Âm vang Tiếng chèo Đại Lộc

10:11, 05/11/2010

Nam Định nằm trong "Chiếng chèo Nam" nổi tiếng cả nước thì huyện Ý Yên được coi là đất chèo của tỉnh với những làng chèo nổi tiếng ở các xã Yên Nhân, Yên Phong, Yên Trị, Yên Chính, Yên Thọ, Yên Cường... Cũng như các làng chèo khác, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các nghệ sỹ, diễn viên của làng chèo Đại Lộc, xã Yên Chính với tình yêu nghệ thuật chèo, đem lời ca, tiếng hát qua các vở diễn động viên nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Một tiết mục của Nhà hát Chèo Nam Định trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 710 năm Ngày mất Anh hùng dân tộc TrầnHưng Đạo. Ảnh: Khánh Ngọc
Một tiết mục của Nhà hát Chèo Nam Định trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 710 năm Ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.
Ảnh: Khánh Ngọc

Biết hát chèo từ bé, rồi tham gia đội văn nghệ của xã từ năm 16 tuổi, đến nay nghệ sỹ chèo Phạm Thị Ngoan (Đại Lộc) đã có gần 40 năm gắn bó với nghệ thuật chèo, và đã được Nhà nước tặng thưởng Huy chương về sự nghiệp văn hoá. Trong ký ức của bà từ khi còn nhỏ đã thấy cha ông thường xuyên tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ nhân dân trong và ngoài xã. Trong thời kỳ chiến tranh, khi điều kiện cơ sở còn khó khăn, thiếu thốn, bom đạn luôn rình rập, tiếng hát chèo như món ăn tinh thần, là hơi thở của cuộc sống đối với người nông dân. Nghệ sỹ hát chèo thời đó đa dạng, là cán bộ HTX nông nghiệp, là chị dân quân, là người nông dân ban ngày thì miệt mài lao động sản xuất, ban đêm tranh thủ tập luyện. Mỗi khi tiếng trống, tiếng mõ vang lên ngoài sân đình thì cũng là lúc khắp các ngõ xóm bà con tíu tít rủ nhau đi xem hát chèo và được đắm mình trong những câu hát ngọt ngào tha thiết của những trích đoạn, những tích trò, những làn điệu chèo đặc sắc. Những đêm diễn không loa đài, không có điện, sân khấu chỉ tạm bợ nhưng người dân đến dự rất đông: người lớn thì cầm đuốc, trẻ em thì len lỏi, chen chúc sát tận sân khấu. Trong ánh sáng nhạt nhoà, thế nhưng mỗi khi kết thúc một đoạn diễn, tiếng vỗ tay lại vang lên trở thành nguồn động lực cho các diễn viên, nhạc công. Những vở chèo cổ như Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Trương Viên, Lương Sơn Bá - Trúc Anh Đài, Kim Nham... với ngôn ngữ chèo, hình tượng nhân vật được cường điệu bằng lối diễn đả kích thói hư tật xấu, đấu tranh chống lại cường hào, ác bá thực dân phong kiến trở thành một món ăn tinh thần luôn được chờ đón của người dân, góp phần động viên họ tích cực lao động sản xuất, đóng góp sức người, sức của, trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn đánh đuổi đế quốc thống nhất nước nhà.

Khi chiến tranh kết thúc, tiếng hát chèo vẫn vang lên động viên nhân dân trong xã tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có thời gian, làng chèo Đại Lộc hoạt động cầm chừng do thiếu kinh phí. Không để mai một đi giá trị văn hoá tinh thần đã ăn sâu vào máu thịt của biết bao thế hệ người dân nơi đây, dưới sự chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND xã Yên Chính, nghệ thuật chèo trong làng Đại Lộc vẫn được duy trì thông qua hoạt động các CLB của Hội Phụ nữ. Đồng chí Phạm Thị Huệ, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: Làng Đại Lộc có 7 xóm với gần 800 hội viên hội phụ nữ, mỗi xóm đều có các CLB: phụ nữ không sinh con thứ 3, xây dựng gia đình hạnh phúc và phụ nữ với pháp luật. Trong các buổi sinh hoạt định kỳ, các buổi sơ kết, tổng kết của CLB, tiếng hát chèo, tiếng đàn, tiếng trống luôn vang lên tạo không khí phấn khởi cho hội viên, nhân dân trong thôn thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt vào các dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10… các chị, các mẹ lại cùng nhau xây dựng kịch bản, tập luyện và biểu diễn các vở diễn. Nhiều vở diễn của làng chèo Đại Lộc mang nội dung, ý nghĩa chính trị sâu sắc, mang hơi thở của thời đại đã được mời biểu diễn trong các cuộc thi, các hội nghị lớn triển khai công tác của địa phương, của huyện. Nhiều năm liền, các vở diễn của làng chèo đã đạt giải cao tại các cuộc thi văn nghệ của huyện, của tỉnh. Tại cuộc thi "Nông dân với ATGT tỉnh" được tổ chức năm 2008, vở chèo "Thượng Đế vi hành" do các nghệ sỹ làng Đại Lộc xây dựng và biểu diễn đã xuất sắc giành giải Nhì. Không chỉ vậy, tiếng hát làng chèo đã nhiều lần đại diện cho tỉnh tham gia Hội diễn làng chèo toàn quốc, trong đó vở chèo "Lòng mẹ" đã đoạt HCV và được nhiều nơi trong tỉnh mời biểu diễn cho cán bộ, nhân dân thưởng thức.

Cùng với sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ của các CLB chèo trong toàn tỉnh, các nghệ sỹ, diễn viên quần chúng của làng chèo Đại Lộc xã Yên Chính vẫn mang lời ca, tiếng hát mang hơi thở của cuộc sống hiện đại vừa thắm đượm những tinh hoa văn hoá cổ truyền từ ngàn xưa góp phần tạo nên đời sống văn hoá tinh thần phong phú của làng quê hôm nay./.

Thanh Ngọc



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com