hướng về những người thân còn hiện hữu trên đời. Nén nhang chính là sợi dây liên kết giữa người sống và người đã khuất, giữa người trần với thần linh…”. Rồi bố tôi giải thích, về ý nghĩa triết học và tâm linh, cây hương (nhang) là sự kết nối giữa trời và đất, giữa âm và dương. Khi ta thắp nhang lên, lời ta khấn nguyện sẽ theo những làn khói bay lên toả khắp bốn phương, tám hướng đến tất cả các vị mà ta khấn sẽ nghe được lời ta cầu. Đốm lửa trên cây nhang tượng trưng cho cuộc sống của đời người, và đốm lửa đó cháy từ từ cũng giống như cuộc đời con người dần trôi theo ngày tháng, cho đến khi cây nhang cháy hết rồi tắt, sự sống của con người cũng sẽ tắt đi như cây nhang, khi nhang tàn rồi chỉ còn lại tăm nhang và tàn nhang. Tàn nhang tượng trưng cho loài người khi chết đi thân xác thành cát bụi. Tăm nhang tượng trưng cho loài người chết đi để lại cho đời một chữ “Tâm”. Nhang phải có mùi thơm vừa để xua tan tử khí, vừa để xua đuổi tà ma…
Tôi nhìn quanh, những ngôi mộ mới, cũ đan xen, có tên lẫn không tên, không bia… Có lẽ bố tôi nói đúng khi bảo rằng, nhìn qua nấm mồ là biết tình cảm của người thân họ đang sống. Phải, nó thể hiện ở những chân hương, cỏ và đất…
Những nén hương đã cháy gần hết nửa. Làn khói mỏng tang vẫn bay lên, uốn lượn rồi tan vào hư vô. Thanh thản và bình an… Chợt nghĩ đến việc dùng nhang điện trong cuộc sống hiện đại - một thứ nhang không mùi, không khói mà lạ lẫm. Vào một chiều thế này, tôi hiểu dù hiện đại và tiện lợi đến mấy, tấm lòng con người cũng không thể… hiện đại hoá, trước vong linh tiên tổ, ông bà./.
Thu Hường