Chơi cờ người ở phủ Vân Cát, thuộc quần thể di tích Phủ Dày, xã Kim Thái (Vụ Bản).
Ảnh:
Xuân Thu
|
Hàng năm, cứ đến ngày mười rằm tháng mười một (âm lịch), làng Vân Chàng, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) lại mở hội tưởng nhớ “Lục vị thánh tổ” tại đình làng - những người đã có công dạy dân làng nghề rèn. Hội làng được tổ chức, trong phần lễ như: Lễ dâng hương, rước, tế Nam Quan, lễ dâng sản phẩm cúng Thánh tổ. Là những mâm xôi có màu sắc đẹp, hoặc những chiếc bánh được kết thành hình một chiếc oản khổng lồ… Vào ngày chính hội, tiếng trống, tiếng kèn, cờ hội tưng bừng. Không khí làng thôn tưng bừng náo nức chuẩn bị rước cỗ kiệu của từng dong xóm ra đình dâng lên Thánh tổ. Đây cũng chính là lệ tục đẹp - nét độc đáo của lễ hội truyền thống làng Vân Chàng đến nay vẫn được duy trì.
Nam Trực là huyện có nhiều lễ hội gắn với nghề truyền thống và nghề nông. Vào những ngày giáp Tết, ngày diễn ra lễ hội đền Gin, nhân dân và khách thập phương sẽ được chứng kiến không khí tưng bừng của hội thi kiệu cỗ do các làng dòng họ, các giáp tham gia. Kiệu cỗ được làm từ các sản phẩm nông nghiệp, được chế biến bởi bàn tay tài hoa, khéo léo của người nông dân và được dâng lên cầu phúc, cầu lộc cho người dân trong làng. Nét đẹp văn hoá của lễ hội thể hiện ở tài năng của người dân: Từ cách làm bánh dầy, cách nuôi lợn, gà để làm lễ. Gà bày trên mâm dâng Thánh phải đặt khéo sao cho cổ ngẩng cao, cánh xoè ra, cá chép sau khi mổ phải đan lồng tre cho vào bụng cá để căng phồng lên, giữ nguyên vây, vẩy, và được nướng chín bằng than củi… Vụ Bản cũng được coi là vùng đất của lễ hội với hàng chục lễ hội diễn ra vào mùa xuân, trong đó có nhiều hoạt động hội như hội thi cá làng An Nhân, xã Thành Lợi; hội thi gà ở thị trấn Gôi; hội thi bánh làng Bịch, xã Minh Thuận; hội kết rơm làng Xứng, xã Liên Bảo… Nhiều vùng còn có hội xuống đồng, hội lùng cùng với cuộc thi làm bánh khúc xuất phát từ tục ăn tết lại… Tại lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng (Xuân Trường), cùng với nhiều trò chơi dân gian thì tục thổi cơm thi đã tạo nên không khí sôi động cho lễ hội. Cùng với món chính là cơm, mâm cỗ dâng lên Thành Hoàng làng còn có bốn loại bánh khác gồm bánh ống, bánh bìa, bánh phong, bánh giáo và một bát chè đường. Các loại bánh trên tượng trưng cho các loại lương khô mà Thành Hoàng làng đã làm để giúp nghĩa quân có đủ lương thực trong những ngày đánh giặc. Thổi cơm thi còn có trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Các lễ hội phản ánh nét sinh hoạt văn hoá của nền văn minh lúa nước, thực hiện ước vọng cầu mong cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt bội thu, ước mong của người dân về một cuộc sống đủ đầy… Bên cạnh đó, một số làng, thôn còn gìn giữ trong lễ hội những “cổ tục” mang nét riêng của làng, của vùng như: rước thỉnh kinh, hoa trượng hội, cờ đèn dưới nước (lễ hội Phủ Dầy); múa gậy tại lễ hội đền Vọng Cổ, xã Đại An (Vụ Bản); bắt chạch trong chum, bịt mắt đánh trống, đẩy gậy tại lễ hội đình Đá thờ Triệu Việt Vương ở xã Yên Cường (Ý Yên); bơi chải trên sông Đáy tại lễ hội đình Ngọc Chấn, xã Yên Trị (Ý Yên); hát rối trong lễ hội chùa Bi thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Đặc biệt, tại lễ hội làng Gạo, làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) có gần 20 trò chơi dân gian mang đậm sắc thái địa phương như tam cúc điếm, thi dệt vải, đua thuyền chở lương, bắt vịt, múa rồng mây, thi thả thơ, đánh cờ đèn dưới nước…
Các hoạt động văn hoá dân gian trong lễ hội đã tạo không khí vui tươi phấn khởi, gắn kết cộng đồng của người lao động, động viên người lao động hăng say sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương khơi dậy các hoạt động văn hoá dân gian ở các lễ hội truyền thống để làm giàu cho đời sống văn hoá tinh thần của người dân trong cuộc sống hôm nay sẽ góp phần bồi dưỡng, phát huy nhân tố con người trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước./.
Minh Thuận