Khắc phục tình trạng tín ngưỡng dân gian biến tấu thành tệ nạn mê tín trong các lễ hội

09:01, 21/01/2011

Nam Định là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hoá và là vùng đất của lễ hội. Những năm qua, trong xu hướng “tìm về cội nguồn”, các lễ hội dân gian, nghi lễ, tục lệ truyền thống được khôi phục, các di tích được đầu tư tôn tạo, đáp ứng nhu cầu của nhân dân ở các địa phương và đông đảo khách thập phương. Qua các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng dân gian đã góp phần tuyên truyền, giáo dục con người đức tin về những điều nhân nghĩa, hướng thiện, răn dạy, rèn mình theo điều tốt, đấu tranh với những cái xấu, cái tiêu cực, đồng thời, bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của các vùng miền, góp phần làm phong phú, đa dạng thêm cuộc sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng lạm dụng hoạt động tín ngưỡng dân gian phát sinh tệ nạn mê tín dị đoan đang diễn ra ở nhiều lễ hội, địa phương. Nhiều hội làng, chợ xuân, lễ hội truyền thống… mở liên miên, kéo dài trong khi nội dung không có tính đặc sắc, mà chủ yếu là các thủ tục mang nặng tính kêu gọi “công đức”. Lễ hội tổ chức kéo dài, vừa tốn kém thời gian, vừa tốn kém tiền của. Và trên thực tế số người đến lễ hội để tiếp thu được những giá trị văn hóa đích thực của lễ hội không nhiều. Trong các lễ hội nói riêng, hoạt động tín ngưỡng truyền thống của dân tộc nói chung như thờ cúng tổ tiên, việc lạm dụng tục đốt vàng mã có biểu hiện diễn biến phức tạp. Tục đốt vàng mã mang ý nghĩa tâm linh như một sự gửi gắm tình cảm nhớ đến người đã khuất, tuy nhiên do quan niệm “trần sao, âm vậy”, nhiều người đốt vô số, không chỉ là “tiền, vàng” mã truyền thống mà cả tiền mô phỏng như tiền thật, như tiền polimer, rồi cả ô tô, xe máy, máy bay, nhà lầu, xe hơi… Nhiều trường hợp đốt các loại đồ mã cho thấy sự “méo mó”, kệch cỡm trong nhận thức của một số người như hóa hình nhân “ô-sin” xuống âm phủ phục vụ người thân!? Một sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống khác cũng bị lạm dụng là hoạt động lên đồng hay “hầu đồng” ở các đền, phủ. Đây là một sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống được tích hợp rất nhiều yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian đặc sắc như hát cung văn, múa, diễn xướng dân gian… Mỗi “giá đồng” là hình thức diễn xướng dân gian kể về công trạng của những nhân vật có công cứu giúp con người, xây dựng bảo vệ quê hương. Nhưng ngày nay, "các con nhang đệ tử" đi theo dự các giá hầu với mục đích tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống đích thực để giáo dục, răn dạy con người thì ít, mà chủ yếu để cầu “thánh” điều gì đó, có khi là giải tai ương, hạn ách; cầu tài lộc, công danh… Chính vì vậy đã xuất hiện một bộ phận người lợi dụng niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi. Người theo đuổi những sinh hoạt tín ngưỡng dạng này phải đầu tư không ít tiền, chưa kể thời gian, sức khỏe. “Cậu” H. ở thành phố Nam Định cho biết, chỉ riêng tiền sắm quần áo của “cậu” cho một khóa “cậu” đi hầu là 15 triệu đồng. Chưa kể sắm cho “đồng thày” và các “đồng thanh” đi cùng, tiền sắm lễ, đạo cụ… Mà mỗi năm không chỉ có một khóa lễ như vậy, và tiền này đều do con nhang, đệ tử đóng góp(!) Chính sự lạm dụng, thiếu hiểu biết đúng đắn về truyền thống văn hóa của hoạt động “lên đồng”, đốt vàng mã khiến cho hoạt động này ngày càng phổ biến nhưng lại nhạt nhòa giá trị văn hóa, sự tôn vinh, tưởng nhớ người có công đức cao cả. Ngoài ra, còn nhiều biểu hiện lạm dụng khác như do không rõ ràng nên các tục lễ lạy nhiều nơi phát sinh rườm rà, tốn kém. Nhiều địa phương, nhất là các chùa, đền của làng hay các nơi được đồn là “thiêng” thì đặt rất nhiều ban, bệ với vô số hòm công đức. Nhiều người đi lễ không hiểu lắm, cúng tiền chỗ này mà không cúng ban khác thì không yên tâm, nhưng nếu rải khắp thì “ngân xuyến” đâu cho đủ. Hoặc những thủ tục lễ lạy rườm rà, tốn kém, khiến người theo phải hao tâm, tổn trí. Thậm chí nhiều gia đình vô tình gieo rắc tư tưởng mê tín cho con cái với việc đưa con đến chùa, đền để cúng lễ mỗi kỳ thi, không chỉ thi đại học, cao đẳng, thi tốt nghiệp, thi vào cấp 3, thậm chí cả thi học sinh giỏi(!).

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho xã hội về lĩnh vực này còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này cũng còn nhiều hạn chế, thậm chí né tránh. Là lĩnh vực thuộc ý thức con người, mang tính trừu tượng, ranh giới giữa tín ngưỡng dân gian và tệ nạn mê tín rất mỏng manh, khó phân biệt rạch ròi nên ở cấp cơ sở, có nơi còn lạm dụng hoạt động này để tạo nguồn thu, “bật đèn xanh” cho các hoạt động mang màu sắc mê tín, dị đoan. Để đấu tranh bài trừ tệ nạn mê tín dị đoan trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng việc trước hết, có ý nghĩa lâu dài là tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ những ý nghĩa, giá trị văn hóa đích thực của tín ngưỡng dân gian. Tăng cường quản lý nhà nước, kiên quyết đấu tranh phát hiện, xử lý nghiêm các hiện tượng mê tín, dị đoan. Trong việc đấu tranh với các hiện tượng này chính quyền cơ sở có vai trò quan trọng phát hiện sớm và xử lý triệt để. Quản lý chặt việc xuất bản các loại tài liệu, sách báo có nội dung tuyên truyền về tín ngưỡng dân gian truyền thống, không để lọt những ấn phẩm, nội dung phổ biến tư tưởng mê tín, dị đoan...

Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com