Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) năm 2010.
Ảnh:
Việt Thắng
|
Chùa Keo Hành Thiện (tên chữ là Thần Quang Tự) thờ Thiền sư Không Lộ họ Dương, huý là Minh Nghiêm sinh ngày 14-9 năm Bính Thìn (1016) là vị tổ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông và là tổ sư đời thứ 3 của thiền phái Thảo Đường Việt Nam. Tương truyền, ngài đã cùng Thiền sư Giác Hải và Thiền sư Từ Đạo Hạnh sang thiền Trúc ở Ấn Độ để cầu pháp Phật. Năm 1066, ngài và Thiền sư Giác Hải đã có công chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông và được vua phong là Quốc sư. Tài năng của Thiền sư Không Lộ được lưu truyền trong dân gian ở nhiều lĩnh vực, là nhà thơ, thầy thuốc, đúc đồng, kiến trúc… Ngài mất vào ngày 3-6 năm Giáp Tuất 1094, thọ 79 tuổi và được nhiều địa phương thờ tự tưởng nhớ công lao, trong đó có làng Hành Thiện.
Chùa Keo Hành Thiện từ lâu đã nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp, không gian yên tĩnh. Chùa toạ lạc trên một khu đất rộng, bằng phẳng gần sông Hồng và sông Ninh Cơ. Phía trước Tam quan có hồ bán nguyệt và hòn non bộ theo thế tam sơn, long chầu hổ phục; trên bờ có đôi voi đá khổng lồ, quanh chùa là hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Gác chuông trước cửa chùa là kiến trúc tam quan nội 5 gian, làm theo kiểu chồng diêm cao 7,5m gồm có 8 cột đại trụ và 16 cột quân được đặt trên đá tảng chạm khắc hoa văn, cảnh hoa sen mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê. Sau gác chuông là cụm kiến trúc trung tâm gồm tiền đường 5 gian, toà đệ nhị 3 gian, toà đệ nhất 3 gian thờ Phật và Thiền sư Không Lộ. Các nghệ nhân xây dựng chùa đã dồn toàn bộ trí lực tài hoa để tạo dựng và thể hiện những đường nét chạm khắc tinh vi trên các mảng đố, xà, bảy, kẻ của từng toà nhà. Ở 3 bộ cửa ô tiền đường chùa Phật, mỗi cánh cửa được chạm gỗ với đề tài khác nhau. Kỹ thuật chạm gỗ bong kênh ở mặt tiền hai gian toà tiền đường đã đạt tới trình độ cao với đề tài vô cùng phong phú: Long cuốn thuỷ, ly ngậm ngọc, phượng ngậm cành hoa, tứ linh, nghê đội nóc đao… Đặc biệt hình rồng được thể hiện lúc ẩn, lúc hiện ở các trạng thái khác nhau với những đường nét khắc hoạ tinh vi, sắc sảo, sống động và mềm mại theo phong cách dân gian vùng châu thổ sông Hồng. Sau thờ Phật là đền Thánh thờ Thiền sư Không Lộ với 3 toà quy mô được cấu trúc theo kiểu "Thượng bò cuốn hạ kẻ bẩy và kẻ nội đấu truyền" với trạm khắc hoa văn công phu, tỷ mỷ. Cuối cùng là mười gian nhà Tổ và nhà oàn, nhà ký đồ với kiến trúc 3 gian và hai bên chùa là dãy hành lang gồm 80 gian khép kín càng tạo nên vẻ trang nghiêm, bề thế của tổng thể kiến trúc. Ngoài vẻ đẹp kiến trúc, trong chùa còn lưu giữ, bảo tồn những di vật có giá trị của thời Hậu Lê như án thư, sập thờ, tượng pháp, khánh, văn bia cổ, hoành phi, câu đối, cửa hãn…
