Đời sống văn hoá - nghệ thuật năm 2010 thật sôi động với ngập tràn những gam màu đa sắc: tươi tắn, mừng vui xen lẫn những gợn trầm buồn. Dẫu khoảng sáng hân hoan vẫn chiếm phần nhiều, song nhìn lại thật công tâm và khách quan, những người làm nghề không khỏi vương vất đôi điều suy ngẫm...
Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Ảnh:
Internet
|
1 - Thêm ba “viên ngọc vô giá”
Ngày 9-3-2010, Hồ sơ Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội ’’Bia Tiến sĩ Văn Miếu” đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Và trong Lễ khai mạc Đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long - Hà Nội sáng 1-10-2010, tấm bằng chứng nhận Di sản văn hoá thế giới dành cho Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được đại diện UNESCO trân trọng trao cho lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Trong thời khắc thiêng liêng, khi mảnh đất rồng bay tròn nghìn tuổi, Thủ đô Hà Nội vinh dự có hai viên ngọc quý góp vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO.
Nếu đã một lần đặt chân tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chắc chắn bạn không thể bỏ qua di tích có giá trị bậc nhất nơi đây. 82 tấm bia Tiến sĩ dựng song song hai bên giếng Thiên Quang, mỗi bên 41 tấm, mặt đều quay về miệng giếng.
Nhắc đến Khu Trung tâm Hoàng thành là nhắc đến tính liên tục của các lớp văn hoá dày đặc (từ khi còn tên gọi Đại La đến các triều đại Lý - Trần - Lê và kết thúc vào giữa TK 19) được chồng chất lên nhau suốt chiều dài lịch sử 13 thế kỷ. “Bộ sử bằng di vật” này giúp chúng ta có thể nghiên cứu trên nhiều phương diện: di tích, di vật, điều kiện địa lý, sinh thái, kiến trúc, đời sống cung đình và trên hết là những biến thiên lịch sử đã từng diễn ra trên mảnh đất kinh kỳ.
Một tháng rưỡi sau đó, ngày 16-11-2010, tại thành phố Nai-rô-bi, Thủ đô của Kê-ni-a, kỳ họp thứ 5 của Uỷ ban liên Chính phủ theo Công ước năm 2003 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Tin vui này làm nức lòng nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước và là món quà vô giá tri ân tổ tiên và các thế hệ tiền nhân trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Như vậy, tính cho tới thời điểm này, Việt Nam đã có tất cả 13 di sản thế giới đã được UNESCO chính thức công nhận.
2- Nhân lên niềm tự hào
Hà Nội tự hào là một trong số ít những Thủ đô trên thế giới có tuổi đời ngàn năm. Và năm 2010, những con dân đất Việt đã được sống trong không khí vô cùng đặc biệt, khi hồi hộp cùng chiếc đồng hồ đếm ngược ở đền Bà Kiệu cùng chờ đợi thời khắc thiêng liêng nghìn năm mới có một lần.
Suốt 10 ngày liên tục (từ 1-10 đến 10-10), Hà Nội xanh - sạch - đẹp đã trở thành sân khấu khổng lồ, nơi diễn ra hàng loạt những hoạt động văn hoá, nghệ thuật hoành tráng (đêm hội áo dài bên đền Ngọc Sơn, đêm bế mạc lộng lẫy sắc màu ở Mỹ Đình...). Nói như nhà nghiên cứu văn hoá Giang Quân: “Đại lễ hoành tráng đã qua, cả dân tộc nói chung, người Hà Nội nói riêng hiểu được thêm giá trị của việc dời đô cũng như công lao của bao bậc anh hùng, tài danh văn hoá đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương để bảo vệ và dựng xây nên kinh đô rồng bay - thành phố trong sông cho muôn đời hậu thế mai sau. Càng tự hào về truyền thống vẻ vang, càng ý thức được trách nhiệm thời đại của công dân Hà Nội sau Đại lễ. Không khí hoành tráng, hào hùng, linh thiêng như đã thấm vào trái tim, dòng máu của người dân 36 phố phường”.
3 - Thành công từ vai trò làm “chủ nhà”
Đêm chung kết Cuộc thi Hoa hậu Trái đất lần thứ 10, một trong con số rất ít những đấu trường sắc đẹp uy tín nhất thế giới, vừa kết thúc thành công tại Hòn ngọc Việt (Nha Trang). Lần đầu sắm vai chủ nhà đích thực của Miss Earth (ngoại trừ lần tập dượt trước đó cho một vòng thi phụ bên lề), chúng ta đã có một event (sự kiện) tầm cỡ thế giới, tạo được hình ảnh đẹp về một Việt Nam thân thiện, năng động, nêu cao ý thức bảo vệ môi trường để chung tay vì một Trái đất xanh trong con mắt bạn bè quốc tế. Những bãi biển đẹp, những địa danh du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn, những di sản văn hoá quyến rũ mời gọi những bước chân khám phá. Tất cả đã đến với khán giả trên khắp mọi châu lục thông qua kênh quảng bá hữu hiệu, những hình ảnh nên thơ được phát liên tục trong suốt đêm chung kết. Cái được mà chúng ta thu lại, từ sự kiện này là vô giá, không thể tính nổi bằng tiền.
