Lễ hội Trần 2010

08:09, 17/09/2010

LTS: Lễ hội Trần truyền thống là lễ hội lớn của tỉnh, hàng năm, thu hút đông đảo khách thập phương về dự, thắp hương tưởng nhớ công đức của các vị vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Thời gian tổ chức lễ hội năm nay diễn ra từ mùng 10 đến 20-8 âm lịch. Để đáp ứng nhu cầu người đến dự lễ hội, đồng thời bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc, góp phần vào việc giáo dục tinh thần yêu nước cho các tầng lớp nhân dân, Lễ hội Trần 2010 được tổ chức trang trọng. Tại lễ hội, cùng với các hoạt động văn hoá dân gian như: lễ dâng hương, rước kiệu, múa rồng, sư tử, võ dân tộc…, hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, trước lễ dâng hương sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật đặc biệt "Thăng Long - Thiên Trường, Đức Thánh Trần và Hào khí Đông A".

Lễ hội đền trần.  Ảnh: Xuân Thu
Lễ hội Đền Trần.                                                                  Ảnh: Xuân Thu
I - TRƯỜNG TỒN MỘT CÕI TÂM LINH

"Tháng Tám giỗ Cha, tháng Ba giỗ Mẹ" (!). Như thường lệ, lễ kỷ niệm 710 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (20-8-1300 - 20-8-2010) (ngày âm lịch) gắn với lễ tưởng niệm các vị vua Trần nên được gọi là Lễ hội Trần. Trong những ngày diễn ra Lễ hội Trần, sẽ thu hút đông đảo khách hành hương đến với quần thể Đền Trần, tham quan Phủ Thiên Trường xưa (nơi tập trung quần thể cung điện và lăng tẩm của các đời vua Trần qua các thời kỳ) để sống dậy một thời hào hùng dựng nước và giữ nước của 14 đời vua Trần.

Phủ Thiên Trường được đổi tên từ hương Tức mặc - một làng quê trù phú thuộc Sơn Nam hạ trấn vào khoảng thế kỷ 10 - 12. Mùa xuân năm Kỷ Hợi (1239), Thượng hoàng Trần Thái Tông phong chức "Nhập nội thái phó" cho Phùng Tá Chu và phái ông về hương Tức Mặc - cố hương của nhà Trần - xây dựng nhà cửa, cung điện, nhưng thực chất là xây dựng căn cứ thứ hai của nhà Trần. Mùa xuân năm Nhâm Tuất (1262), sau cuộc chiến thắng quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ nhất (1257-1258) của quân dân Đại Việt, Thái Thượng Hoàng Trần Thái Tông vi hành về hành cung Tức Mặc, mở tiệc lớn chiêu đãi thần dân và ban chỉ "Đổi hương Tức Mặc thành Phủ Thiên Trường". Như vậy, Phủ Thiên Trường được xác lập cách đây 748 năm (1262-2010). Sau khi được nâng lên thành phủ, Thiên Trường nhanh chóng vươn lên đứng đầu 12 phủ lộ của nước Đại Việt thế kỷ 13. Và cũng từ đó, các Thái Thượng Hoàng sau khi truyền ngôi cho con lên nối nghiệp đều về sống ở cung Trùng Quang, Phủ Thiên Trường.

