Bà ngoại tôi sống một mình vì ông tôi mất sớm. Các cậu tôi lập gia đình rồi đi làm ăn ở vùng kinh tế mới Tây Nguyên, chỉ có mẹ tôi là gần bà nhất và tôi nghiễm nhiên trở thành cháu cưng của bà. Thuở bé, tôi ở bên bà còn nhiều hơn bên mẹ bởi mẹ tôi đi làm suốt, và bởi bà luôn yêu chiều tôi, luôn dành cho tôi những trái ổi thơm ngon nhất vườn. Sống gần bà nhiều, tôi đâm “nghiện” mùi trầu thơm nồng của bà. Mãi đến sau này, dù đã trưởng thành và đi đây đi đó, tôi vẫn không sao quên được.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Vì phải vất vả nuôi các con nên bà ngoại tôi bị còng sớm. Mỗi khi đi chợ, cứ khoảng vài trăm mét, bà lại chống tay đứng thẳng cho đỡ mỏi rồi mới đi tiếp. Những khi trái gió trở trời, đêm nằm cạnh bà, thấy bà khó ngủ, tôi hỏi thì bà bảo: “Dạo này bà hay mệt, sức khoẻ giảm nhiều, không biết sống được bao nhiêu để thấy cháu lớn khôn đây?”. Nghe bà nói vậy, tôi ôm chầm lấy bà khóc: “Bà không được chết, bà phải sống đến khi cháu lớn chứ”.
Ngày tôi vào đại học, bà vui lắm. Bà gọi tôi đến rồi lần mở túi áo, lấy ra một bọc nhỏ, trong đó là những đồng tiền lẻ mà bà đã tích góp từ việc bán mớ hành, quả ổi… cẩn thận đưa cho tôi. Tôi cầm bọc tiền mà không sao cầm nổi nước mắt. Tôi tự hứa với lòng mình, sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của bà.
Rồi, một chiều mùa đông, mẹ báo tin bà mất. Tôi như không tin sự thật đau lòng ấy. Vậy là tôi đã không có mặt khi bà trút hơi thở cuối cùng, để nhìn thấy bà, để cầm đôi tay chai sạn của bà và nói những lời mà tôi đã không kịp nói.
Mới đó đã được 20 năm. Giờ tôi công tác xa nhà, lâu lâu mới về thăm quê được một lần. Mỗi lần về quê, tôi thường sang vườn ổi khi xưa của bà. Ngước nhìn từng chùm hoa chúm chím màu trắng, lòng nao nao nhớ dáng bà bên mái nhà thân thuộc thuở nào./.
Đinh Xuân Tiễn