Cũng lần đầu, một Liên hoan phim quốc tế, với những ngôi sao quốc tế (Ngô Ngạn Tổ, Trương Gia Huy, An-na Mau-gla-lit, Philip Noi...) toả sáng trên thảm đỏ đã làm nức lòng người yêu điện ảnh cả nước. Khách quan mà nói, VNIFF đã thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường điện ảnh Việt vốn trầm lắng xưa nay. Học hỏi kinh nghiệm từ nhiều LHP quốc tế, những hoạt động bề nổi dày đặc trong suốt năm ngày đã giúp hâm nóng tình yêu điện ảnh trong tim người hâm mộ. Giới thiệu phim của nhiều nền điện ảnh trên thế giới tới công chúng nội địa và mời các nhà làm phim đến với chúng ta, VNIFF đã có một bước khởi đầu tích cực, trong nỗ lực khai thông dòng chảy hội nhập.
Không thể tránh khỏi những hạt sạn nho nhỏ trong khâu tổ chức, khi “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng thành công từ hai lần “làm chủ”, sau bao năm chỉ khiêm tốn ở vị trí “khách mời”, với những kinh nghiệm quý giá đúc rút được sẽ giúp chúng ta thêm tự tin mở cửa đón những sự kiện văn hoá nghệ thuật quốc tế khác, trong những năm sau này.
4- Hai điểm sáng của nghệ thuật thứ bảy
Trong một năm quá dư những vụ lùm xùm nho nhỏ xoay quanh các dự án làm phim chào mừng Đại lễ, thành công đáng ghi nhận trên các sân chơi quốc tế của bộ phim Bi, đừng sợ - đạo diễn Phan Đăng Di cùng “cơn sốt” tạo nên bởi Cánh đồng bất tận có thể coi là gam màu rực rỡ nhất giúp bức tranh điện ảnh đỡ đi phần ảm đạm.
Ngày 27-11-2010, tại lễ trao giải Liên hoan phim quốc tế Xtốc-khôm 2010, đại diện duy nhất của châu Á có phim lọt vào danh sách tranh giải ở hạng mục FaceFace, Bi, đừng sợ! đã giành được hai giải thưởng: giải phim đầu tay xuất sắc nhất và giải quay phim xuất sắc nhất cho nhà quay phim Phạm Quang Minh, với lời nhận xét “Có tính giản dị nên thơ và sự hoàn thiện kỹ thuật tinh tế đáng kinh ngạc”. Trước đó, tại LHP quốc tế Cannes, ngày 19-5-2010, Bi, đừng sợ! đã gây bất ngờ khi đoạt hai trong sáu giải thưởng ở hạng mục Tuần phê bình quốc tế của Cannes. Một trong hai giải phim được trao là SACD, dành cho kịch bản xuất sắc nhất trong số bảy phim dự tranh cùng hạng mục, với phần thưởng 4.000 euro (khoảng 100 triệu đồng Việt Nam). Giải kia là ACID/CCAS, với trị giá giải thưởng 8.000 euro, được tài trợ bởi quỹ dành cho các hoạt động xã hội CCAS và do các đạo diễn, thành viên trong Hiệp hội phát hành các phim độc lập ACID lựa chọn.
Cánh đồng bất tận thu 9,5 tỷ đồng sau hai tuần công chiếu, “hot” và đứng đầu doanh thu, chiếm lĩnh hầu hết các rạp chiếu… Có thể gặp rất nhiều tiêu đề bài viết trên các báo như thế, khi bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Nhận được hiệu ứng khán giả tốt tại LHP quốc tế Pusan, chiến lược PR bài bản, trailer ngập tràn cảnh nóng cùng sự song hành nhiều luồng dư luận trái chiều trên các diễn đàn, bộ phim đã tạo nên một hiện tượng doanh thu bất ngờ với chính nhà sản xuất. Đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Kim Hải đoạt giải phim tài liệu xuất sắc tại LHP quốc tế Việt Nam lần thứ nhất với tác phẩm đầu tay Luôn ở bên con. Ca sĩ - diễn viên Nhật Kim Anh đăng quang Nữ diễn viên xuất sắc nhất cho vai diễn điện ảnh đầu tay. Có thể nói, 2010 là năm thành công của những người trẻ tuổi trên con đường chinh phục khán giả trong nước và vươn mình ra ngoài biên giới.
