Chăm sóc cây cảnh, cây thế ở làng hoa Vị Khê, xã Điền Xá (Nam Trực).
Ảnh: Xuân Thu
|
Từ tháng 7-2010, UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn mời UBND tỉnh ta tham gia trưng bày cây cảnh tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau khi được UBND tỉnh giao, Hội SVC tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, chọn làng hoa Vị Khê là một trong hai đơn vị trong tỉnh có trách nhiệm cung cấp các tác phẩm cây cảnh đặc sắc, tiêu biểu. Hội SVC thôn được coi là nòng cột trong việc thực hiện nhiệm vụ. Công tác tuyển chọn được tiến hành chặt chẽ. Cùng với BCH hội SVC, thôn còn có 10 nghệ nhân và 10 người có tay nghề trồng cây cảnh giỏi, có kinh nghiệm trong thôn đến từng nhà để sơ tuyển giai đoạn I được 100 cây đẹp. Sau khi trải qua nhiều vòng bầu chọn, đã chọn ra 35 tác phẩm tiêu biểu xuất sắc nhất. Các tác phẩm dù mang các dáng, thế cây đa dạng nhưng phải giữ được bản sắc dân tộc, phải đủ yếu tố cổ, kỳ, mỹ; người xem cảm nhận được nét đẹp tự nhiên, dễ hiểu và được người trong nghề suy tôn. Có nhiều loại cây từ sanh, tùng kim, tùng la hán, bồ đề… trong đó cây sanh là nhiều nhất với 28 cây, đa dạng thế, dáng: phụ tử kế công khanh, trực hoành, trực quân tử, long giáng, long thăng, long quấn thủy… Nổi bật nhất là tác phẩm Khuê Văn Các bằng cây sanh của nghệ nhân trẻ tuổi Nguyễn Thanh Vân. Là con trai của nghệ nhân cây cảnh Nguyễn Văn A nổi tiếng. Từ khi 16 tuổi, anh Vân đã đoạt giải nhất tại cuộc thi tạo dáng cây cảnh tỉnh Hà Nam Ninh cũ. Với đôi bàn tay tài hoa, anh đã tạo ra nhiều tác phẩm cây cảnh nổi tiếng như bộ Ngũ Sự hiện đang được đặt ở bãi tắm Vân Đồn (Quảng Ninh); đôi hoa sen đang được trưng bày ở Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh); Tháp Epphen, Chùa Một Cột, Hồ Hoàn Kiếm được đặt trong khuôn viên một trường Cao đẳng ở Hà Nội. Từ năm 2000, anh đã nhiều lần lên Khuê Văn Các để quan sát, ghi chép rồi về tạo thế Khuê Văn Các bằng cây xanh được hình thành từ 4 cây sanh có 2 tầng, một mái, mỗi tầng 2,5 m. Cây sanh này đã đạt danh hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề năm 2009 và đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam tặng "Bằng chứng nhận sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam". Thật hiếm có gia đình nào, có tới 2 người cùng có tác phẩm được chọn đi dự trưng bày lần này. Anh trai của anh Vân là nghệ nhân cây cảnh Nguyễn Công Phượng sau 10 năm trăn trở cũng cho ra đời một tác phẩm không chỉ đẹp mà còn mang nhiều ý nghĩa trong dịp Đại lễ này: Đó là Chùa Một Cột bằng cây sanh. Chùa được xây dựng từ một cây sanh có tuổi đời khá lâu, cao 3m, rộng 2m. Anh Phượng còn có bộ cây cảnh 12 con Giáp đang được trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Các tác phẩm của các nghệ nhân khác trong làng tham dự cũng đều rất độc đáo và có giá trị như đôi cây sanh cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm của nghệ nhân Vũ Văn Hoa, cây Đại thế vân tùng của ông Nguyễn Công Khanh… Theo ông Chủ tịch hội SVC xã, tất cả các cây tham dự đều có giá trị kinh tế rất cao, nhiều cây đã được người chơi trả tiền tỷ, có cây trị giá gần chục tỷ đồng nhưng không ai có ý định bán vì đó là thành quả của công sức, lòng say mê giữ gìn, phát triển nghề truyền thống của cha ông với bạn bè trong và ngoài nước…
Đức Thiện