Nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích

09:12, 10/12/2010

Tỉnh ta có hệ thống di tích đa dạng, thể hiện ở những công trình kiến trúc như: đình, chùa, miếu, phủ, lăng, từ đường…Toàn tỉnh hiện có 1.655 di tích được phân bổ ở 229 xã, phường, thị trấn, bao gồm các loại hình: di tích khảo cổ, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, cách mạng kháng chiến, tôn giáo. Hệ thống di tích ở tỉnh ta góp phần tạo nên những giá trị di sản văn hoá phong phú và độc đáo. Tỉnh ta có hàng trăm lễ hội gắn liền với hệ thống di tích đền, đình, miếu, phủ.  Các lễ hội mở ra trong những năm qua đã đáp ứng nhu cầu tâm linh cũng như chiêm ngưỡng những nét đẹp độc đáo của các di tích của nhân dân. Hơn 10 năm trở lại đây, Lễ hội Trần đã trở thành một sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng, tâm linh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách trong nước và quốc tế. Về Thành Nam dự Lễ hội Trần, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu lộc, cầu may, cầu phúc mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, độc đáo của quần thể khu di tích Lịch sử - Văn hoá Trần. Đó là những di sản văn hoá vật thể và phi vật thể từ công trình kiến trúc, di vật, hệ thống chân tảng đá, đồ gạch ngói, gốm sứ hay nền móng của cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa xưa dần phát lộ qua những cuộc thăm dò và khai quật khảo cổ học, là những luận chứng khoa học về một thời đại huy hoàng của vương triều Trần trong lịch sử dân tộc. Cùng với Lễ Khai ấn đầu xuân, lễ hội Trần tổ chức tại Đền Trần ngày càng được tổ chức với quy mô lớn, số lượng du khách ngày càng đông đã bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của cha ông ta, đồng thời thu hút và quảng bá nét đẹp văn hoá của quê hương Nam Định đối với khách trong nước và quốc tế.

 

Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản) năm 2010.
Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản) năm 2010.

Nhắc tới giá trị di tích Nam Định, phải kể đến mảng văn hoá Hán - Nôm. Trải qua 10 thế kỷ tồn tại và phát triển (từ thế kỷ X đến XIX), văn tự Hán - Nôm, đặc biệt là văn hoá Hán - Nôm có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội thời kỳ trung, cận, đại. Có thể phân mảng di sản văn hoá Hán - Nôm thành 3 mảng: cổ vật; cổ thư (câu đối, đạo sắc phong, đại tự, thần phả…); cổ sử (các văn bản chữ Hán khác). Xét tổng thể, văn hoá Hán - Nôm dạng cổ vật, cổ thư có nguồn gốc và gắn liền trực tiếp các di tích, hệ thống công trình kiến trúc như đình, đền, chùa, miếu, phủ, lăng tẩm. Tỉnh ta hiện có 1.655 di tích, trong đó có hơn 200 di tích được Nhà nước xếp hạng. Điều này cho thấy sự phong phú về bản sắc văn hoá và thể hiện vị trí quan trọng của di sản văn hoá phi vật thể Hán - Nôm trong tổng thể di sản văn hoá quê hương Nam Định. Về giá trị lịch sử, loại hình văn hoá Hán - Nôm dạng cổ vật và cổ thư (tư liệu duy nhất tại các di tích hiện nay) trực tiếp ghi lại dấu ấn các sự kiện, sự việc quan trọng của các giai đoạn phát triển của quê hương, đất nước. Mặt khác, thông qua các văn bia, đạo sắc phong, chúng ta có thể định tính khoa học về nguồn gốc và sự ra đời của các di tích nói chung, đặc biệt là các di tích kiến trúc và di tích lịch sử. Về mặt văn hoá tinh thần, văn hoá Hán - Nôm cổ vật, cổ thư là phương tiện lưu giữ, cụ thể văn hoá phương thức ứng xử, sinh hoạt văn hoá tinh thần của cha ông, giúp chúng ta có cách nhìn chân thực, toàn diện về lịch sử dân tộc.

Những năm qua, tỉnh ta đã làm tốt công tác xã hội hóa bảo tồn di tích theo Luật Di sản văn hóa. Đối với các di tích được Nhà nước xếp hạng, chính quyền các cấp đều thành lập ban quản lý di tích, có quy chế, tổ chức và hoạt động theo tinh thần Quyết định 681 của UBND tỉnh. Công tác kiểm kê và phong trào chống xuống cấp, tu bổ, phát huy giá trị di tích được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tham gia tích cực. Bên cạnh những mặt làm tốt trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, ở một số lĩnh vực còn hạn chế. Trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, không ít nơi chỉ chú trọng đến phần “lễ”, xem nhẹ phần “hội”, nhất là việc khai thác, bảo lưu những giá trị di sản văn hoá đặc sắc của quê hương. Đối với mảng di sản văn hoá phi vật thể Hán - Nôm, số lượng di tích chưa xếp hạng ở tỉnh ta rất lớn (hơn 1.600 di tích) trong khi địa phương tự ý sửa chữa, tu bổ nhiều khi không có sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Do vậy, ở một vài di tích khi phục chế, tu bổ mới dừng lại ở mặt kiến trúc mà không chú ý đến hệ thống văn tự Hán - Nôm, từ đó dẫn đến việc các câu đối, văn bia, đạo sắc phong bị mai một hoặc bị thất lạc. Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, khai thác mảng văn hoá Hán - Nôm rất thiếu.

Để nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa bảo tồn di tích, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của toàn dân, của các cấp, ngành đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; xử lý kiên quyết các vi phạm làm tổn hại đến di tích lịch sử - văn hoá, cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khảo sát, nhằm đánh giá đúng thực trạng các di tích lịch sử - văn hoá, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo đối với từng di tích. Bên cạnh đó, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của các tầng lớp nhân dân để từng bước tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com