Khu Di tích Lịch sử - Văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp (nay thuộc phường Lộc Vượng, TP Nam Định), Đền Bảo Lộc (thuộc xã Mỹ Phúc, Mỹ Lộc) đã được xếp hạng cấp quốc gia. Trung tâm của quần thể Di tích Đền Trần là 3 ngôi đền nằm sát nhau theo một đường thẳng đó là Đền Cố Trạch, Đền Thiên Trường và Đền Trùng Hoa. Đền Cố Trạch thờ Hưng Đạo Đại Vương và gia quyến cùng các tướng tâm phúc đã cùng ông xông pha trận mạc, vào sinh ra tử chống đế quốc Nguyên - Mông. Đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần hiện còn là nơi trưng bày các ảnh tư liệu, di vật, cổ vật có giá trị lịch sử trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Cạnh Đền Thiên Trường, Đền Trùng Hoa là ngôi đền mới được khôi phục trên nền tảng cung điện Trùng Quang - Trùng Hoa của các thái thượng hoàng thời Trần. Phía tây Khu Di tích Đền Trần là Chùa Tháp Phổ Minh. Chùa Phổ Minh tuy đượm vẻ thiền của đạo Thiên Trúc, song vẫn còn có "chỗ đứng" của phái thiền Trúc lâm mà Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông làm đệ nhất tổ sư. Chùa Phổ Minh là 1 trong 2 di tích đặc biệt quý của quần thể di tích Đền Trần trên quê hương Nam Định. Cùng với sân cung điện Đệ Tứ, Chùa Phổ Minh nổi tiếng khắp đất nước với toà tháp cao 14 tầng bằng chất liệu đá xanh còn được gọi là toà tháp Phổ Minh. Đây là toà tháp mà đức vua Trần Anh Tông xây dựng để làm nơi đặt xá lị đức vua cha Trần Nhân Tông, sư tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm. Cách Khu Di tích Đền Trần chừng 2km là Đền Bảo Lộc (thuộc xã Mỹ Phúc, Mỹ Lộc). Đây là ngôi đền mới được xây dựng lại vào đầu thế kỷ 20. Đền Bảo Lộc nằm trong khu thái ấp xưa của An sinh Vương Trần Liễu. Việc tu bổ đền được đông đảo nhân dân địa phương cũng như khách thập phương tham gia đóng góp. Ngoài các toà ngang dãy dọc quy mô ở đền Khải thánh, đền Chính, nơi đây còn có nhiều đồ thờ tự bằng đồng, sứ, gỗ được gia công công phu và mang tính nghệ thuật cao…

II - TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TỐT LỄ HỘI TRẦN 2010

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày mất Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo (20-8 âm lịch), UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc tổ chức lễ hội Trần theo nghi lễ truyền thống tại hai khu vực Đền Trần - Chùa Tháp (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) và Đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, Mỹ Lộc) để tưởng niệm các vị vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Lễ hội diễn ra với các nghi lễ long trọng như lễ rước kiệu, lễ dâng hương, tế và phần hội bao gồm các hoạt động văn hoá thể thao truyền thống như hát chèo, hát văn, múa bài bông, múa kiếm, thi đấu võ vật 5 thế hệ gợi lại Hào khí Đông A "Vua tôi đồng lòng, anh em hoà mục" 3 lần giữ yên giang sơn xã tắc, ôn lại truyền thống vẻ vang, hào hùng của nhà Trần và công lao của vị anh hùng dân tộc trong 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông thế kỷ 13, nhằm nhắc nhở mọi người phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc trong công cuộc dựng xây quê hương đất nước. Lễ hội truyền thống Trần Hưng Đạo năm 2010 diễn ra chủ yếu trong 10 ngày, từ ngày 17-9-2010 đến ngày 27-9-2010 (tức mùng 10-8 đến 20-8 âm lịch). Dự kiến tối 27-9-2010 (tức 20-8 âm lịch), tại Đền Trần sẽ tổ chức lễ dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày hoá Đức Thánh Trần. Năm nay, Ban chỉ đạo khuyến khích việc khôi phục các trò chơi  dân gian như múa lân, cờ rồng, cờ người, võ thuật cổ truyền... Đặc biệt, sau lễ dâng hương sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật "Thăng Long - Thiên Trường, Đức Thánh Trần và Hào khí Đông A" tại sân chính Đền Trần (tác giả Nguyễn Khắc Phục; Lời bình: Nhà thơ Vũ Quần Phương; Tổng đạo diễn: NSƯT Lan Hương) do các nghệ sỹ, diễn viên Nhà hát Chèo Nam Định, Nhà Văn hoá tỉnh Nam Định, Đoàn Cải lương Nam Định và giáo viên, học sinh Trường trung cấp VHNT tỉnh biểu diễn. Vở diễn khái quát lịch sử 700 năm Triều Trần và chiến công oanh liệt của quân và dân nhà Trần trong 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông thế kỷ 13, làm nên Hào khí Đông A rạng danh trong lịch sử. Trong vở diễn, các hoạt động văn hoá văn nghệ dân gian truyền thống của triều Trần cũng được tái hiện. Đây cũng là một trong những hoạt động của tỉnh hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Lễ hội Trần với ý nghĩa tâm linh vốn có, chính là dòng lịch sử nuôi dưỡng lòng yêu nước trong mỗi thế hệ người dân Nam Định. Về Thành Nam những ngày tháng 8, hoà chung không khí lễ hội và Hào khí Đông A qua 14 đời vua Trần, càng thấy thấm thía và tự hào về truyền thống hào hùng của ông cha, về một vùng đất địa linh nhân kiệt nơi hội tụ một cõi tâm linh và mãi mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com