Tiếng rao Hà Nội

08:10, 01/10/2010

 

Tranh minh họa  Nguồn: Internet
Tranh minh họa
Nguồn: Internet

Hà Nội thời ấy, những đêm khuya thanh vắng vẫn vẳng lên tiếng rao xa thẳm vọng tới tận cùng các ngõ hẻm: "Bánh bao nóng đ…ơ…ơ…i", "Bánh mỳ nóng giòn nào… nào…". Rồi những gánh phở đủng đỉnh quẩy dọc phố rao lớn: "Phở…ớ". Tiếng rao ấy gợi nhớ mùi phở nóng bốc hơi toả hương thơm của thứ nước xương bò được hầm hàng giờ, trong veo với đầy đủ gia vị của ngũ hương, thảo quả… Thật thú vị, khi trời se se lạnh được ăn một bát phỏ nóng, nước dùng vừa ngọt vừa thơm ngay cửa nhà…

Tiếng rao Hà Nội có sắc thái độc đáo riêng làm cho bất kỳ ai đã từng sống ở đây cũng cảm thấy nhớ. Ấy là tiếng rao: xôi chè, khúc nóng, bánh mỳ, cháo trai, cháo hến. Dù mặt hàng khác nhau nhưng đều chung một điệu kéo dài các âm tiết cuối câu, lời rao phát ra tập trung nhấn mạnh vào mặt hàng cần mua hoặc cần bán. Dư âm lời rao lúc thanh, lúc trầm, lúc khoan thai chậm rãi phụ thuộc vào bước đi cũng như tốc độ của xe đạp hoặc xe đẩy của người rao… Có tiếng rao cục mịch như chính nghề của người rao. Chẳng hạn như: "Khoá ơ" (tức là ai sửa khoá không?). Lại có tiếng rao ê a, dề dà kéo dài âm điệu như chính hệ thống những người rao cần mua hoặc cần bán. “Sách báo, nhôm, nhựa, chai lo, dép hỏng bán đơ ơ i…i". "Có ai bánh nếp, bánh chưng, bánh dầy, bánh giò, bánh rán nào… ào…". Lại có tiếng rao khiến cho nhiều người lần đầu đặt chân đến Hà Nội băn khoăn mà chẳng dám hỏi cho ra nhẽ. Chẳng hạn: “Phớ ơ!" (tức là đậu hoa). Có người tưởng là "phở" rao thành "phớ". Chỉ có những người sống lâu ở Hà Nội mới hiểu những quy ước này.

Tiếng rao trên phần nào phản ảnh cuộc sống của những người dân lao động lam lũ tất bật, vất vả nơi đây. Tiếng rao cất lên giữa đô thành nhộn nhịp sầm uất này, trong đó có cả tiếng rao của người Hà Nội thanh lịch hào hoa, lại có tiếng rao của những người từ vùng quê Thái Bình, Nam Định… sau những ngày mùa cực nhọc vất vả tất tưởi quang gánh lên Hà Nội thu gom đồng nát, sách báo, nhôm nhựa… kiếm thêm đồng cho bữa ăn đạm bạc. Giờ đây lại có cả tiếng rao của các bà mẹ từ nhiều miền quê lên Hà Nội nuôi con ăn học.

Ngày nay tiếng rao ấy phát triển đến cả các vùng thị trấn, thị tứ ở đồng quê. Từ ngày làng tôi chuyển thành tổ dân phố thì cũng đồng nghĩa với việc xuất hiện những tiếng rao mua bán đủ các loại mặt hàng: từ chiếc chổi quét nhà đến đồ điện cao cấp… Có điều tiếng rao ấy lại được ghi vào băng. Người rao đi bằng xe đạp, thậm chí cả xe máy đến đâu là phát ra oang oang… nghe những tiếng rao hiện đại này tôi cảm thấy hình như nó mất đi sắc thái văn hoá dân dã đã lặn sâu vào âm điệu của tiếng rao ngày ấy… và cảm thấy như mất đi cái gì đó thân quen mà khó nói thành lời./.

Nguyễn Đức Hoè



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com