Chất lượng đội ngũ nhà giáo là yếu tố then chốt trong sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo. Nhiều năm qua, ngành GD và ĐT đã phối hợp Công đoàn Giáo dục tỉnh đẩy mạnh Cuộc vận động (CVĐ) “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong toàn ngành; gắn thực hiện CVĐ với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các nhà trường.
Cô Đào Thị Ngọc Phương, giáo viên Ngữ văn, Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) và nhóm học sinh với tác phẩm đoạt Giải Ấn tượng tại Cuộc thi “Sáng tác lời mới cho làn điệu dân ca và nhạc cổ truyền về phòng, chống thiên tai” năm học 2021-2022 cấp quốc gia. |
Sở GD và ĐT và Công đoàn ngành Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên hưởng ứng CVĐ với tinh thần liên tục đổi mới để duy trì, phát triển, vươn lên. Nội dung và mục tiêu của CVĐ được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong toàn ngành; gắn kết, lồng ghép với việc triển khai các CVĐ mà toàn Đảng, toàn dân và ngành đã, đang triển khai như: Chỉ thị số 05-CT/2016/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chỉ thị số 1737/2018/CT-BGDĐT của Bộ GD và ĐT về tăng cường quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo. Tiêu đề CVĐ “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã thành khẩu hiệu hành động của các nhà trường, được kẻ vẽ, chăng treo ở những vị trí trang trọng, thích hợp, thường xuyên nhắc nhở đội ngũ nhà giáo và học sinh luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Công tác tuyên truyền về CVĐ còn gắn liền với việc tuyên truyền, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, triển khai thực hiện các phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”; “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”... CVĐ cũng được triển khai gắn kết chặt chẽ với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và được cụ thể hóa cho phù hợp với từng năm học và điều kiện của nhà trường, đơn vị. Ở các cơ sở giáo dục, công tác tuyên truyền phổ biến, hưởng ứng CVĐ được tiến hành lồng ghép với các chương trình ngoại khóa chuyên đề phổ biến pháp luật, biểu diễn văn nghệ, hội thảo khoa học “Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục qua những bức thư Bác Hồ gửi cho ngành Giáo dục”, tọa đàm nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11... Qua đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong ngành đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động tu dưỡng đạo đức, tinh thần tự học và sáng tạo.
CVĐ dần đi vào chiều sâu, đã trở thành công việc tự giác, thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, nhà giáo toàn ngành. Từ đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động trong mỗi thầy, cô giáo. Họ không chỉ là những tấm gương sáng về đạo đức, nhân cách mà còn luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề; nỗ lực vươn lên, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp quản lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Ở nội dung “tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống”, nhiều nhà giáo đã chú trọng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống: Có tinh thần yêu nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành, nội quy của nhà trường và đơn vị; có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục đào tạo, tận tâm phục vụ sự nghiệp “trồng người”, được nhân dân và học sinh tin yêu, quý trọng. Đã xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo với những việc làm “sáng giữa đời thường”, như một nhà giáo nguyên là Hiệu trưởng Trường THPT Vũ Văn Hiếu (Hải Hậu), thấy học sinh nhà ở xa trường, buổi trưa ở lại trường không có chỗ mua cơm ăn, đã vận động đồng nghiệp cùng tham gia dựng bếp ăn, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ gạo, mỗi năm trích tiền lương 10 triệu đồng chuyển cho bếp ăn, nấu hàng trăm suất cơm trưa mỗi ngày giúp học sinh nghèo xa nhà yên tâm học tập. Có nhà giáo được phân công đảm nhận việc bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng đó là môn học có ít giờ nên học sinh cũng e ngại, nên giáo viên phải đến từng lớp vận động học sinh, chia sẻ tâm tư tình cảm, thuyết phục để học sinh hiểu và đến với môn học; trong quá trình vừa dạy vừa dỗ, tự mình nấu những bữa cơm ngon cho học sinh cùng ăn, để học, để có đủ học sinh dự thi. Nhiều nhà giáo, sẵn sàng hy sinh quyền lợi của bản thân tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo kiến thức cho học sinh không thu tiền, vận động học sinh bỏ học trở lại lớp... Phát huy truyền thống “tương thân tương ái”, đội ngũ nhà giáo và nhân viên trong ngành đã đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công tác và sinh hoạt, cùng các nhà hảo tâm quyên góp hàng trăm triệu đồng giúp đỡ các giáo viên và học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của các tỉnh bạn; ủng hộ kinh phí tu sửa gần 200 nhà ở công vụ, xây tặng nhà tình nghĩa giáo viên, thăm, tặng quà cho hàng nghìn nhà giáo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên đán, khai giảng năm học mới; giúp đỡ đồng nghiệp, học sinh gặp rủi ro, bệnh trọng... giúp họ vươn lên trong công tác và học tập. Nhiều nhà giáo nỗ lực phấn đấu vào Đảng, coi đây là cơ hội để rèn luyện, trưởng thành và ý thức rõ nhiệm vụ đối với bản thân là sự tiếp nối truyền thống của nhà trường, đơn vị. Mỗi năm, toàn ngành GD và ĐT tỉnh bồi dưỡng, kết nạp 300-500 đảng viên mới.
