Từng bước chuyên môn hoá đội ngũ cán bộ văn hoá thông tin cơ sở

09:08, 06/08/2010

Cán bộ, Biên tập viên Đài Phát thanh Vụ Bản chuẩn bị nội dung chương trình phát thanh.  Ảnh: Xuân Thu
Cán bộ, Biên tập viên Đài Phát thanh Vụ Bản chuẩn bị nội dung chương trình phát thanh.     Ảnh: Xuân Thu
"Cán bộ nào, phong trào ấy"! Những thành tựu trong công tác xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở các địa phương trong tỉnh ngoài sự quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, có công lao đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá thông tin xã, phường, thị trấn, những người mà với tâm huyết, lòng nhiệt tình của họ, những năm qua nhiều phong trào VHTT cơ sở phát triển khá mạnh, thiết chế VHTT như thư viện, đài truyền thanh, nhà văn hoá, CLB được phát huy tác dụng phục vụ cộng đồng. Các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được đưa vào cuộc sống, góp phần làm lành mạnh hoá đời sống xã hội, bài trừ tiêu cực, TNXH.

Xác định được vai trò của đội ngũ cán bộ văn hoá trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở trong nhiều năm qua, ngành VHTT và DL đã quan tâm đào tạo, từng bước nhằm chuyên môn hoá đội ngũ này. Đồng chí Nguyễn Công Hiệp, Phó Giám đốc Sở VHTT và DL, Hiệu trưởng Trường Trung học VHNT tỉnh cho biết: Từ năm 2002 đến nay, đã có gần 300 lượt cán bộ VHTT cơ sở của 229 xã, phường thị trấn trong tỉnh được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Trong khoá học, các học viên được đào tạo về lý luận chính trị, mỹ học đại cương, đại cương về các loại hình nghệ thuật, lịch sử văn hoá Việt Nam, văn hoá dân gian, xã hội học, đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng, khoa học về nghiệp vụ quản lý văn hoá, nghệ thuật, luật di sản văn hoá, pháp lệnh thư viện, các văn bản mang tính pháp quy của Đảng và Nhà nước về văn hoá; kiến thức về âm nhạc, hội hoạ, tạo hình, sân khấu, nghệ thuật, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng và hệ thống các chuyên đề mang tính học thuật. Trong thời gian đào tạo, các học viên còn thảo luận rút ra những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay để các địa phương nhân rộng điển hình, được giao lưu, thực tập và được thể nghiệm thực tiễn sinh động tại các địa phương. Trường cũng phối hợp với trường Đại học Văn hoá Hà Nội mở lớp đào tạo chuyên ngành quản lý văn hoá cho 217 sinh viên, trong đó có nhiều người đang là cán bộ phụ trách VHTT cơ sở. Anh Trần Duy Bẩu, Trưởng ban Văn hoá xã Nam Hồng (Nam Trực), cho biết: Nếu như trước đây anh làm việc với tâm huyết, nhiệt tình theo kinh nghiệm, thì đến nay, sau khi được đào tạo bài bản, có hệ thống, khi về địa phương công tác, anh đã giải quyết công việc một cách chủ động, hiệu quả. Anh tham mưu với UBND xã quản lý và điều chỉnh các hoạt động VHTT cơ sở theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước và vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn công tác quản lý văn hoá của mình tại địa phương.

Nam Định là một trong những tỉnh đi đầu về việc chủ động bồi dưỡng, đào tạo cán bộ nguồn làm công tác quản lý hoạt động sự nghiệp VHTT cơ sở. Việc mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác quản lý, hoạt động VHTT cơ sở nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả rõ nét qua thực tiễn sinh động của phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở ở tỉnh ta. Đây cũng là hướng đi cơ bản, lâu dài của tỉnh ta trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý hoạt động VHTT ở cấp xã, phường, thị trấn./.

Thu Trang

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com