5- Những dấu lặng buồn không đáng có
Một năm mà showbiz ngập tràn tai tiếng cả vô tình lẫn cố ý. Công chúng mệt mỏi khi chỉ được biết tới các ngôi sao làng giải trí, không phải thông qua những hoạt động văn hoá - nghệ thuật đóng góp được từ quá trình miệt mài lao động, mà chỉ nhờ những bộ hình “gợi cảm” đến mức đáng phê phán. Rồi những lời than thở khi “bị tung ảnh/clíp nóng lên mạng”. Những cặp đôi đình đám một thời quay lại nói xấu nhau không tiếc lời, sẵn sàng “vạch áo cho người xem lưng”. Những nghi án cùng sự thật không đẹp được hé lộ từ đời và nghiệp của một số người nổi tiếng.
Năm qua, băng đĩa vẫn đều đều xuất xưởng, liveshow vẫn ra lò, những cái tên ca sĩ mới toanh mà nói như nhạc sĩ Huy Tuấn là “có khoảng 50% chỉ được gọi là biết hát” thi nhau phủ sóng với tần suất dày đặc. Nhưng cái nhìn về thị trường âm nhạc của công chúng và những người làm nghề tâm huyết vẫn chẳng có mấy dấu hiệu lạc quan. Và nhìn vào giải thưởng Làn sóng xanh vừa qua, tuy đã phai nhạt dần uy tín qua nhiều năm, vẫn sẽ chỉ thấy quanh quẩn hơn chục gương mặt đã nổi danh từ cả hơn chục năm về trước. Đồng nghĩa với lớp đàn em, số lượng tuy đông nhưng chất lượng xem ra có bề còn rất thấp.
Quá nhiều chương trình mang màu sắc giải trí được lên sóng và gắn mác truyền hình trực tiếp. Rồi căn bệnh no dồn đói góp kinh niên của làng giải trí, khi các cuộc thi na ná cứ chọn cùng thời điểm để giẫm chân chồng chéo lên nhau khiến khán giải bị bội thực. Hai cuộc thi hoa hậu (tổ chức quá gần nhau, chung kết và trao giải chỉ cách nhau đúng một tuần) vô tình bị đẩy vào tình thế ganh đua trên mọi phương diện, từ chất lượng thí sinh, tới quy mô tổ chức và cả cách truyền thông quảng bá. Thêm nữa, thời gian chạy các hoạt động bên lề, các phần thi phụ trước khi bước vào trao giải của hai cuộc thi này diễn ra gần như song song, khiến công chúng Việt Nam bị rơi vào tình trạng bội thực hoa hậu, nếu không muốn nói quá là bội thực các danh hiệu.
Cũng trong tình thế này, không rõ là sự vô tình hay cố ý, giải Siêu mẫu Việt Nam và Vietnam’s next Top Model (Tìm kiếm người mẫu Việt Nam) lại chọn cùng thời điểm để chạy việt dã sự kiện, casting người mẫu.
Cứ tới cuối tuần, công chúng yêu nhạc lại rơi vào tình trạng bội thực âm nhạc khi tối thứ bảy, Vietnam ldol lên sóng trực tiếp trên VTV6 và Sao mai điểm hẹn lên sóng VTV3 vào tối chủ nhật. Với lợi thế sóng lớn, công chúng đông đảo hơn, Sao mai điểm hẹn vốn dĩ là cuộc thi âm nhạc được mong đợi nhất lại đang vô hình chung bị đẩy vào tình thế so sánh vì sự na ná với Vietnam ldol. Ngoài so sánh về sự lựa chọn các gương mặt vào vòng trong, cả hai cuộc thi lại làm nóng các diễn đàn về cách tổ chức, về giám khảo và về chất lượng của các thí sinh. Thay vì tìm ra những cá tính âm nhạc Việt mới, công chúng chỉ thấy những thông tin về sự tai tiếng của thí sinh và Ban giám khảo. Việc các thí sinh bị nhạt trong lòng khán giả âu cũng là lẽ dĩ nhiên khi chẳng cuộc thi nào có vị trí độc tôn. Rồi sau một thời đình đám của Bài hát Việt, Con đường âm nhạc, trong hơn một tháng gần đây, khán giả bội thực với hai chương trình này, khi cùng lên sóng trực tiếp VTV3, cùng thời lượng tháng/lần.
Tiếng chuông cảnh tỉnh cho việc nâng cao nhận thức hiểu biết cùng ý thức bảo vệ tác quyền các sản phẩm trí tuệ, một lần nữa lại được gióng lên./.