Phát huy vai trò của các cấp hội phụ nữ trong phong trào xây dựng nếp sống văn hóa

09:11, 26/11/2010

“Thương hiệu” câu lạc bộ (CLB) chèo xã Nam Thái (Nam Trực) không chỉ nổi danh với các nghệ nhân đồng quê “hát hay, đàn giỏi” cùng nhiều vở chèo “tự biên, tự diễn” có nội dung sâu sắc, được đông đảo nhân dân trong vùng yêu thích, mà còn là một trong những điểm sáng về hoạt động văn nghệ quần chúng của huyện và của tỉnh. Người “giữ lửa” cho nhịp chèo Nam Thái chính là Nguyễn Thị The, chủ nhiệm CLB với hơn 40 năm gắn bó với bộ môn nghệ thuật chèo địa phương. Tuy không được đào tạo một cách bài bản, nhưng với tình yêu nghệ thuật, chị tự học hỏi các điệu chèo cổ truyền và nghệ thuật biểu diễn. Năm 1967, sau khi tham gia đội văn nghệ quần chúng của địa phương, chị The được thử sức với các vai diễn và gây được cảm tình với khán giả như: vai bé Hoa trong vở “Ngôi nhà bên sông”, vai cô nữ dân quân trong vở “Đường về mặt trận”, vai cán bộ văn hoá trong vở “Bói ra ma”. Đến nay, CLB chèo Nam Thái có gần 40 hội viên, trong đó, chủ yếu là chị em phụ nữ, có chung niềm đam mê và tình yêu nghệ thuật chèo truyền thống. Trên cương vị chủ nhiệm CLB, chị The vừa vận động chị em tham gia sinh hoạt CLB, vừa sáng tác và dàn dựng các vở diễn, phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu giải trí, thưởng thức văn hóa, văn nghệ của các tầng lớp nhân dân.

Ảnh minh họa (nguồn: Internet).
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Mô hình hoạt động của CLB chèo Nam Thái và chuyện về chủ nhiệm CLB Nguyễn Thị The là tấm gương về người phụ nữ  tham gia tích cực các phong trào thi đua yêu nước, tiêu biểu trong phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Tỉnh ta hiện có 3683 chi tổ Hội Phụ nữ, thu hút trên 380.000 hội viên tham gia sinh hoạt. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, với vai trò và vị trí của mình, các cấp Hội Phụ nữ nói chung và hội viên nói riêng đã nêu gương sáng tham gia tích cực, có hiệu quả cuộc vận động với những việc làm cụ thể, sáng tạo. Tại các khu dân cư, thôn, xóm, trong quá trình triển khai xây dựng hương ước Làng văn hóa, các bà, các mẹ, các chị được tín nhiệm, trực tiếp tham gia soạn thảo các quy ước, quy chế dân chủ ở cơ sở; đồng thời tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa mới, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng tình đoàn kết, giúp đỡ nhau trong thôn, xóm phát huy thuần phong mỹ tục của quê hương trong nhịp sống mới. Nhiều tấm gương hội viên không chỉ nêu gương sáng trong việc thực hiện hương ước mà còn tâm huyết với phong trào, sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ công tác mà Đảng và nhân dân tin cậy giao.

Góp phần nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, các cấp Hội Phụ nữ không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tập hợp hội viên với 3035 CLB như các CLB: “Phụ nữ không sinh con thứ 3”; “Gia đình hạnh phúc”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Phụ nữ với pháp luật”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Vì sự phát triển và bình yên tuyến biển”… Nhìn chung, các CLB duy trì sinh hoạt định kỳ, lồng ghép nhiều nội dung thiết thực, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Trên lĩnh vực xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT, các cấp hội và hội viên phụ nữ đã phát huy vai trò nòng cột, là những nghệ nhân góp phần bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, các làn điệu nghệ thuật dân ca, dân vũ cổ truyền dân tộc. Đến nay, tỉnh ta có hàng chục phụ nữ được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, NSND, NSƯT. Sinh thành và lớn lên tại vùng quê Ý Yên, cuộc đời và sự nghiệp của cố ca nương Đào Thị Sại (Yên Đồng) và nghệ nhân Hà Thị Cầu (Yên Phú) gắn liền với nghệ thuật Chầu văn, Hát Xẩm được coi là “báu vật sống” của nền nghệ thuật dân tộc, vinh dự được tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”. Trong nghiệp “đàn ca”, bàn chân các cụ đã đặt khắp dải đất hình chữ “S”… đem theo những giai điệu, tiếng phách ăm ắp những cảm xúc nhân văn, nhân bản độc đáo của loại hình nghệ thuật quê hương Nam Định phục vụ nhân dân. Ở cái tuổi “mắt mờ, sức tận”, điều tâm huyết đối với nghệ nhân Hà Thị Cầu là được “Chân phách, tay sênh” rồi “truyền nghề” cho lớp trẻ. Năm 2004, bà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Ưu tú”, là một trong 3 nghệ nhân của cả nước được trao “Giải thưởng Đào Tấn” vào năm 2007. Còn trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật sân khấu chèo, NSƯT Kim Liên, nguyên là Phó Đoàn Chèo Hà Nam Ninh vinh dự 4 lần được gặp Bác Hồ, được chính tay Người trao “Huy hiệu Bác Hồ” và một kỷ vật thiêng liêng là chiếc thước kẻ có khắc 3 chữ  “S- N- K” (Suy- Nghĩ- Kỹ). Hơn 40 năm qua,  những kỷ niệm đó luôn là những ký ức cao đẹp, những kỷ vật vô giá đối với NSƯT Kim Liên. Trong suốt con đường hoạt động nghệ thuật, NSƯT Kim Liên luôn khắc sâu những lời dạy của Hồ Chủ tịch. Trong mỗi vai diễn, chị luôn “Suy- Nghĩ- Kỹ”, từ đó, không ngừng học hỏi, tìm tòi diễn xuất để lột tả được tính cách nhân vật trung tâm, góp phần cùng với tập thể diễn viên trong đoàn dàn dựng thành công vở diễn, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân. Trong các hội diễn sân khấu chèo toàn quốc, khu vực, NSƯT Kim Liên đã đạt được nhiều Huy chương, bằng khen, được đông đảo đồng nghiệp và công chúng khán giả yêu quý; trở thành một tấm gương sáng về tinh thần khổ luyện, luôn phấn đấu học hỏi, vươn lên, đạt được những thành tích xuất sắc trong hoạt động sân khấu chèo.

 Bằng những việc làm thiết thực, các cấp Hội phụ nữ và hội viên từ tỉnh đến cơ sở đã tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, khẳng định vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội thời kỳ CNH-HĐH, phát triển quê hương, đất nước./.

 Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com