Thực hiện tốt CVĐ đã góp phần quan trọng tạo chuyển biến trong tinh thần “tự học” của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên. Thực hiện nhiệm vụ “Chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục” theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), các cấp quản lý giáo dục, các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bố trí thời gian để các nhà giáo được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các nhà trường tổ chức cho đội ngũ nhà giáo đăng ký đổi mới theo phương châm: “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”. 100% các nhà giáo đăng ký đổi mới, 100% nhà trường thành lập “các nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển” để hỗ trợ nhau trong công tác chuyên môn.
Thực hiện nội dung “sáng tạo”, mỗi cán bộ quản lý, mỗi nhà giáo đã lựa chọn cho mình cách làm hay, phù hợp, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng mỗi giờ lên lớp, trong công tác chủ nhiệm, trong công tác quản lý, dạy chữ gắn liền với dạy người, nhằm làm chuyển biến chất lượng giáo dục. Từ năm 2020 đến nay, toàn ngành có 54 đơn vị tham gia viết sáng kiến (10 phòng GD và ĐT huyện, thành phố; 43 trường THPT; 1 trung tâm GDTX tỉnh); trong đó 17/54 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong phong trào viết và vận dụng sáng kiến kinh nghiệm (SKKN), được tặng Cờ toàn đoàn; 432/817 sáng kiến được công nhận có phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng cấp ngành của tỉnh; 132 tác giả/nhóm tác giả đạt thành tích xuất sắc trong phong trào viết và vận dụng SKKN, được tặng Giấy khen. Trong số 60 SKKN mà Sở KH và CN công nhận có phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng trên địa bàn tỉnh, có 37 SKKN của ngành Giáo dục. Toàn tỉnh có 18 lượt cán bộ quản lý, giáo viên được Microsoft toàn cầu công nhận là Chuyên gia giáo dục sáng tạo của Microsoft (MIEE).
CVĐ “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã và đang tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của đội ngũ nhà giáo, nhân viên trong toàn ngành về sự cần thiết phải giữ gìn, rèn luyện đạo đức, lối sống; không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; sáng tạo trong các hoạt động giáo dục. Qua đó khơi dậy tinh thần trách nhiệm, lòng nhân ái, tính sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đồng thời có tác dụng tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nền nếp trong các nhà trường. Tiêu biểu như: ngành GD và ĐT thành phố Nam Định và các huyện: Trực Ninh, Nam Trực, Giao Thủy, Xuân Trường; các trường: THPT A Hải Hậu, THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT Nguyễn Khuyến; cô giáo Trần Thị Thanh Xuân, thầy Hoàng Văn Cương, thầy Vũ Văn Hợp, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhiều năm liên tục có học sinh giỏi đạt giải quốc gia, khu vực và quốc tế; cô Trần Thị Lan Dung, giáo viên Trường THPT Nguyễn Khuyến có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận cấp tỉnh, đạt thành tích cao trong hướng dẫn học sinh thi sáng kiến KHKT cấp quốc gia; cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”. Năm 2021 các cô Lê Thị Phương Dung, Trường THPT Nguyễn Khuyến và cô Vũ Thị Hương, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thành phố Nam Định) là 2 nữ cán bộ quản lý tiêu biểu được Bộ GD và ĐT vinh danh... Từ những đóng góp lao động sáng tạo đó của các thầy cô, chất lượng giáo dục ở các ngành học, cấp học của tỉnh được nâng lên rõ rệt, đưa giáo dục tỉnh ta vào trong nhóm các tỉnh có nền giáo dục đứng đầu cả nước, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để tiếp tục thực hiện tốt sứ mệnh “trồng người”, đưa chất lượng giáo dục của tỉnh phát triển trong giai đoạn mới, thời gian tới toàn ngành tiếp tục triển khai cụ thể hóa nội dung rèn luyện đạo đức, tự học, sáng tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trở thành nhiệm vụ và hoạt động thường xuyên của mỗi nhà giáo. Kết quả thực hiện của mỗi nhà giáo là một tiêu chuẩn đánh giá của cán bộ, giáo viên theo chuẩn; cơ sở xét thi đua của tập thể, cá nhân trong cả năm học. Mỗi trường học, đơn vị giáo dục, căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho phù hợp, trên cơ sở những tiêu chuẩn cụ thể về đạo đức, về tự học, về tính sáng tạo. Mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần ý thức rõ vai trò và trọng trách của mình, nỗ lực thi đua dạy tốt. Không ngừng rèn luyện đạo đức, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, lý tưởng nghề nghiệp, năng lực sư phạm, chú trọng giữ gìn nhân cách, tạo dựng hình tượng cao đẹp về người thầy trong xã hội để mỗi thầy, cô giáo thực sự là một “tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, xứng đáng với lòng tin yêu, quý trọng của học trò, đồng nghiệp và nhân dân./.
Bài và ảnh: Minh Thuận