Hoa khoai khô

08:12, 31/12/2010

Quê tôi xưa nghèo lắm. Cơm ăn thường phải độn thêm ngô, khoai, sắn. Ngày giỗ, ngày Tết mới được bữa tươi. Còn bữa cơm hàng ngày chỉ đạm bạc rau, mắm, dưa cà, tép kho. “Cái khó ló cái khôn” (!). Từ trong vất vả, đói nghèo, người dân đã nghĩ ra những món ăn từ những thứ tưởng như chỉ bỏ đi, trong đó có món hoa khoai khô.

Cứ độ tháng 5, tháng 6 âm lịch, khi cái nắng mùa hè gay gắt, chói chang cũng là lúc quanh các bờ ao và ven sông, hoa khoai nước trỗ vàng rực rỡ. Những búp hoa nhọn như mũi kiếm từ giữa bẹ lá xanh ngọc vút lên, xuyên qua những chiếc lá hình tim, toả mùi hương ngai ngái, nồng nồng. Những người phụ nữ tần tảo, lam lũ quê tôi lúc rảnh rỗi lại tranh thủ đi cắt hoa khoai và cả những dọc khoai già héo quắt bởi nắng và gió về, thái ra chừng ba đốt ngón tay, cho vào nong nia phơi. Nhà nào có sân gạch chỉ cần phơi trực tiếp trên nền sân hai ngày nắng là khô giòn. Chờ hoa khoai khô “nguội”, các bà các mẹ cho vào giỏ treo lên gác bếp. Những hôm mưa phùn gió bấc, chợ xa, nhà chẳng còn gì ăn mặn, họ bốc một nắm hoa khoai khô, rửa sạch cho vào nồi, nêm nếm chút mỡ, nước mắm, kho lên. Chỉ đơn sơ vậy thôi, thế mà bữa cơm hôm ấy, cả một nồi cơm to hết veo. Hoa khoai khô ăn dai dai, bùi bùi, ngòn ngọt, lại có mùi thơm nồng hấp dẫn mà ai đã ăn một lần thì không thể nào quên.

Ngày nay, đời sống người dân quê tôi đã khá giả nhiều. Các gia đình không còn ăn hoa khoai khô kho mặn. Nhưng trong nỗi nhớ của những người từng qua những tháng ngày gian khó, hương vị của món hoa khoai khô vẫn đậm đà toả hương./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com