Văn nghệ quần chúng ở Hải Hậu

10:11, 05/11/2010

Tiết mục múa hát tại Hội diễn Văn nghệ quần chúng huyện Hải Hậu năm 2010. Ảnh: Việt Thắng
Tiết mục múa hát tại Hội diễn Văn nghệ quần chúng huyện Hải Hậu năm 2010.
Ảnh: Việt Thắng
Cùng với hệ thống thiết chế văn hoá đồng bộ ở 35 xã, thị trấn, huyện Hải Hậu đã sớm xây dựng được phong trào VNQC phát triển toàn diện, đồng đều ở cơ sở với 470 đội VNQC ở cả 35/35 xã, thị trấn, các cơ quan xí nghiệp, trường học, các thôn xóm, xứ họ đạo với gần 1000 người tham gia và có gần 100 đội kèn đồng với trên 2000 nhạc công. Hàng năm, lực lượng văn nghệ quần chúng đã tham gia tích cực vào các sinh hoạt văn hoá, chính trị của huyện nhân các ngày kỷ niệm lớn của đất nước như: Kỷ niệm ngày thành lập Đảng (3-2), ngày sinh nhật Bác (19-5), Ngày Giải phóng miền Nam (30-4), Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9... Để đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ quần chúng trong cơ chế mới, huyện Hải Hậu đã thực hiện phương thức mọi người cùng tham gia và cùng hưởng thụ. Chính điều này đã góp phần huy động được tiềm năng văn nghệ trong nhân dân. Ở Hải Hậu hiện nay đã hình thành các tổ, đội văn nghệ trong các đoàn thể như chi Đoàn Thanh niên, chi Hội Phụ nữ, chi Hội Cựu chiến binh, Câu lạc bộ thơ văn của người cao tuổi... Mỗi trường học, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp ở Hải Hậu đều có đội văn nghệ, mỗi xã có từ 5 đến 10 đội văn nghệ với các thể loại ca múa nhạc, kịch, chèo, hát dân ca... Kịch nói phát triển mạnh ở thị trấn Yên Định, thị trấn Cồn, xã Hải Phú, xã Hải Thịnh. Các đội chèo mạnh tập trung ở các xã Hải Châu, Hải Quang, Hải Tây, Hải Minh, Hải Trung... Ca múa nhạc phát triển ở Hải Phương, thị trấn Cồn, Hải Thịnh. Ở các tổ, đội văn nghệ tiêu biểu như: tổ dân phố số 2 thị trấn Yên Định, tổ dân phố Cao An thị trấn Cồn, tổ văn nghệ trường mầm non thị trấn Thịnh Long, đội chèo Phú Vân Nam xã Hải Châu, đều có 20-30 thành viên tham gia hoạt động tích cực.

Một trong những "điểm hội tụ" của phong trào VNQC ở Hải Hậu là lễ hội cách mạng được tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám tại 35/35 xã, thị trấn và được "tổng kết" bằng lễ hội cách mạng tại trung tâm huyện vào dịp 2-9 với nhiều hoạt động văn hoá chính trị - thể dục thể thao phong phú như ca múa, kịch, hát trên thuyền, bơi chải, hát dân ca cùng nhiều trò chơi dân gian như: vật cầu, tổ tôm điếm, cờ người, ném vòng cổ chai, đi kheo..., đã trở thành ngày hội VNQC của nhân dân trong huyện từ hàng chục năm nay./.

Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com