Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh, thành phố Nam Định có nhiều tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch kết nối, chạy qua địa bàn như các Quốc lộ 10, 21; tỉnh lộ 490C; trong nội thành có 319 tuyến đường phố, 1 nhà ga đường sắt, 1 cảng bến thuỷ nội địa và 1 bến xe khách. Những năm qua, cùng với huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thành phố Nam Định đã thực hiện tốt Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” mà trọng tâm là phong trào thi đua xây dựng văn hoá giao thông gắn với xây dựng văn minh đô thị.
Thi công tuyến đường gom trên Quốc lộ 10 đoạn qua địa bàn thành phố Nam Định góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông. |
Đồng chí Ngô Huy Mẫn, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Vị Hoàng cho biết: Nằm ở vị trí trung tâm thành phố Nam Định, trên diện tích 0,8km2 phường có 12 tuyến đường phố, hơn 80% hộ dân sinh sống ở mặt các tuyến phố tham gia kinh doanh buôn bán; địa bàn lại tập trung nhiều trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp và các khu vui chơi, giải trí tập trung đông người… nên địa bàn phường được xác định là trọng điểm an ninh trật tự, ATGT của thành phố Nam Định. Thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và chủ trương xây dựng văn hoá giao thông gắn với văn minh đô thị, hàng năm, Đảng uỷ phường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT với mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, không để xảy ra ùn tắc giao thông. 100% đảng viên đăng ký cam kết không vi phạm quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị. Phường đã tổ chức 10 hội nghị cấp phường, 20 hội nghị tại các khu dân cư, tổ dân phố tập trung giải quyết các điểm vi phạm trật tự ATGT… Nhờ đó, trong 10 năm qua, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn phường giảm theo từng năm, chỉ xảy ra 85 vụ tai nạn và va chạm giao thông chủ yếu liên quan đến phương tiện xe máy; trong 3 năm gần đây không xảy ra tai nạn giao thông làm chết người, không xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn phường. Nhờ chủ động các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người dân được nâng cao, trật tự công công, trật tự đô thị được duy trì ổn định và đi vào nền nếp.
Đồng chí Vũ Ngọc Phi, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ khẳng định: Triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW và chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thành uỷ đã chỉ đạo quán triệt tới các đảng bộ, chi bộ trực thuộc và các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn. Thành phố đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, học sinh, sinh viên… với 50 buổi tuyên truyền chuyên đề trực tiếp; 120 thông báo về tình hình đảm bảo trật tự ATGT trên hệ thống loa truyền thanh và tại các chốt giao thông chính, 60 tin, bài đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức cho 10.135 lượt tổ chức, cá nhân ký cam kết chấp hành pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự gắn với đảm bảo trật tự ATGT. Thành phố đã chỉ đạo lực lượng công an xây dựng các phương án, kế hoạch huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tổ chức tuần tra, khép kín địa bàn 24/24 giờ để đảm bảo trật tự ATGT, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đoàn khách trong nước, quốc tế và các sự kiện chính trị, hoạt động lễ hội, văn hoá, nghệ thuật, thể thao và các dịp lễ, tết. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến rõ nét, ý thức của hầu hết người tham gia giao thông cơ bản được nâng cao: số người vi phạm quy định không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông giảm hẳn; tình trạng người điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép nhiều năm liền không xảy ra; tình trạng xe cơ giới chở quá tải trọng lưu thông tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự ATGT, làm hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã được hạn chế, giảm thiểu đáng kể; không xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân. Nhờ các giải pháp đồng bộ, quyết liệt trên, trong nhiều năm qua, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố đã được kiềm chế và kéo giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Qua thực tiễn triển khai thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW, thành phố Nam Định đã đúc kết và rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT, xây dựng văn hoá giao thông gắn với văn minh đô thị. Trước hết là huy động được sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị, từ cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể, quần chúng nhân dân trong công tác đảm bảo trật tự ATGT. Thành phố xác định bảo đảm trật tự ATGT là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nên định kỳ hàng năm đã xây dựng chương trình, kế hoạch trong đó giao rõ chỉ tiêu thực hiện cụ thể: phấn đấu hàng năm kiềm chế, kéo giảm từ 5-10% số vụ tai nạn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài. Để thực hiện được mục tiêu đó, thành phố quy định rõ, giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu cấp uỷ Đảng, chính quyền các đơn vị, địa phương nếu để tình trạng phức tạp về trật tự ATGT ở đơn vị, địa phương phụ trách thì phải chịu trách nhiệm và có hình thức kỷ luật về Đảng và chính quyền. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo trật tự ATGT, Thành uỷ, UBND thành phố đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ như: Công an thành phố có vai trò nòng cốt trong công tác đảm bảo trật tự ATGT gắn với đảm bảo trật tự đô thị; chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm túc việc khám và cấp giấy khám sức khoẻ cho người điều khiển phương tiện và người tham gia học lái xe. Phối hợp với các lực lượng chức năng Công an tỉnh, Thanh tra Giao thông (Sở GTVT) trong kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về sử dụng ma tuý, nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông… Cùng với đó, thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác lập lại trật tự giao thông đô thị; thường xuyên kiên quyết giải toả các vi phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… Giao cho người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc đảm bảo trật tự giao thông đô thị tại địa bàn phụ trách. Thường xuyên phối hợp với ngành GTVT rà soát, phát hiện và xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, khắc phục các bất cập về tổ chức giao thông trên các tuyến đường, bổ sung đầy đủ hệ thống biển báo giao thông, lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu tại các nút giao đồng mức và nghiên cứu xây dựng quy hoạch các bãi đỗ xe, chợ để giải quyết dứt điểm tình trạng chợ tạm, chợ tự phát, lối đi tự mở qua đường sắt… nâng cao điều kiện an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới thành phố Nam Định chủ trương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT, đẩy mạnh phong trào xây dựng văn hoá giao thông, văn minh đô thị để kéo giảm tai nạn giao thông góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thành phố Nam Định xứng đáng là đô thị văn minh, hiện đại, an toàn của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thành Trung