Tiết mục múa hát của đội văn nghệ quần chúng huyện Nghĩa Hưng tại Hội diễn Văn nghệ công nhân viên chức lao động chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. |
Đội văn nghệ thôn Hải Lạng, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) không chỉ được đông đảo nhân dân trong vùng yêu thích, mà còn là một trong những điểm sáng trong phong trào văn nghệ quần chúng của tỉnh. Trước Cách mạng Tháng 8, đội văn nghệ Hải Lạng nổi tiếng với nghệ thuật cải lương do các ông Phạm Trung Khuyến và Phạm Hoán sáng lập. Là những nghệ nhân nhiều năm sống ở đất Hà Thành, khi trở về quê hương, hai ông truyền dạy cho bà con địa phương học và biểu diễn các làn điệu cải lương và trích đoạn trong các vở diễn tích cổ như: "Tống Trân - Cúc Hoa", "Thoại Khanh - Châu Tuấn", "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài", "Tần Hương Liên", "Nhị Độ Mai". Vào dịp lễ hội hàng năm, Hải Lạng mở hội thi tài, những câu hát vận theo giai điệu nghệ thuật cải lương với ý nghĩa tưởng nhớ các vị tổ nghề, thành hoàng làng, các danh nhân, anh hùng dân tộc có công trong việc quai đê, lập ấp, đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đội văn nghệ quần chúng Hải Lạng ra đời (sau đổi tên là đội cải lương Thống Nhất), trong đó, các nghệ nhân, diễn viên từ các gánh kịch là hạt nhân mang lời ca tiếng hát động viên thanh niên lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Ngoài các trích đoạn sân khấu từ các tích cổ, đội văn nghệ Hải Lạng tự biên và dàn dựng các vở cải lương có chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, truyền thống anh hùng dân tộc, ca ngợi các điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động giỏi. Các vở diễn "Bà mẹ sông Hồng", "Lửa phi trường", "Trở về", "Chiếc diều đứt dây" do đội tự biên, tự diễn được các chiến sỹ và nhân dân trong vùng yêu thích.
Nếu như đội văn nghệ quần chúng Hải Lạng nổi tiếng với bộ môn nghệ thuật cải lương, thì CLB Đàn và hát dân ca huyện Nghĩa Hưng không chỉ gắn liền với chiến công của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 269 về đây quai đê lập ấp, mà còn nổi tiếng về phong trào văn nghệ với sự đa dạng, độc đáo của các loại hình nghệ thuật truyền thống. Từ những ngày đầu mở đất, các chiến sỹ Trung đoàn 269 cùng với nhân dân từ 28 tỉnh thành trong cả nước đã mang đến vùng đất "Mặt trời mọc" những khúc hát, giai điệu dân ca mượt mà, đắm say hồn người từ quê hương Trị Thiên - Huế, Quảng Bình, Thanh Hóa, rồi hát văn, hát chèo, xẩm của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong quá trình quai đê lấn biển, vượt lên mọi khó khăn, hòa với tinh thần lao động hăng say là lời ca, tiếng hát với niềm lạc quan, yêu cuộc sống. Hiện nay, với phương châm "Sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội", các thành viên CLB Đàn và hát dân ca thị trấn Rạng Đông hoạt động theo phương thức xã hội hóa, tự đóng góp kinh phí mua sắm trang phục, thiết bị âm thanh, tự sáng tác và dàn dựng các chương trình nghệ thuật, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, đồng thời góp phần mang lời ca tiếng hát phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.
Hiện nay, huyện Nghĩa Hưng có trên 40 tốp, đội văn nghệ quần chúng phát triển ở các xã, thị trấn. Được sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương với các hình thức hỗ trợ cụ thể, thiết thực như: Tập huấn chuyên môn, tổ chức các hội thi nghệ thuật hát chèo…, các đội văn nghệ quần chúng còn được duy trì phát triển bằng cách lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các CLB ở thôn, xóm như: CLB không sinh con thứ 3; CLB gia đình hạnh phúc; CLB tiền hôn nhân, CLB văn hoá nghệ thuật. Với các tiểu phẩm ngắn gọn, mang nội dung tư tưởng tốt, các đội văn nghệ quần chúng ở Nghĩa Hưng đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Việt Thắng