“Chợt một màu Hoa Cúc”

09:01, 28/01/2011

Một Mùa Xuân mới lại về!

Hoa đào, hoa mai đua nở, hải đường màu đỏ, hoa súng màu tím mộc mạc, đơn sơ. Hoa mặt trời thanh mảnh trong gió xuân. Hoa Lay-ơn trắng, Lay-ơn phớt hồng khoe vẻ thanh cao, bên những bông Păng-sê lộng lẫy.

Yêu hoa là một nét đẹp văn hoá, là nhu cầu nghìn năm của con người. Thật khó tưởng tượng, một ngày Tết, một mùa xuân ở phương Đông lại không có bóng dáng của những bông hoa. Nơi này có hoa đào, nơi kia có hoa mai, nhưng có lẽ hoa cúc có ở tất cả mọi nơi! Cúc là một loài hoa quý. Ở Việt Nam nó được xếp trong hàng tứ quý: “Tùng, cúc, trúc, mai”. Các cụ ta yêu quý hoa cúc, vì nó là một loài hoa trong sạch, thanh cao: “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc đạo” nghĩa là lá hoa cúc không bao giờ rụng khỏi cành, dù đã héo quắt. Hoa cúc cũng không chịu rụng, dù héo khô vẫn bám lấy cành, như người quân tử suốt đời không xa rời lý tưởng của mình.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Nói tới hoa cúc là ta nghĩ ngay đến màu vàng, song thực ra cúc gần như có đủ các màu: Cúc trắng, cúc đỏ, cúc tím, cúc nâu, cúc hoa cà. Theo phân loại thực vật học, thì ngoài cúc vàng, cúc trắng, còn một số giống khác cũng thuộc loài cúc như: Cúc đại đoá, cúc móng rồng, cúc hoa cà, cúc huỳnh trảo, cúc mâm xôi, cúc tứ quý, cúc bạch khổng tước, cúc ngũ sắc hoa màu hồng hay tím, giữa là màu vàng. Cúc kim tiền màu vàng đậm hoặc da cam có màu đen ở giữa. Cúc bách nhật màu tím hàng trăm ngày vẫn không rụng cánh, đổi màu. Cúc vạn thọ cánh vàng đậm có viền đỏ. Có giống cúc dây, trồng trên ban công rủ xuống như một dòng suối màu vàng gọi là kim tuyền, hay màu trắng gọi là ngân tuyền. Lại có loài cúc mốc, cành lá hình dáng đẹp, sống rất lâu năm, người ta thường trồng trong chậu để tạo dáng hoặc trồng ghép vào các hòn non bộ.

Có lẽ chỉ có cúc màu xanh là chưa có. Vì thế, nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết:

“Hoa cúc xanh có hay là không có
Trong đầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa”

*

Không chỉ ở Việt Nam, hoa cúc còn được tôn vinh ở nhiều nước khác.

Nhiều dân tộc chọn hoa cúc làm biểu tượng cho dân tộc mình. Trong quốc huy của người Nhật có hình hoa cúc, và tấm huy chương cao quý nhất của người Nhật là Huân chương Hoa Cúc, vì người Nhật coi hoa cúc tượng trưng cho mặt trời. Người Nhật, Trung Quốc, Triều Tiên thường tổ chức những lễ hoa cúc rất tưng bừng. Trong một cuộc bình tuyển danh hoa ở Thượng Hải, với 14 vạn phiếu bầu, người ta đã chọn ra được 10 loại hoa đẹp nhất: Mai, mẫu đơn, cúc, lan, nguyệt quế, đỗ quyên, sơn trà, sen, quế và thủy tiên. Còn theo Tạp chí Le Point của Pháp, thì 5 loại hoa bán chạy nhất trên thị trường thế giới là: Hoa hồng, cúc, Tuy-líp, cẩm chướng và loa kèn. Như vậy đủ biết hoa cúc vẫn luôn đứng vào loại hàng đầu trong cả thế giới hoa muôn màu sắc!

Các nhà nghiên cứu về hoa cho biết, hoa cúc đã xuất hiện trên trái đất từ rất lâu. Trong các di vật cổ, đã thấy có hình hoa cúc. Năm 1676, hoa cúc vào nước Anh và sau đó đến Pháp.

Ở Việt Nam, hình như hoa cúc là hình ảnh của người con gái. Rất nhiều cô gái Việt Nam đặt tên là Cúc. Nguyễn Du thì tả chị em Thuý Kiều:

“Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân Lan, Thu Cúc, mặn mà cả hai”

Còn Hàn Mặc Tử thì viết:

 “Xiêm áo đêm nay tề chỉnh quá
Muốn ôm hồn cúc ở trong sương”

Cũng có thể vì cúc là hình ảnh người con gái, mà nhiều nhà thơ nữ đều có thơ về hoa cúc:

Chợt một màu hoa cúc
Giữa góc phố đông người
Như ánh nhìn thăm thẳm
Từ tháng ngày xa xôi (Ý Nhi)

Bùi Thái Bình



hoa chia buồn tại quận 2

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com