NSƯT Hồng Vân và các diễn viên Nhà Văn hoá tỉnh biểu diễn tiết mục hát văn: “Mùa trăng nhớ Bác”.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Du khách về dự Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) hàng năm sẽ được thưởng thức nghệ thuật hát văn - một "đặc sản nghệ thuật" của quê hương Nam Định. Thành phần dự thi hát văn trong Lễ hội Phủ Dầy gồm các cung văn hành nghề trên địa bàn Phủ Dầy hoặc khách thập phương có khả năng hát chầu văn. Thông qua cuộc thi, những người yêu thích chầu văn và khách thập phương có cơ hội tiếp xúc với nhiều tài năng trong giới cung văn Nam Định. Có một điểm đặc biệt là hầu hết các cung văn tiêu biểu "hành nghề" ở Phủ Dầy đều là "cha truyền con nối". Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam), người đã từng dành nhiều thời gian đi nhiều nơi trong tỉnh Nam Định để tìm hiểu các phả hệ cung văn cho biết: Những phả hệ cung văn đồ sộ ở Nam Định phản ánh Nam Định là cái nôi của nghệ thuật hát văn. Ví dụ như dòng họ Đào ở xã Yên Đồng (Ý Yên) đã có một phả hệ gồm các cung văn tiêu biểu như Đào Tiến Duyên, Đào Tiến Kiệm, Đào Tiến Mảnh, Đào Tiến Tráng, Đào Tiến Hợi, Đào Thị Sại, Đào Thị Sợi, Đào Phị Phòng...; Dòng họ Trần ở xã Kim Thái (Vụ Bản) có phả hệ cung văn gồm các cung văn Trần Văn Quý, Trần Văn Hỳ, Trần Văn Khắc, Trần Văn Sinh, Trần Văn Tiến, Trần Thị Thái, Trần Văn Phú, Trần Văn Huy, Trần Văn Lễ, Trần Văn Miễn, Trần Văn Nhạc, Trần Văn Thêm, Trần Thị Nền, Trần Văn Đắc, Trần Thị Mạch. Trong dòng họ này, 5 ông Trần Văn Quý, Trần Văn Hỳ, Trần Văn Khắc, Trần Văn Sinh và Trần Văn Tiến là anh em con chú, con bác. Bà Trần Thị Thái (con ông Trần Văn Quý) lại là dâu họ Đào bên xã Yên Đồng (Ý Yên). Như vậy, nghệ nhân Đào Thị Phòng ở Ý Yên (con bà Trần Thị Thái) chính là cháu gọi ông Trần Văn Thêm bằng cậu. Dòng họ Nguyễn xã Xuân Tân (Xuân Trường) có các cung văn Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn Thế Tuyền; trong đó cung văn Nguyễn Thế Tuyền là con trai của cung văn Nguyễn Đức Hiệp và nghệ nhân Bùi Văn Đông chính là con rể ông Nguyễn Đức Hiệp và là anh rể nghệ nhân Nguyễn Thế Tuyền... Các phả hệ cung văn tiêu biểu trên chính là "cái nôi" sản sinh ra các nghệ nhân cung văn tài danh cho đất Nam Định như nghệ nhân Đào Thị Sại, nghệ nhân Đào Thị Phòng (Yên Đồng, Ý Yên), nghệ nhân Trần Văn Thêm (Kim Thái, Vụ Bản), nghệ nhân Bùi Văn Đông (Hải Tân, Hải Hậu); nghệ nhân Nguyễn Thế Tuyền (Xuân Tân, Xuân Trường). Nghệ nhân Đào Thị Sại (SN 1914) học hát văn từ nhỏ từ người bố là nghệ nhân Đào Tiến Mảnh. Năm lên 10 tuổi, bà bắt đầu theo cha đi hát khắp các đền phủ trong tỉnh và thường xuyên lưu diễn khắp hệ thống đền phủ ở các địa danh phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Bắc Lệ, Bảo Hà, Phú Lu, Đồng Đăng, Lạng Sơn... Khi tuổi đã cao, nghệ nhân Đào Thị Sại hồi hương hành nghề tại các địa danh thờ Mẫu tại Nam Định. Bà là tấm gương của lòng say nghề và là một trong số ít nghệ nhân vẫn giữ được những tinh hoa cổ điển của nghệ thuật hát văn với độ chuẩn xác cao. Nghệ nhân Đào Thị Phòng (SN 1942) là cháu gọi bà Đào Thị Sại là cô ruột. Cha mẹ bà đều là những cung văn nổi tiếng. Đó là ông Đào Tiến Tráng và bà Trần Thị Thái. Nối nghiệp cha mẹ, bà hành nghề hát văn từ năm 15 tuổi cho đến bây giờ. Nghệ nhân Trần Văn Thêm (SN 1939) là con trai út của nghệ nhân Trần Văn Khắc. Năm 13 tuổi, ông bắt đầu sự nghiệp hát văn và theo chân những cung văn trong dòng họ, bôn ba xuôi ngược khắp nơi. Năm 18 tuổi, ông tham gia nghĩa vụ quân sự, trong quân ngũ ông tham gia văn nghệ quân đội với những tiết mục hát chầu văn lời mới. Nghệ nhân Bùi Văn Đông (SN 1918) năm 16 tuổi, ông cùng người cháu họ thụ giáo thầy Ty Quyền - một cung văn nổi tiếng ở Hải Hậu. Năm 30 tuổi ông trở thành con rể cụ Nguyễn Đức Hiệp - một cung văn nổi tiếng đất Xuân Trường. Từ đó, ông chuyển về sống và hành nghề tại Xuân Tân quê vợ. Nghệ nhân Nguyễn Thế Tuyền (SN 1939) sinh ra trong một phả hệ cung văn tiêu biểu ở Xuân Tân. Ngay từ năm ông lên 9 tuổi, hai cha con ông đã lên hành nghề tại Hà Nội. Có lẽ vì thế mà nghệ nhân Thế Tuyền đã chịu ảnh hưởng sâu sắc phong cách hát văn của Hà Nội với kỹ thuật phức tạp và bay bướm. Năm 20 tuổi, nghệ nhân Thế Tuyền gia nhập Đoàn Văn công Nam Định với vai trò diễn viên chèo kiêm biểu diễn hát văn lời mới. Vào thời điểm những năm 60, 70, chầu văn phát triển mạnh, có thể coi đó là thời kỳ huy hoàng của nghệ thuật chầu văn. Lúc bây giờ, nghệ nhân Thế Tuyền và nghệ sỹ ưu tú Kim Liên đã trở thành một cặp đôi "nổi danh" trong nghệ thuật hát văn Nam Định. Năm 1992, Thế Tuyền được phong tặng NSƯT.
Như vậy, dòng họ có vai trò quan trọng trong việc lưu truyền giá trị nghệ thuật di sản chầu văn. Giờ đây, hầu hết trong số họ đều đã ở tuổi "xưa nay hiếm", nhưng đó chính là những chỗ dựa lớn nhất cho việc "phục hưng" nghệ thuật hát văn lời cổ./.
Minh Thuận