Đội văn nghệ xã Hồng Quang (Nam Trực) trong buổi luyện tập. Ảnh: Xuân Thu |
Nam Định là một trong những nơi sản sinh ra các làn điệu chèo, chầu văn, các làn điệu dân ca, dân vũ. Chính vì vậy, hoạt động văn nghệ quần chúng phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hoá nghệ thuật của nhân dân. Văn nghệ quần chúng xuất phát từ lao động sản xuất của nhân dân, do nhân dân lao động sáng tạo, biểu diễn để thoả mãn nhu cầu sáng tạo của mình. Thông qua văn nghệ quần chúng, người lao động được thể hiện, được thoả mãn nhu cầu sáng tạo, giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc. Cũng thông qua văn nghệ quần chúng, nhiều giá trị văn hoá dân gian truyền thống được bảo tồn, duy trì đến tận ngày nay.
Nhiều năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng ở tỉnh ta luôn duy trì, ở cả 229 xã, phường trên toàn tỉnh đều có các đội chèo, cải lương, kịch nói hoạt động rất tích cực, trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá tinh thần của người dân ở các vùng quê trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm đội văn nghệ quần chúng, trong đó có gần 200 đội văn nghệ mạnh, hoạt động ở 3 loại hình chủ yếu: ca múa nhạc, chèo, kịch nói và một số loại hình khác như cải lương, múa rối nước, múa rối cạn... Ở loại hình ca múa nhạc, phát triển nhất là thành phố Nam Định và các huyện Hải Hậu, Giao Thuỷ, Xuân Trường. Nghệ thuật chèo phát triển ở các huyện Ý Yên, Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Nam Trực. Kịch nói phát triển ở thành phố Nam Định, Hải Hậu, Nam Trực, Xuân Trường.
Mô hình văn nghệ quần chúng hiện nay, bên cạnh những tổ, tốp, đội văn nghệ xung kích gọn nhẹ, vẫn tồn tại các đội văn nghệ mạnh làm nòng cốt cho phong trào ở cơ sở. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình như huyện Ý Yên, với trên 30 tổ, đội văn nghệ trong đó, có 15 đội văn nghệ mạnh có thể dàn dựng các chương trình, vở diễn từ 45-60 phút. Những năm qua, huyện Ý Yên nhiều lần đạt giải cao trong các kỳ hội thi, hội diễn của Trung ương, của tỉnh. Huyện Giao Thuỷ cũng thường xuyên duy trì trên 30 tốp, đội văn nghệ quần chúng. Để nâng cao chất lượng hoạt động và tạo ra các nhân tố làm hạt nhân cho phong trào, hàng năm, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, dạy các kỹ thuật biểu diễn, nhạc, múa, hát và thường xuyên phát động phong trào sáng tác, biểu diễn...
Tại các huyện có phong trào văn nghệ quần chúng phát triển mạnh thì ở thôn, làng nào cũng có tổ, đội văn nghệ. Ở đó, văn nghệ quần chúng gắn với các tổ chức đoàn thể, quần chúng thông qua mô hình CLB nghệ thuật nên phần nào tháo gỡ những bế tắc về kinh phí, chế độ đãi ngộ tập luyện cho diễn viên không chuyên.
Tuy gặp khó khăn, song hoạt động văn nghệ quần chúng trên địa bàn tỉnh ta đang phát triển mạnh, giữ vai trò quan trọng, trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ở các địa phương trong tỉnh./.
Thu Trang