Các tác giả Nam Định viết về đề tài người lính

09:08, 06/08/2010

Các tác phẩm trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiêu biểu như: "Núi đôi" của Vũ Cao; "Nấm mộ và cây trầm" của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu là những tác phẩm của các tác giả người Nam Định được xây dựng từ "người thật, việc thật" là "tiếng hát tinh thần của thời đại" góp phần cổ vũ khối đại đoàn kết toàn dân đứng lên đánh giặc, cứu nước, giải phóng dân tộc.

Bài thơ "Núi đôi" của nhà thơ Vũ Cao sáng tác năm 1956 được xây dựng từ một nguyên mẫu có thật trong cuộc sống đã làm rung động biết bao thế hệ độc giả, trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu về đề tài thương binh - liệt sỹ. Theo lời kể của nhà thơ, bài "Núi đôi" được ông sáng tác vào một buổi chiều mùa đông năm 1956, khi đó, ông công tác tại Sư đoàn 312, đóng quân ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), bên cạnh có ngọn Núi đôi. Tình cờ, ông nghe người dân địa phương kể chuyện về mối tình đẹp, trong sáng của một cô du kích với chàng trai cùng làng; vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, chàng trai lên đường nhập ngũ, đánh giặc. Khi anh bộ đội trở về thăm quê thì người yêu là nữ du kích đã hy sinh ngay trên mảnh đất quê hương. Cảm động, nhà thơ Vũ Cao đã đến thăm mộ nữ liệt sỹ tại xóm Chùa, thôn Đoài (còn gọi là Xuân Dục - Đoài Đông) thuộc xã Phù Linh. Tấm gương hy sinh anh dũng của người nữ du kích và câu chuyện cảm động về tình yêu đôi lứa thời kỳ cả dân tộc "tất cả hành quân, tất cả thành chiến sỹ" là nguồn cảm hứng và chất liệu nghệ thuật để nhà thơ Vũ Cao trong giây phút thăng hoa cảm xúc đã kết cấu, sáng tác lên bài thơ "Núi đôi". Nhân vật "Bẩy năm về trước em mười bẩy" trong bài thơ là liệt sỹ Trần Thị Bắc, con gái cả trong một gia đình có truyền thống yêu nước, 15 tuổi đã tham gia các hoạt động đoàn thể. Năm 17 tuổi, cô vào đội du kích với nhiệm vụ làm giao thông liên lạc, tiếp tế cho đội du kích rồi được giao cả ba nhiệm vụ: quân báo, cứu thương và binh vận. Ngày 31-3-1954, trên đường dẫn đoàn cán bộ gặp ổ phục kích, cô giao liên đã mưu trí, gan dạ tìm cách "đánh tiếng" cho đoàn cán bộ rút lui khỏi sự truy kích của kẻ thù. Bị địch tra tấn chết đi sống lại, nhưng người nữ du kích vẫn không khai nửa lời, bảo vệ cơ sở, cán bộ. Điên cuồng, địch xử bắn ngay tại chỗ. Đồng đội và nhân dân đã chôn cất thi thể liệt sỹ Trần Thị Bắc ở khu vực cầu Cốn, xã Tân Minh (Sóc Sơn). Và nhân vật "Anh đi bộ đội sao trên mũ", chính là ông Trịnh Khanh, người cùng xã Phù Linh. Theo lời ông Khanh, năm 1953, sau khi tổ chức đám cưới với Trần Thị Bắc, ông vào chiến trường. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông trở lại quê hương, mới hay tin, người bạn đời là nữ du kích Trần Thị Bắc đã anh dũng hy sinh. Và có lẽ, trước nỗi đau mất mát, thăm nơi an nghỉ của người vợ, tâm trạng, nỗi lòng của ông đúng như tứ thơ mà tác giả Vũ Cao đã viết "Ai viết tên em thành liệt sỹ. Bên những hàng bia trắng giữa đồng. Nhớ nhau anh gọi em, đồng chí! Một tấm lòng trong vạn tấm lòng. Anh đi bộ đội sao trên mũ. Mãi mãi là sao sáng dẫn đường. Em sẽ là hoa trên đỉnh núi. Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm". Đó cũng là nội dung mang đậm tính anh hùng ca gây xúc động đối với mọi tầng lớp độc giả, khiến bài thơ "Núi đôi" và tên tuổi của Vũ Cao đồng hành, đi cùng năm tháng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều tác phẩm được xây dựng và kết cấu từ chính cuộc sống "người thật, việc thật" đạt đến giá trị cao về nội dung và nghệ thuật. Nguyễn Đức Mậu là gương mặt tiêu biểu trong số những nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Sinh tại làng hoa cây cảnh Điền Xá (Nam Trực), đất nước có chiến tranh, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Nguyễn Đức Mậu lên đường nhập ngũ, là người lính Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Bằng sự chiêm nghiệm của một người lính trực tiếp có mặt tại những nơi "túi bom, vựa đạn", những vần thơ của ông đã khắc hoạ chân thực và sinh động về đời sống kháng chiến vệ quốc của dân tộc. Bài thơ "Nấm mộ và cây trầm" là một tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học cách mạng, đến nay vẫn được coi là một trong những tác phẩm hay nhất về đề tài thương binh - liệt sỹ. Nguyễn Đức Mậu sáng tác bài thơ này ở tuổi 22; khi đó, đơn vị của ông nhận nhiệm vụ chiến đấu ở khu vực cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào). Nơi tuyến lửa, đồng đội của ông đã anh dũng chiến đấu, nêu cao phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Nói về hoàn cảnh sáng tác và "cái tứ" của tác phẩm, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho biết: …Đó là vào một đêm mùa đông năm 1969, giữa nghĩa trang biên giới, bọn giặc trời thả đèn dù, ném bom. Những cây thông bị cháy chĩa thẳng lên trời như những nén nhang lớn. Dưới ánh sáng của đèn dù, dưới làn lửa của những cây thông, tôi cùng với một số anh em trong tổ vận tải tranh thủ đào huyệt, khâm niệm và chôn xác đồng đội. Từ khung cảnh bi tráng đó, tôi đã bắt được cái tứ để viết bài "Nấm mộ và cây trầm". Bài thơ được sáng tác ngay sau khi tác giả chôn xác bạn trở về trong tâm trạng đau xót, nhớ thương. Từ sự anh dũng hy sinh của đồng đội, Nguyễn Đức Mậu với nghệ thuật bút pháp so sánh, ẩn dụ, đã khắc hoạ một cách điển hình hoá, chân thực về chân dung người chiến sỹ cách mạng anh dũng, kiên cường, bất khuất: "Cái chết được bay ra từ nòng súng quân thù. Nhận cái chết cho đồng đội được sống. Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng. Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi… Chết - hy sinh cho Tổ quốc, Hùng ơi! Máu thẫm cỏ, lời ca bay vào đất. Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc. Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng"./.

Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com