Mùa khoai lang đang rộ. Khắp chợ bán đầy khoai. Những củ khoai màu hồng hồng, tim tím, trông thật hấp dẫn. Mấy cô bán khoai trông dáng dấp lam lũ, chất phác nhưng rất có duyên đon đả chào mời làm chúng tôi không thể không dừng lại.
Em chọn những củ to nhất, mua vài cân. Cô bán hàng thấy chúng tôi mua hàng xởi lởi, dễ tính nên cười nói vui vẻ. Thật là tuyệt vời. Củ khoai to, luộc lên bở như bánh phong, màu vàng vàng trông thật hấp dẫn. Khoai còn nóng, tôi thổi phù phù cho chóng nguội. Ăn miếng khoai đầu tiên, trời, ngon đến là ngon! Vị khoai vừa thơm vừa ngọt, ít khi tôi được ăn củ khoai ngon đến thế.
Rồi hai đứa tôi thi nhau kể chuyện về khoai. Ngày em còn bé, nhà em thường ăn cơm độn khoai. Cơm toàn là khoai thôi, nhìn tinh mới thấy hạt gạo. Nhiều khi nấu canh cua cũng cho thêm những miếng khoai đã xắt lát vào. Ngày tôi còn bé, cả nhà tôi thường ăn khoai trừ bữa vì không có thói quen nấu cơm độn. Cứ luộc một rổ khoai lên, ăn no khoai rồi, lót qua loa lưng bát cơm hay lưng bát cháo là xong bữa. Ngày ấy, khoai làng tôi gọi là khoai đồng Đền. Khoai được trồng trên đất thịt, gọi là khoai chiêm. Khoai chiêm thường được trồng vào mùa Xuân, dỡ vào tháng 5 âm lịch. Khoai đất thịt bở ra phết.Chẳng thế mà các cụ ở đây có câu ca dao: Trăng rằm đã tỏ lại tròn/ Khoai lang đất thịt đã ngon lại bùi. Còn vụ mùa, thường trồng khoai ngoài bãi sông. Trồng trên đất cát phù sa. Khoai này ngọt và bở, dỡ vào dịp gần Tết. Nó là lương thực chống đói cho tháng Ba sang năm của cả làng. Tháng Ba, hầu như nhà nào cũng ăn khoai, mong cho đến mùa gặt...
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Ngày Nhà nước cho đắp các măng - két ở con đê sông Luộc cạnh nhà, bố tôi trồng ngay khoai lang lên đó. Đúng là khoai đất lạ, mạ ruộng quen. Ngày đi dỡ khoai, cả làng xôn xao vì nhiều củ khoai to quá. Có củ to bằng cái giành tích, cân được 4-5 kg. Những củ khoai này bỏ vào nồi luộc mấy tiếng đồng hồ, tốn bao nhiêu rơm rạ, khi ăn, trong ruột vẫn bị sượng bởi vì nó to quá.
Những ngày đói kém, cả nhà cùng ăn khoai. Bố tôi bị bệnh, tay cứ run run, chẳng bóc được khoai. Thỉnh thoảng gặp củ to, nhưng đa số là củ bé tí, khoảng to hơn ngón tay chút thôi. Ông không bóc được nên ăn cả vỏ. Riêng bọn tôi thì vô tư, bóc khoai rất nghệ thuật. Có hôm, tôi bóc vỏ khoai khéo đến nỗi cái dải vỏ dài đến hai gang tay. Bọn tôi đùa vui và không hiểu tại sao bố tôi ăn khoai cả vỏ tài thế... tôi có biết đâu rằng, với những ngón tay bị bệnh run run, thì bố tôi sao mà bóc được?...
Tôi kể chuyện với em về bố tôi. Giọng tôi nghẹn lại vì thương bố. Cả đời ông chả được miếng nào ngon. Hai mươi mốt năm đau ốm do tai biến mạch máu não, bố tôi chỉ quanh quẩn trong nhà và nằm trên giường bệnh. Dáng ông đi lật đật như lao về đằng trước, chẳng đi được đâu xa, nên nhà có gì thì ăn cái nấy. Nhà tôi nghèo, chỉ rau cháo và khoai sắn quanh năm. Và bố tôi cũng chỉ quanh đi quẩn lại với những món ấy.
Bây giờ, mỗi lần ăn khoai, tôi đều nhớ tới hai bàn tay bố tôi run lẩy bẩy cầm củ khoai và ăn cả vỏ. Tôi nói với em: “Anh sẽ ăn khoai cả vỏ để mỗi lần ăn khoai, anh lại nhớ đến bố. Ngày xưa bố chỉ ăn những củ khoai bé xíu, còn những củ nhỉnh hơn, bố nhường hết cho những đứa con bé bỏng của ông. Anh lớn lên đi bộ đội xa nhà, chẳng phụng dưỡng bố được ngày nào. Bố luôn bị đói, quanh năm chỉ mong được bữa cơm no. Bây giờ có điều kiện khá giả, gạo không thiếu, có thức ăn ngon, thì bố đã đi xa mãi mãi...”./.
Phạm Thanh Cải