Những yêu cầu cấp bách ngăn chặn vấn nạn đạo đức xã hội xuống cấp

07:48, 28/10/2022

Ngày 24-10 vừa qua, truyền thông đưa tin trong một ngày 4 vụ trọng án xảy ra tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình khiến 3 người mất mạng, 1 nguy kịch. Thông tin về các vụ án trên báo chí khiến người đọc thấy bàng hoàng, phẫn nộ vì kẻ gây án xuống tay một cách tàn nhẫn, “dễ dàng” với chính người quen thân, ruột thịt không mảy may run tay, đắn đo?!

Trước đó, ngay khi mới bước vào năm học mới, trên báo chí và mạng xã hội đã liên tiếp có thông tin, hình ảnh, video về các vụ bạo lực học đường xảy ra trong và ngoài nhà trường. Điều chua xót là không chỉ có học sinh đánh nhau mà có cả giáo viên đánh học sinh không nương tay, giáo viên đánh phụ huynh, thậm chí giáo viên đối xử thô bạo với chính đồng nghiệp ở ngay tại cơ sở giáo dục, thậm chí ngay trước mặt học sinh. Rồi các trường hợp nữ sinh bị chính thầy giáo của mình xâm hại! Trên truyền thông, mạng xã hội với diện phổ biến thông tin rộng rãi, đối tượng người xem, theo dõi đông đảo hàng ngày nhan nhản các clip, video về các hoạt động văn hóa tập thể có nội dung hết sức phản văn hóa, gây hiệu ứng tiêu cực cho văn hóa xã hội, nhất là với giới trẻ…

“Loạn”; “đạo đức xã hội xuống cấp”; “suy đồi đạo đức”… đó là những lời bình luận chiếm đa số trên mạng xã hội mỗi khi có những vụ việc như thế này được đăng tải. Không phải đến bây giờ tình trạng văn hóa, đạo đức xã hội suy đồi và những hệ lụy xã hội nặng nề của nó mới được cộng đồng, các nhà quản lý, các nhà hoạt động xã hội cảnh báo. Các nguyên nhân sâu xa đã được phân tích, mổ xẻ khá kỹ, như tình trạng coi nhẹ văn hóa so với các vấn đề, mục tiêu chính trị, kinh tế, xuất phát từ việc nhìn nhận không đúng vị trí, chức năng của thể chế văn hóa làm cho văn hóa bị “tuột dốc”. Theo thông tin trên báo chí về kết quả một cuộc điều tra xã hội học tại ba thành phố lớn ở ba miền là Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, đa số người tham gia điều tra đánh giá sự xuống cấp đạo đức ở nước ta hiện nay đang ở mức báo động (chiếm tới 53%) và trầm trọng (25,8%); 17,3% cho rằng cần phải có biện pháp ngăn chặn ngay; chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ cho vấn đề này ở mức độ bình thường và không đáng lo ngại (dưới 2%). Rõ ràng, qua những thông tin về các vụ việc tiêu cực, tội phạm được đăng tải trên báo chí, mạng xã hội hàng ngày, từ tình trạng cán bộ sai phạm, cách hành xử nơi công cộng có tính côn đồ, bất chấp không chỉ của những đối tượng xã hội, bộ phận dân trí thấp mà ở cả những cán bộ, công chức, nhân viên trong bộ máy công quyền… có thể thấy sự suy thoái, xuống cấp đạo đức trong xã hội đang là một thực trạng báo động đỏ và ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. 

