Xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc) là vùng đất cổ mang đậm nét văn hoá truyền thống với hệ thống dày đặc các di tích lịch sử văn hoá, gồm: 10 ngôi đình, 7 chùa, 2 nhà thờ, 32 từ đường dòng họ và nhiều miếu, phủ, điện...; đặc biệt Di tích Lịch sử Văn hoá quốc gia đình Sùng Văn được công nhận năm 1997 thờ Tam Vị Đại Vương (Linh Lang, Cao Đê, Đãi Chân). Đây chính là những yếu tố cấu thành nên văn hoá đặc trưng của “hồn làng” và cũng là yếu tố quan trọng để mỗi người dân Mỹ Thuận kế thừa và phát triển trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá.
Nhà Văn hoá xóm Phúc, xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc). |
Ngay từ những năm 1990, phong trào xây dựng NSVH đã được phát động. Đồng chí Trần Xuân Tân, Trưởng Ban Văn hoá xã cho biết: Công tác xây dựng NSVH đã hỗ trợ rất lớn cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của địa phương. Đến nay, 100% các thôn, xóm ở Mỹ Thuận đã xây dựng được hương ước. Các đơn vị thôn, xóm, các cơ quan, trường học được công nhận đạt tiêu chuẩn NSVH vẫn duy trì, phát huy nét đẹp trong đời sống kinh tế - xã hội. Công tác xây dựng gia đình văn hoá luôn được các địa phương coi trọng. Việc tổ chức bình xét hàng năm diễn ra công khai dân chủ và cứ hai năm xã tổ chức cấp giấy chứng nhận gia đình văn hoá một lần. Nếu năm 2001 có 41% số hộ gia đình trên toàn xã đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá thì đến năm 2009 số gia đình văn hoá đã chiếm 71,5%. Xây dựng gia đình văn hoá đã trở thành một yếu tố thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế, chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước của các hộ dân trong xã. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, số hộ khá và giàu đạt trên 50%, số hộ nghèo chỉ còn 7%. Những năm qua, xã đã có nhiều chuyển biến tiến bộ trong tổ chức việc cưới, việc tang theo quy ước NSVH. Để tăng cường quản lý và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, thời gian qua xã đã tổ chức các hội nghị triển khai Pháp lệnh Tôn giáo, tín ngưỡng đối với các tăng ni, phật tử, trùm các họ giáo, thủ từ các đình chùa, miếu mạo. Hầu hết các đình chùa đều thành lập BQL di tích hoặc ban khánh tiết để điều hành các hoạt động tín ngưỡng hay dâng hương trong những ngày lễ, ngày kỵ, ngày sinh các vị Thánh được nhân dân thờ phụng. Các lễ hội, lễ dâng hương đều giữ được bản sắc truyền thống và phát huy được giá trị của di tích, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Điểm nổi bật trong phong trào TDĐKXDĐSVH ở Mỹ Thuận là xây dựng hệ thống các thiết chế văn hoá. Từ năm 2000 đến nay, xã đã xây dựng được 26 phòng học cao tầng, 1 nhà học đa năng với tổng kinh phí 15 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Xã không còn tình trạng học sinh bỏ học. Các trường THCS, tiểu học, mầm non của xã liên tục đạt trường tiên tiến và tiên tiến xuất sắc. Hệ thống đường giao thông nông thôn của xã được cải thiện, 95% số đường dong ngõ xóm đã trải nhựa, bê tông hoá, trải đá cấp phối, kinh phí hầu hết do nhân dân đóng góp. Hệ thống nhà văn hoá thôn xóm từng bước được xây dựng. Từ năm 2005 đến nay, 7/12 xóm đã xây dựng nhà văn hoá với tổng kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Hiện tại, xã đang xây dựng Nhà văn hoá xã trị giá hàng tỷ đồng. Cùng với hệ thống nhà văn hoá, các công trình phụ trợ được xây dựng đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân. Nhà văn hoá xóm Thọ có 3 sân cầu lông, Nhà văn hoá xóm Liên Minh có 1 sân cầu lông, là địa điểm tập luyện thường xuyên của thanh thiếu niên trong xóm.
Với những thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tại Hội nghị tổng kết 10 năm phong trào TDĐKXDĐSVH (tháng 10-2010), xã Mỹ Thuận đã được nhận Bằng khen của UBND tỉnh./.
Bài và ảnh: Thu Trang