Xã Nam Thái (Nam Trực) có hơn 3.000 hộ dân với trên 10 nghìn nhân khẩu. Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, những năm qua, phong trào xây dựng gia đình văn hoá luôn được Đảng uỷ, UBND xã quan tâm chỉ đạo.
Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá của xã thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động các gia đình nâng cao ý thức trách nhiệm, cùng nhau thực hiện tốt quy ước nếp sống văn hoá. Thông qua hoạt động của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi với các loại hình: CLB Gia đình hạnh phúc, CLB Phụ nữ không sinh con thứ 3..., đã cung cấp những kiến thức cơ bản về đời sống gia đình như kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Pháp lệnh Dân số... cho các gia đình. Để phong trào xây dựng gia đình văn hoá đạt hiệu quả, xã khuyến khích, tạo điều kiện cho các gia đình phát triển kinh tế theo hướng đa dạng hoá ngành nghề, mở mang kinh doanh dịch vụ. Từ phong trào đã thúc đẩy nhiều gia đình vươn lên làm giàu chính đáng, số hộ khá tăng nhanh, giảm hộ đói nghèo. Điển hình là gia đình các ông: Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Văn Pha, Trương Văn Ngọc, Bùi Văn Bạo, Nguyễn Văn Phong phát triển kinh tế gia đình từ nuôi gà công nghiệp; ông Nguyễn Văn Huy phát triển nuôi lợn, làm dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi cho các hộ dân; ông Nguyễn Mạnh Đang mở dịch vụ cung ứng thức ăn gia súc, gia cầm; các ông Đỗ Văn Vịnh, Nguyễn Văn Thắng, Trần Văn Bỉnh thành lập Cty xây dựng...
Làng văn hóa Nhật Tân, xã Trực Hưng (Trực Ninh).
Ảnh:
Xuân Thu
|
Đi đôi với việc khuyến khích kinh tế hộ phát triển, xã Nam Thái còn quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hoá và hệ thống dịch vụ an sinh xã hội. Trường học, trạm y tế xã được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Cảnh quan môi trường, đường thôn ngõ xóm được cải tạo, nâng cấp. Từ năm 2007, xã đã ra nghị quyết hỗ trợ các thôn xóm xây dựng nhà văn hoá 15-20 triệu đồng tuỳ theo quy mô dân số, xây dựng khu vui chơi thể thao, bãi chứa xử lý rác thải... Nhờ đó, nhiều thôn như: Nam Trang, Lạc Thiện, Xuân Dương đã xây dựng được nhà văn hoá với kinh phí từ 150 đến gần 300 triệu đồng. Nhà văn hoá thôn là nơi sinh hoạt, hội họp của chi bộ Đảng, các đoàn thể, tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi, tổ chức tết Trung thu cho thiếu nhi, nơi tập luyện các môn thể thao và giao lưu văn nghệ cho mọi người... Hàng năm, vào Ngày Gia đình Việt Nam và Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, Ban chỉ đạo xây dựng đời sống văn hoá của xã đều tổ chức sơ kết phong trào từ thôn xóm, bình xét các gia đình văn hoá, biểu dương nhân rộng các mô hình gia đình tiêu biểu trên các lĩnh vực: Thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình, làm kinh tế giỏi, hiếu học, gia đình có nhiều thế hệ chung sống hoà thuận, ông bà mẫu mực con cháu hiếu thảo... Qua bình xét và tổng kết hàng năm, tỷ lệ gia đình được công nhận “Gia đình văn hoá” đều đạt trên 80%.
Phong trào xây dựng gia đình văn hoá ở xã Nam Thái đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của mỗi gia đình, khơi dậy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam như: sự hiếu nghĩa, thuỷ chung, kính trên nhường dưới. Các thành viên trong gia đình nâng cao ý thức chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những quy định trong quy ước nếp sống văn hoá của địa phương. Nhiều năm nay, xã không còn trẻ em trong độ tuổi đến trường bỏ học, thất học. Các gia đình văn hoá thực sự là pháo đài vững chắc bảo vệ con em tránh xa những tệ nạn xã hội. Đây cũng là nhân tố góp phần đắc lực vào việc xây dựng thành công làng, xóm văn hoá, gìn giữ thuần phong mỹ tục của quê hương. Đến nay, xã Nam Thái đã có 13/20 làng được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”./.
Hồng Hạnh