“Cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) tỉnh Nam Định thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 là một nội dung quan trọng trong phong trào chung “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, được phát động nhằm góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC tận tụy, gương mẫu, chuyên nghiệp, thân thiện, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng môi trường công sở văn hóa.
Cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Nam Định tích cực tham gia hiến máu. |
Khi Nghị quyết “mở đường”
Huyện Hải Hậu có 4.861 CBCCVC; trong đó, khối cơ quan Đảng, đoàn thể và UBND có 218 CCVC; khối GD và ĐT có 2.824 VC... Đồng chí Trần Trung Kiên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Với mục tiêu đến năm 2025 xây dựng huyện trở thành huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu “sáng - xanh - sạch - đẹp để phát triển bền vững”, nhằm tạo bước đột phá ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy Hải Hậu ban hành Nghị quyết 04/NQ-HU ngày 26-4-2021 về nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC từ huyện đến cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Huyện xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”; hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ CBCCVC: “sáng” về phẩm chất, đạo đức; “giỏi” về chuyên môn; có tinh thần, thái độ làm việc trách nhiệm; nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, làm việc hiệu quả thực chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Theo đó, UBND huyện Hải Hậu đã ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND về việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua “CBCCVC huyện Hải Hậu thi đua thực hiện văn hóa công sở đến năm 2025”; ban hành Quy chế Văn hoá công sở và Quy tắc ứng xử của CBCCVC và người lao động khối các cơ quan, đơn vị. Phát động và tổ chức triển khai phong trào CBCCVC, lao động các ban, ngành, đoàn thể từ huyện xuống cơ sở thi đua thực hiện văn hóa công sở; xây dựng phong cách ứng xử, kỹ năng giao tiếp chuẩn mực của CBCCVC trong hoạt động công vụ, đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thông qua những việc làm cụ thể hàng ngày, trên mọi lĩnh vực công tác, kiến tạo môi trường làm việc có văn hóa và hiệu quả. Đến nay, phong trào “CBCCVC huyện Hải Hậu thi đua thực hiện văn hóa công sở” bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần, thái độ làm việc, xây dựng chuẩn mực giao tiếp, ứng xử, đạo đức lối sống, trang phục phù hợp với công việc; gắn với xây dựng môi trường công sở văn minh, thân thiện, liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp. CBCCVC đã nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kiện toàn tổ chức, sắp xếp bộ máy các cơ quan, đơn vị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; quản lý chặt chẽ biên chế, vị trí việc làm; công tác đánh giá CBCCVC được triển khai khách quan, dân chủ, đúng pháp luật; thực hiện tinh giản biên chế, gắn với xây dựng đội ngũ CBCCVC có phẩm chất, năng lực và cơ cấu phù hợp, đảm bảo về số lượng và chất lượng. Đến tháng 9-2022, toàn huyện có 128 cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Tỷ lệ xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu đơn vị văn hóa đạt 99,6%. Có trên 99% CBCCVC thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, nhất là các quy định về kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, nếp sống văn hóa tại cơ quan, công sở. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường quản lý tổ chức bộ máy; toàn huyện cử trên 1.300 CBCCVC đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả; 100% cơ quan, địa phương, CBCC sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, hộp thư điện tử để trao đổi công việc, góp phần giảm tải số lượng văn bản giấy. Đẩy mạnh việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (tổng số dịch vụ công cấp huyện là 262, cấp xã là 140).
Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm nhiệm vụ
Thực hiện Kế hoạch số 103/KH-UBND của UBND tỉnh về tổ chức thực hiện phong trào thi đua “CBCCVC tỉnh Nam Định thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 theo Quyết định số 733/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng, ban hành Quy chế về văn hóa công sở theo hướng gọn, rõ, sát với đặc thù công việc, có chế tài xử lý vi phạm và khen thưởng rõ ràng đối với CBCCVC. Thực hiện nghiêm túc các nội dung của phong trào thi đua này gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở”.
Để góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC tỉnh có bản lĩnh chính trị, có phẩm chất tốt, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, hàng năm Tỉnh ủy chỉ đạo và tổ chức nghiêm túc việc học tập, nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng, các chuyên đề về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo chủ đề, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn thể CBCCVC, người lao động trong việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, phong cách trong giao tiếp ứng xử và nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã có nhiều cách làm hay, nhiều giải pháp tích cực có sức lan tỏa, gắn với trách nhiệm triển khai của từng ngành, từng đơn vị. Tiêu biểu như: Bộ CHQS tỉnh với chủ đề “Cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh với xây dựng môi trường văn hoá” và “Tuổi trẻ với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; UBND thành phố Nam Định với chuyên mục “ Du lịch - Dịch vụ”, “ Video - Sự kiện”, “Thành Nam văn hiến”, “4 xin, 4 luôn”; Sở LĐ-TB và XH với chương trình hành động “Đẩy mạnh xây dựng văn hoá cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong tình hình mới”; Ngành Y tế với phong trào “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; Sở Nội vụ với không gian công sở xanh - sạch - đẹp và mô hình Tổ công tác chuyên đề để giải quyết hiệu quả, chất lượng các nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của ngành; Sở KH và CN với hướng dẫn tổ chức xét duyệt các sáng kiến trong cải cách hành chính; Cục Thuế tỉnh với phong trào thi đua “Thi đua nước rút 3 tháng cuối năm”; Sở NN và PTNT với phong trào “CBCCVC ngành NN và PTNT thi đua thực hiện văn hoá công sở” và có nhiều đề xuất, sáng kiến sáng tạo trong công tác, cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu khoa học nhằm thực hiện hiệu quả hơn trong công tác chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị, qua đó giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí hành chính, giảm bớt phiền hà cho nhân dân.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã cụ thể hóa bằng việc đề ra các nội dung phấn đấu như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư gắn với việc học tập, rèn luyện để trở thành người cán bộ “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” được thể hiện trong công việc hàng ngày, góp phần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong công việc. Tổ chức phát động các phong trào: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CBCCVC, lao động. Công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của tỉnh có nhiều đổi mới, nhất là việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ được quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, đã cử 6.914 lượt CBCCVC tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại Trung ương, tỉnh. Các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử với mục tiêu nâng cao mức độ hài lòng của người dân, bảo đảm tính công bằng, chuẩn mực trong quản lý Nhà nước. Tất cả các văn bản đến, đi được quản lý trên phần mềm Mạng văn phòng điện tử liên thông; 100% các văn bản đi được ký số, các đơn vị sử dụng chứng thư số để thực hiện ký số.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu: Tiếp tục khơi dậy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực con người để xây dựng tỉnh Nam Định phát triển nhanh và bền vững. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ tâm huyết, trách nhiệm, đủ đức, đủ tài là một trong những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, phong trào “CBCCVC tỉnh Nam Định thi đua thực hiện văn hóa công sở” được xem là khâu “then chốt” để các cơ quan, đơn vị, địa phương, đội ngũ CBCCVC nỗ lực trong thời gian tới đưa phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, đảm bảo tính liên tục, thường xuyên, tiếp tục xây dựng hình ảnh đội ngũ với các phẩm chất tận tụy, gương mẫu, chuyên nghiệp, thân thiện, vì dân phục vụ. Trong những năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức phong trào thi đua với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Vận động CBCCVC tham gia các phong trào thi đua, thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức, lối sống, đạo đức công vụ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung của văn hóa công vụ nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ CBCCVC. Chú trọng công tác phát hiện, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, tạo sự đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ nguồn lực, sức mạnh của đội ngũ CBCCVC./.
Bài và ảnh: Việt Thắng