Lễ hội chùa Keo Hành Thiện hàng năm thu hút rất đông khách thập phương bởi ý nghĩa tâm linh và các trò chơi dân gian độc đáo. Đồng chí Nguyễn Vũ Thịnh, Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Keo Hành Thiện năm 2010 cho biết, cũng như những năm trước, lễ hội năm nay diễn ra từ ngày mồng 10 đến 16-9 âm lịch, kỷ niệm 994 năm ngày sinh của Thiền sư Không Lộ. Điều đặc biệt, sau một thời gian trùng tu, tôn tạo với kinh phí đầu tư trên 10 tỷ đồng của Nhà nước đến nay đã hoàn thành giai đoạn I với việc tu sửa, giữ nguyên kiến trúc của gác chuông, chùa Phật, đền Thánh, nhà Tổ, đền Mẫu… càng khẳng định giá trị văn hoá, lịch sử, tâm linh của chùa Keo Hành Thiện. Là lễ hội truyền thống nên địa phương vẫn duy trì các nghi thức, các trò chơi dân gian. Cụ thể, lễ hội bắt đầu bằng chương trình rước kiệu truyền thống vào ngày 12-9 và ngày 15-9 âm lịch. Đây là lễ rước kiệu có quy mô lớn với sự tham gia của 160 trai tráng trong làng. Đi đầu là đoàn rước quốc kỳ do các CCB thực hiện, cờ lệnh ngũ hành sau đó là đoàn phù kiệu của hơn 1000 phật tử. Đoàn rước còn có rước kiệu rồng - một sản phẩm tinh xảo do nghệ nhân làng Hành Thiện làm ra. Trên kiệu có treo túi gấm, nón tu lờ, gậy trúc… gắn liền với truyền thuyết về tài đức của Thiền sư Không Lộ… Ở dưới hồ nước có thuyền rồng do 10 thiếu nhi đầu đội khăn đỏ, áo trắng nẹp đỏ chèo lái. Đêm 13-9 (âm lịch) sẽ có hàng trăm thiếu niên, nhi đồng của trường tiểu học A Xuân Hồng tham gia rước đèn từ đình làng lên chùa. Bên cạnh đó, là các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hoá, văn nghệ như leo cầu ngô, thi đấu cờ tướng, tổ tôm điếm, biểu diễn Thái cực trường sinh đạo, đêm thơ hội làng và văn nghệ gồm các bài dân ca nhạc cổ ca ngợi quê hương, đất nước cũng được Ban tổ chức duy trì. Đặc sắc nhất trong lễ hội là giải bơi chải đứng với sự tham gia của cả 15 xóm trong làng tưởng nhớ lúc sinh thời của Đức Thánh Tổ Không Lộ làm nghề chài lưới diễn ra vào ngày 12 và 15 âm lịch. Mỗi chải có 10 người là trai tráng. Sau khi phát lệnh, các chải bơi biểu diễn, ra tới sông Ninh Cơ mới thi tài với nhau 3 vòng sông với chiều dài chặng đường 35-40km, thời gian khoảng trên 3 giờ đồng hồ. Ban tổ chức cũng đã ban hành quy chế giải bơi chải, phần thưởng là tiền và bánh dày để động viên người dân tham gia. Trong Lễ hội chùa Keo Hành Thiện năm nay, Ban tổ chức còn xây dựng tiết mục múa rối cạn với những hình ảnh rất sinh động như cô tiên, 6 đầu rối… Cũng trong lễ hội chùa Keo Hành Thiện, cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể xã Xuân Hồng, làng Hành Thiện tổ chức dâng hương tưởng niệm công ơn Cố Tổng Bí thư Trường Chinh, người con ưu tú của quê hương. Để chuẩn bị cho lễ hội, Ban tổ chức đã phối hợp với Phòng VH-TT-TT, Phòng Nội vụ, Công an, Y tế huyện Xuân Trường thực hiện tốt các quy định của Bộ VH-TT-DL, Quyết định 681 của UBND tỉnh về quy chế mở lễ hội truyền thống để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân địa phương và khách thập phương trước, trong và sau lễ hội./.
Đức Thiện