Tiết mục hát múa của đội văn nghệ Vàng Anh, Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố Nam Định.
Ảnh: Xuân Thu
|
Những năm qua, Nhà Văn hoá tỉnh đã mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý văn hoá cho cán bộ của hệ thống Nhà văn hoá cơ sở, mở các lớp dạy hát chèo, ca trù, chầu văn cho hạt nhân VNQC các huyện, dàn dựng chương trình nghệ thuật cho các cơ quan, ban ngành, trường học tham gia hội diễn nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ năng khiếu cho hoạt động văn hoá văn nghệ ở cơ sở. Sự hoạt động tích cực của Nhà văn hoá 10 huyện, thành phố và của gần 1500 nhà văn hoá các xã, phường, thị trấn, thôn, xóm những năm qua có sự chỉ đạo trực tiếp, hiệu quả của Nhà Văn hoá tỉnh. Với trên 1000 đội văn nghệ cơ sở tập trung vào các thể loại chèo, ca nhạc, kịch nói, dân ca, cải lương, để khai thác thế mạnh của từng địa phương, Nhà Văn hoá tỉnh kết hợp với phòng Văn - Thể các huyện liên tục mở các lớp hát chèo, thanh nhạc, ca trù cho các hạt nhân văn nghệ. Mỗi năm, Nhà Văn hoá tỉnh mở từ 2-3 lớp năng khiếu cho các huyện, riêng thành phố thường xuyên có các lớp dạy năng khiếu cho các đối tượng có nhu cầu. Riêng ở Giao Thuỷ, để nâng cao chất lượng các hoạt động văn nghệ, tạo ra các nhân tố làm hạt nhân cho phong trào, hàng năm Nhà Văn hóa tỉnh phối hợp với Phòng Văn - Thể huyện Giao Thuỷ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, dạy nhạc, dạy múa hát cho các hạt nhân văn nghệ, phát động phong trào sáng tác và biểu diễn. Từ phong trào sáng tác, mỗi năm huyện có từ 100-150 các sáng tác kịch bản về sân khấu, ca cảnh, nhạc phẩm, thơ tấu... cung cấp cho phong trào văn nghệ cơ sở và các CLB của các ngành trong huyện. Tại thành phố Nam Định thường xuyên có các lớp thanh nhạc, lớp đào tạo nhạc cụ, lớp múa được mở tại Nhà Văn hoá tỉnh và các nhà văn hoá lân cận phục vụ nhu cầu của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật trên địa bàn. Thông qua công tác đào tạo hạt nhân văn nghệ cơ sở, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào VNQC của tỉnh. Có thể kể đến các nghệ sỹ như: Quang Lộc, Nguyễn Thị Lý, Bùi Ngọc Lan, Thanh Hương, Ngô Minh Hinh, Bùi Ngọc Tĩnh... là các hạt nhân nghệ thuật chèo và ca trù của huyện Ý Yên; Hoàng Thị Loan, Thu Thuỷ, Trần Viết Trường... là các hạt nhân ca trù, hát văn và kịch của huyện Vụ Bản; Nguyễn Thị Lan, Quang Huy là hạt nhân VNQC huyện Xuân Trường; Nguyễn Thị Xoan, Phạm Văn Bẩy, Văn Thịnh, Hồng Nhung là hạt nhân văn nghệ của huyện Giao Thuỷ; Vũ Viết Đê, Hồng Thân là hạt nhân văn nghệ huyện Nghĩa Hưng; Công Thành, Huy Công, Văn Cẩn của huyện Hải Hậu... Các nghệ sĩ, diễn viên quần chúng này là những "hạt giống" kế thừa giữ gìn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống tạo nên sức sống bền bỉ của phong trào văn nghệ không chuyên. Lời ca, tiếng hát của họ còn tạo ra sức sống mới, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú trong đời sống làng thôn hôm nay. Cũng nhờ duy trì tốt công tác đào tạo hạt nhân văn nghệ cơ sở mà những năm qua, các làn điệu dân ca như hát ru, trống quân, cò lả, hát chèo, hát văn, ca trù được khôi phục./.
Thu Trang