GS.TS. Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng lo ngại nêu trên. Bên cạnh các nguyên nhân ở tầm vĩ mô thì ở góc độ văn hóa có thể thấy các nguyên nhân chủ yếu là: sự đứt gãy của đạo đức truyền thống trong quá trình phát triển nóng sang xã hội hiện đại. Các giá trị đạo đức cũ không còn thích hợp trong khi các giá trị đạo đức mới đang hình thành, chưa được củng cố, định hình, dẫn đến những "lệch chuẩn", sự đảo lộn các giá trị. Giáo dục đạo đức trong nhà trường chưa phù hợp, chưa hiệu quả, mới thiên về "dạy chữ", dạy nghề mà chưa chú trọng đúng mức đến việc "dạy người", giáo dục đạo đức cá nhân, đạo đức công dân. Các thiết chế xã hội, các “mô tế bào” cơ bản như gia đình, làng xã không còn giữ vai trò quan trọng trong việc giám sát, điều chỉnh, uốn nắn đạo đức cá nhân. Khoảng cách thế hệ, sự rạn nứt trong quan hệ giữa người với người, sự tiếp thu xô bồ văn hóa ngoại nhập dẫn tới những ứng xử bất chấp cả chuẩn mực đạo lý lẫn chuẩn mực pháp lý. Văn học, nghệ thuật chưa phát huy tốt vai trò, chức năng "giáo hóa", cảm hóa con người, thu phục nhân tâm, bồi bổ tâm hồn, một phần do sự cạnh tranh của các hình thức, phương tiện giải trí đa dạng được hỗ trợ bởi công nghệ trong xã hội hiện đại. Báo chí, truyền thông chưa làm tròn vai trò tuyên truyền, định hướng dư luận, nâng cao nhận thức về đạo đức; còn thiên về phản ánh những phương diện tiêu cực trong xã hội để câu view, chạy theo mục tiêu thương mại và giải trí, chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục đạo đức, bảo vệ cái tốt cái đúng…

Ngay từ năm 1943, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng đã đánh giá đúng tầm quan trọng của văn hóa, xây dựng và phát triển văn hóa đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đất nước nên đã xây dựng Đề cương Văn hóa Việt Nam để định hướng lãnh đạo xuyên suốt nhiệm vụ và sự nghiệp phát triển văn hóa đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh việc phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Để ngăn chặn sự suy thoái đạo đức xã hội, cần các giải pháp đồng bộ ở các cấp, các ngành nhằm huy động và lan tỏa đến toàn thể cộng đồng. Cùng với các giải pháp mang tính vĩ mô như: tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để không tạo kẽ hở cho những tệ nạn tham nhũng, hối lộ, vi phạm đạo đức cán bộ cách mạng, đạo đức công vụ; nâng cao năng lực quản lý, điều hành đất nước; đẩy mạnh dân chủ hóa, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội; thượng tôn pháp luật, giữ nghiêm kỷ cương xã hội; nêu cao vai trò đầu tầu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo và cán bộ đảng viên..., theo GS. TS Từ Thị Loan, rất cần các giải pháp "từ văn hóa" và "bằng văn hóa" chủ yếu như: hoàn thiện thể chế văn hóa; ban hành các khung chuẩn mực đạo đức, tiêu chí đánh giá đạo đức, các Bộ quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực, làm căn cứ để đánh giá, xếp loại các cá nhân và hoạt động nghề nghiệp. Phát huy vai trò, chức năng giáo dục “chân, thiện, mĩ” đích thực của văn học, nghệ thuật, văn nghệ sĩ trong xây dựng đạo đức xã hội, giúp thanh lọc tâm hồn, thức tỉnh phần nhân văn trong con người. Đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào chiều sâu, vào thực chất, thực sự phát huy được vai trò của các cộng đồng làng xã, khu dân cư, các thiết chế xã hội trong việc giám sát và điều chỉnh đạo đức, hành vi, ứng xử của các cá nhân và tập thể. Phát huy vai trò của gia đình trong việc hình thành, nuôi dưỡng, rèn giũa đạo đức cá nhân. Gia đình là chiếc nôi quan trọng tạo dựng nhân cách con người, là tế bào của xã hội. Đạo đức của gia đình tốt thì đạo đức của toàn xã hội mới tốt. Đổi mới nội dung, cách thức, phương pháp giáo dục đạo đức, phải sinh động, hiệu quả, đồng thời rèn luyện các hành vi đạo đức, thực hành đạo đức ngay trong đời sống thực tại. Nêu cao vai trò của truyền thông đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục các khuôn mẫu đạo đức. Báo chí truyền thông phải xứng đáng với vai trò "quyền lực thứ tư" trong sự nghiệp xây dựng đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân.

Sức mạnh nội sinh mới là sức mạnh có tính bền vững và hiệu quả tác động sâu rộng. Đảng và Nhà nước đã xác định văn hóa là nền tảng, là sức mạnh nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước. Suy thoái đạo đức xã hội là hệ quả của một quá trình. Do vậy việc ngăn chặn sự suy thoái, xuống cấp đạo đức xã hội này cũng không thể ngày một ngày hai mà cần làm ngay và phải kiên trì, liên tục với tinh thần quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, định hướng đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành./.

Vân Thi

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com