Đền Trần |
Đền Trần là tên gọi chung, có đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, được khởi dựng từ thời Hậu Lê. Và đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo, được dựng từ thời Nguyễn.
Theo hồi cố của các bậc bô lão thì vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu, đúng rằm tháng giêng, trước sân đền Thượng tổ chức nghi lễ Khai ấn với sự tham gia của bảy làng: Vọc, Lốc, Hậu Bồi, Bảo Lộc, Kênh, Bái, Tức Mặc.
Các làng rước kiệu các vị thần về tụ tập ở đền Thượng để tế các vua Trần. Nghi thức này phản ánh một tập tục nghi lễ cổ: sau những ngày nghỉ Tết, từ rằm tháng Giêng thì triều đình trở lại làm việc bình thường. Khai ấn là mở đầu cho ngày làm việc của năm mới. Sau này, hội Đền Trần diễn ra từ ngày 15 đến 20 tháng 8 âm lịch hàng năm. Nghi lễ ở đây diễn ra với các lễ rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương, tế tự ở đền Thượng thờ 14 vị vua Trần. Lễ dâng hương có 14 cô gái đồng trinh, đội 14 mâm hoa qua đi vào đền trong tiếng nhạc lễ dâng lên 14 ngai vua. Nghi thức này là hồi ảnh của cung cách của triều đình phong kiến xưa.
Những năm chẵn, hội mở to hơn những năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức trẩy về đền Trần. Hành hương về cội nguồn, ai cũng cầu mong điều tốt lành, thịnh vượng. Trước sân đền, phấp phới lá cờ đại - lá cờ hội truyền thống với năm màu rực rỡ biểu trưng cho ngũ hành, hình vuông biểu tượng đất (âm), rìa tua hình lưỡi liềm biểu tượng trời (dương). Chính giữa cờ hội thêu chữ "Trần" bằng chữ Hán do hai chữ "Đông" và "A" ghép lại, mãi mãi rạng rỡ tinh thần hào khí "Đông A".
Lễ hội được cử hành trang nghiêm. Đám rước với cờ quạt, chiêng trống, kiệu lễ, kiệu bát cống, kéo dài hàng nửa cây số. Hội có nhiều trò vui hấp dẫn như: chọi gà, diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, múa bài bông và hát văn - tương truyền có từ thời Trần truyền lại. Theo sử sách, đời vua Trần Nhân Tông, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông nhà vua cho mở tiệc mừng suốt ba ngày liền gọi là "Thái Bình diên yến". Trần Quang Khải đã sáng tác điệu múa mừng chiến thắng mang tên múa “bài bông”. Vũ công là những cô gái xinh đẹp mặc quần áo dân tộc, mỗi người đặt một chiếc đòn gánh ngắn trên vai, hai đầu quẩy hai chiếc giỏ xếp đầy hoa hoặc hai chiếc đèn lồng bằng giấy. Người múa còn cầm chiếc quạt phụ hoạ cho động tác múa. Múa “bài bông” chia thành bát dật, lục dật, tứ dật đến thời Nguyễn đã thành quy củ. Đến nay phường Phương Bông ngoại thành Nam Định vẫn hình thành đội múa có trình độ điêu luyện.
Còn hát văn có người cho rằng bắt nguồn từ một lối hát chầu thời Trần được phổ biến và hoàn chỉnh ở thời Lê Mạt. Đình làng Phương Bông thờ Trần Quang Khải còn có đôi câu đối:
Phương Địa ức niên lưu pháp khúc
Vĩnh Giang thiên cổ dục linh nguyên.
Dịch nghĩa:
Muôn thủa đất Phương truyền khúc hát
Ngàn năm sông Vĩnh mãi nguồn thiêng