Giữ gìn bản sắc làng quê

08:09, 03/09/2010

Làng quê Việt Nam
Làng quê Việt Nam

Làng quê là nơi "chôn nhau, cắt rốn" của không biết bao thế hệ người Việt, là nơi bảo lưu không biết bao nhiêu giá trị truyền thống, góp phần làm nên diện mạo ngàn năm của nước Việt Nam. Dù đi bất cứ nơi đâu, là người Việt Nam ai cũng nhớ về quê hương với lũy tre làng, với "cây đa, bến nước, sân đình", với những kỷ niệm tuổi thơ, với cha mẹ, ông bà, với tình làng, nghĩa xóm. Bản sắc làng quê không có hình dạng cụ thể, mà âm thầm, lắng đọng trong mỗi con người, trong mỗi nếp nhà, mảnh vườn, hay trang nghiêm mà rộn ràng sức sống trong các nghi thức và hoạt động vui chơi của ngày đầu xuân. Tùy theo từng vùng miền, từng địa phương, mỗi làng quê Việt Nam lại có dấu ấn riêng, có nét đặc sắc riêng. Nhưng dù riêng đến đâu, làng vẫn là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa cổ  truyền, tìm về với văn hóa làng là tìm về với cội nguồn của tổ tiên, ông bà, những người đã có công sinh thành, dưỡng dục và tạo dựng để có thế hệ chúng ta trong cuộc sống hôm nay.

Những năm gần đây, các chuyển biến trong đời sống xã hội chung đang tác động mạnh mẽ đến cách thức tổ chức, đến nền nếp, thói quen sinh hoạt của làng quê. Bên cạnh một số nơi đang có xu hướng đô thị hóa, ở nhiều làng quê, nhà cửa được xây dựng khang trang mọc lên san sát. Hệ thống "điện - đường - trường - trạm" không còn là ước mơ mà đã thành hiện thực. Nhiều vật dụng văn minh hiện đại có mặt trong từng ngôi nhà, cửa hàng cung cấp dịch vụ in-tơ-nét tốc độ cao cũng đã len lỏi vào nhiều ngõ ngách. Tuy nhiên, ở một số nơi, đình và chùa làng đang trở thành địa điểm cầu cúng tấp nập kẻ vào người ra, hội làng trở thành cơ hội cho cờ bạc, đỏ đen. Ở vùng ven đô, làng trở thành phố đã kéo theo nhiều thay đổi lớn về văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử của người dân trong làng. Nhiều thiếu nữ mới ngày nào còn ngại ngùng, nay đã bạo dạn khoác lên mình các bộ trang phục theo mốt mới. Nhiều trai làng tóc nhuộm vài ba mầu vuốt keo dựng đứng, phóng xe máy vèo vèo giữa đường làng. Ở một vài nơi, hiệu làm đầu và quán ka-ra-ô-kê mở cửa đến nửa đêm. Để rồi một bộ phận thanh thiếu niên, thậm chí cả một số người đứng tuổi ở làng quê đang ngày càng xa rời cội nguồn văn hóa, và hình như với họ, "hồn làng" đã trở thành giá trị không nhiều thiêng liêng nữa?

Nền nếp của làng, nền nếp và gia phong của từng dòng họ, từng gia đình trong làng là kết quả của sự bồi đắp và trao truyền, phải trải qua rất nhiều thế hệ mới tạo dựng lên được. Xã hội phát triển cần có sự cân bằng trong đời sống vật chất và tinh thần giữa làng với phố, giữa thành thị với nông thôn. Đất nước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làng Việt Nam cũng phải chuyển mình để có thể thích ứng với sự phát triển. Phát triển nhưng giữ được bản sắc thật sự là bài toán khó nhưng thiết nghĩ, phải cần tìm ra lời giải. Muốn vậy, cần xác định rõ một số tiêu chí để phát triển làng Việt Nam trong thời đại mới, không nên vì một số lợi ích trước mắt mà làm tổn hại những giá trị văn hóa lâu đời - gốc rễ của người Việt Nam chúng ta./.

Minh Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com