Tranh minh họa (Nguồn Internet) |
Trò tung cầu (hay còn gọi là cướp cầu) không chỉ được trẻ em thích chơi mà ngay cả thanh niên cũng rất thích tham gia đặc biệt trong các dịp lễ hội. Nhưng mỗi địa phương lại có quy định, cách chơi hay tên gọi khác nhau. Nhiều nơi còn coi đây là một hoạt động tín ngưỡng trong nghi thức cầu mùa của cư dân nông nghiệp.
Các em thường chọn chơi trên sân rộng như ở sân đình, hay chơi ở ngoài sân bãi rộng, một quả cầu bằng gỗ tròn hoặc các em thay bằng quả bưởi hái trong vườn nhà. Trước khi chơi các em phải chọn một người làm trọng tài và chia ra thành hai đội ngang sức nhau. Mỗi đội một bên sân, trọng tài kẻ một vạch ngang làm ranh giới, ở cuối sân mỗi bên đào một cái hố rộng khoảng 50cm. Cả hai bên xếp thành hàng ngang, đứng đối diện nhau, hai em đội trưởng ở hai đội bước lên trước một bước để trọng tài tung đồng xu theo thỏa thuận từ trước, mặt nào của đồng xu ngửa thì đội nhận mặt đó được tung cầu trước, còn để đơn giản hơn thì hai em đội trưởng oẳn tù tỳ bên nào thắng thì được tung cầu trước. Khi quả cầu được tung ra sân, hai nhóm đều lao vào tranh cướp, em đang giữ cầu thì vừa phải lo giữ cho chặt, lại vừa phải tìm cách chuyền cho, bạn khác, em thì nhanh nhẹn bật lên đón bắt khi được bạn chuyền cho còn các em bên đối phương cũng phải tìm mọi cách để cướp được cầu. Cuộc chơi ngày càng diễn ra quyết liệt cùng tiếng hò reo cổ vũ của các em nhỏ. Bên nào cũng quyết cướp cầu để ném vào hố của đối phương. Chỉ khi nào một bên cướp được cầu và ném vào hố của bên kia ba lần liên tục là thắng cuộc, nhưng các em thường quy định chơi ba hoặc năm keo, bên nào ném được nhiều lần vào hố là thắng cuộc. Cũng có nơi quy định đào hố ở giữa sân đình, đội nào ném vào hố nhiều lần đội đó thắng; hoặc ném vào một cái giỏ không đáy treo trên cây, bên nào ném vào giỏ của bên kia trước thì bên đó thắng cuộc./.
Ngọc Linh