Hội Người mù tỉnh hiện có 2.985 hội viên, trong đó có gần 1.700 phụ nữ khiếm thị. Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Hội Người mù tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện về vay vốn góp phần nâng cao đời sống cho hội viên, nhất là hội viên nữ.
Hội Người mù huyện Hải Hậu thăm, tặng quà hội viên nữ có hoàn cảnh khó khăn. |
Với sự quan tâm của các cơ quan chức năng, nhiều cơ sở sản xuất của phụ nữ khiếm thị như: sản xuất thủ công mỹ nghệ, tăm tre, chăn nuôi, trồng trọt, cơ sở xoa bóp bấm huyệt... được thành lập, tạo việc làm ổn định cho nhiều hội viên. Trong đó, nghề xoa bóp bấm huyệt đã trở thành nghề chủ lực với mức thu nhập từ 3,5 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng. Chị Trần Thị Nhung, xóm Hồng Tiến, xã Nam Hồng (Nam Trực) bị khiếm thị bẩm sinh. Năm 2002, chị tham gia Hội Người mù huyện Nam Trực. Được Hội tạo điều kiện cho học chữ nổi và lớp xoa bóp bấm huyệt tại Trung tâm xoa bóp bấm huyệt Hà Nội, chị đã mở cơ sở xoa bóp, bấm huyệt tại nhà. Mỗi ngày, cơ sở của chị tiếp đón hàng chục lượt khách đến xoa bóp bấm huyệt, tạo việc làm cho 5 hội viên với thu nhập ổn định. Với công việc này, chị Nhung đã tự trang trải được cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và nuôi 1 con trai đang học THPT. Chị Vũ Thị Loan ở xã Liêm Hải (Trực Ninh) là một trong những điển hình của Hội Người mù huyện Trực Ninh về phát triển chăn nuôi hiệu quả. Dù mắt không được sáng như người bình thường, nhưng với sự hỗ trợ từ gia đình, chị Loan đã thành thạo với công việc chăm sóc đàn vật nuôi hàng ngày. Hiện chị đang nuôi 200 con gà thịt, 30 con vịt đẻ trứng. Mỗi năm, trừ chi phí, chị Loan thu được khoảng 50 triệu đồng. Ngoài thời gian chăn nuôi, những lúc rảnh rỗi, chị làm thêm tại 1 cơ sở xoa bóp, bấm huyệt trên địa bàn huyện góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cùng với việc tạo điều kiện để phát triển kinh tế, các cấp Hội Người mù trong tỉnh còn tích cực phối hợp với UBND, Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn vận động sự giúp đỡ, đóng góp của các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm để vận động xây dựng, sửa chữa nhà tình thương cho hội viên; khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí; thăm hỏi, động viên khi hội viên gặp khó khăn, hoạn nạn; trợ cấp hàng tháng; tặng quà, học bổng, sổ tiết kiệm cho người khiếm thị và con em người khiếm thị nhân các dịp lễ, tết… Đến nay, Hội Người mù phối hợp với chính quyền, Hội Phụ nữ và các đoàn thể địa phương xây dựng, sửa chữa 24 ngôi nhà của phụ nữ khiếm thị khó khăn về nhà ở. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3; Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 và Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, hàng năm, Hội Người mù tỉnh đều tổ chức các chương trình văn nghệ giao lưu giữa các hội viên nữ, trẻ em khiếm thị trong toàn tỉnh, qua đó, chia sẻ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên. Các cấp Hội cũng đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tài trợ tổ chức các hoạt động gặp mặt, tặng quà, cho chị em hội viên. Ban công tác phụ nữ Hội Người mù tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội thảo “Vì sự tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc của phụ nữ mù” đem lại niềm vui, sự phấn khởi tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với những người khiếm thị. Nhiều Hội Người mù cơ sở còn tổ chức các chương trình sinh hoạt, giao lưu văn nghệ với nội dung phong phú, tích cực, sôi nổi, giúp chị em khiếm thị phấn khởi, có cơ hội trao đổi kinh nghiệm vươn lên trong cuộc sống… Điển hình như: vào các dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Ngày Phụ nữ Việt Nam, Hội Người mù huyện Hải Hậu tổ chức gặp mặt, tặng quà cho chị em phụ nữ. Bên cạnh đó, Hội Người mù huyện cũng thường tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề về ngày thành lập Hội Phụ nữ; trao đổi về các vấn đề lao động, việc làm và cuộc sống gia đình của chị em hội viên giúp chị em có niềm tin, tích cực hòa nhập xã hội. Ngoài ra, nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6 và Tết Trung thu, hàng năm Hội Người mù huyện Hải Hậu đều trích từ nguồn quỹ hội trao quà cho trẻ em khiếm thị và con của hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi. Hội đã chủ động đề nghị với Phòng GD và ĐT huyện miễn giảm một số khoản đóng góp cho con của hội viên đang trong độ tuổi đi học; thường xuyên rà soát các em khiếm thị, tạo điều kiện cho các em được học văn hóa, học chữ, học nghề… Ông Trần Anh Văn, Chủ tịch Hội Người mù huyện Hải Hậu cho biết: “Trong những năm qua, Hội Người mù Hải Hậu đã có nhiều hoạt động chăm sóc, giúp đỡ phụ nữ khiếm thị như: Truyền thông giáo dục cộng đồng nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối với phụ nữ khuyết tật nói chung, phụ nữ khiếm thị nói riêng; tuyên truyền các thông tin liên quan về giới, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị chức năng cũng có nhiều chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện giúp hội viên phụ nữ khiếm thị có cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết; học nghề, tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế phù hợp với khả năng. Những hoạt động thiết thực đó đã giúp phụ nữ khiếm thị có thêm niềm tin, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống”.
Thời gian tới, Hội Người mù tỉnh tiếp tục củng cố, kiện toàn Ban Công tác phụ nữ và trẻ em ở những địa phương có tổ chức Hội góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đi vào chiều sâu; thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khiếm thị; động viên và tạo điều kiện để chị em học chữ, học nghề, phát triển thêm các nghề mới, hỗ trợ sinh kế; phối hợp với ngành giáo dục khảo sát, phát hiện, giúp trẻ em khiếm thị được tham gia lớp tiền hòa nhập và hòa nhập./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa