Những điển hình dân quân làm kinh tế giỏi ở Nghĩa Sơn

08:40, 26/10/2022

Những năm qua, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) luôn chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình dân quân tự vệ (DQTV) gắn với phát triển kinh tế giỏi. Nhờ đó lực lượng dân quân xã ngày càng có nhiều mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Mô hình trang trại tổng hợp nuôi thủy sản hiệu quả kinh tế cao của anh Trần Văn Duy, xóm 11 Tây Bơn Ngạn, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).  Bài và ảnh: Hoàng Tuấn
Mô hình trang trại tổng hợp nuôi thủy sản hiệu quả kinh tế cao của anh Trần Văn Duy, xóm 11 Tây Bơn Ngạn, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng). 

Dám nghĩ, dám làm

Năm 2004, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Trần Văn Duy trở về tham gia hoạt động, công tác ở xã từ Công an viên, rồi được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng xóm 11 Tây Bơn Ngạn. Vừa làm công việc của xóm, xã… anh còn là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương. Anh Duy cho biết, được sự tạo điều kiện của xã, năm 2007, anh mạnh dạn dốc hết vốn liếng tích cóp được, vay mượn thêm để đầu tư làm trang trại tổng hợp ở khu vực đê tả sông Đáy với diện tích hơn 8.000m2. Từ vùng ruộng đất bãi để hoang, với thời gian cho thuê 5 năm 1 lần, anh đắp đê, đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả, nuôi gà, vịt… Sau một thời gian ổn định, qua tìm hiểu, anh tập trung đầu tư nuôi cá lóc bông để phát triển nuôi quy mô lớn. Theo anh Duy, nuôi cá lóc bông cần nguồn vốn nhiều, gồm chi phí tiền giống và thức ăn cho cá (thức ăn chủ yếu là các loại cá con (cá biển, cá đồng) xay nhỏ). Thời điểm đó, ở khu vực phía bắc là mô hình con nuôi mới. Bởi cá lóc bông phàm ăn, ưa khí hậu nhiệt đới và chủ yếu phát triển nuôi ở các tỉnh phía Nam. Anh và một số người bạn đã đi tham quan, tìm hiểu kỹ thuật nuôi giống cá này. Sau nhiều lần suy đi tính lại, anh Duy quyết định đầu tư nuôi cá lóc bông, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi. Để chủ động nguồn thức ăn cho cá, anh đã hợp đồng với một số hộ chuyên khai thác, đánh bắt ngoài biển cung cấp, vận chuyển đến tận nhà. Đặc tính của cá lóc bông là chịu lạnh kém, vì vậy người nuôi phải biết cách phòng rét và sương muối cho cá. Khâu đánh bắt và vận chuyển cũng hết sức cẩn thận, tránh để cá bị xây xước. Vụ đầu anh trúng lớn, với sản lượng đạt 23-24 tấn cá lóc bông; mỗi năm trang trại của anh đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng… Sau vài năm, do hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ nuôi ở các địa phương trong huyện cũng đầu tư… thị trường nuôi cá lóc bông có dấu hiệu bão hòa. Khi đó, anh chuyển sang nuôi cá rô phi đơn tính, cá trắm cỏ, trắm đen… kết hợp nuôi ngỗng, vịt, lợn rừng… mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng. Đầu tháng 10 vừa qua, anh thu hoạch được 16 tấn cá rô phi đơn tính, giá bán 45 nghìn đồng/kg. Theo anh Duy, cá rô phi đơn tính cũng là giống cá phàm ăn, thời gian nuôi khoảng 6-8 tháng sẽ bắt đầu thu hoạch. Hiện nay, anh đang đầu tư thả 8,5 vạn cá giống trắm đen, trắm cỏ, Dự kiến sẽ xuất bán phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán năm nay. 

Không chỉ là một dân quân giỏi về phát triển kinh tế, anh còn được Ban CHQS xã tín nhiệm giữ chức tiểu đội trưởng dân quân cơ động; tham gia Quân nhân dự bị động viên. Với tinh thần, trách nhiệm của người chiến sĩ DQTV, anh đều tham gia đầy đủ các lớp tập huấn tại huyện và các hoạt động của lực lượng dân quân xã, như: duy trì hoạt động tiểu đội dân quân cơ động trong xã tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, làm công tác dân vận… Trong mỗi đợt huấn luyện hàng năm, anh đều vận động lực lượng dân quân trong xã tham gia đầy đủ quân số và thời gian theo quy định. Trong các buổi sinh hoạt, anh thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm về phát triển kinh tế gia đình của bản thân đúc rút được trong quá trình lao động sản xuất, tạo động lực cho các bạn trẻ có mong muốn phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.

Khát vọng làm giàu trên đồng đất quê hương

Năm 2016, sau thời gian học tập, anh Nguyễn Văn Dũng, xóm 10, Nghĩa Sơn được kết nạp vào lực lượng dân quân xã Nghĩa Sơn. Cùng với thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ của một chiến sĩ dân quân của xã, anh còn là một điển hình về phát triển kinh tế. Hiện anh đang làm chủ cơ sở chế biến sản xuất mì phở Minh Khang, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mức lương bình quân 5-7 triệu đồng/người/tháng; lương công nhân kỹ thuật ở mức 10 triệu đồng/người/tháng. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm và khát vọng làm giàu từ mảnh đất quê hương, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành cơ điện, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, anh Dũng đã đi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở một số cơ sở sản xuất chế biến phở khô, bún khô trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Chia sẻ với chúng tôi, anh Dũng cho biết, trước đây gia đình anh đã có nghề hàng xáo, chuyên thu mua và xay xát gạo cung cấp cho thị trường Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng… Tiếp nối nghề truyền thống của gia đình, từ cuối năm 2017, anh quyết định chuyển hướng kinh doanh.

Với mặt bằng diện tích nhà xưởng rộng hơn 400m2, anh đã huy động gia đình, vay mượn ngân hàng và đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để lắp đặt dây chuyền chế biến mì phở. Sẵn có nguồn nguyên liệu dồi dào ở địa phương, anh lựa chọn gạo giống Q5, V10… làm nguyên liệu. Bình quân mỗi tháng cơ sở của gia đình anh tiêu thụ gần 100 tấn gạo. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ khắp cả nước, doanh thu đạt mức 1,5-2 tỷ đồng/năm. Năm 2021, cơ sở của gia đình anh được UBND tỉnh chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Nghĩa Hưng với thương hiệu “Mỳ phở Minh Khang”. Vừa là một điển hình kinh tế giỏi, anh Dũng còn thường xuyên tham gia các đợt huấn luyện DQTV do huyện, xã tổ chức. Quá trình huấn luyện, anh luôn gương mẫu trong học tập, tích cực tham gia các hoạt động của lực lượng dân quân địa phương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Trần Văn Giang, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nghĩa Sơn cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã Nghĩa Sơn biên chế một trung đội DQTV, trong đó đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế trang trại do DQTV làm chủ. Để giúp lực lượng DQTV tham gia phát triển kinh tế, Ban CHQS xã đã đẩy mạnh công tác dân vận, phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, nuôi thủy sản; hướng dẫn cho các hộ dân quân biết cách làm giàu, phát triển kinh tế gia đình. Việc xây dựng và nhân rộng những tấm gương điển hình DQTV làm kinh tế giỏi, đã góp phần tích cực trong việc gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố công tác quốc phòng - an ninh trên địa bàn, nâng cao đời sống của người dân, xây dựng xã Nghĩa Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao./.

Bài và ảnh: Hoàng Tuấn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com