Hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội

08:00, 13/10/2022

Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, giai đoạn 2017-2021” (Đề án 938), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, việc làm thiết thực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của hội viên.

Cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh được tư vấn, khám sức khỏe định kỳ.

Triển khai Đề án, hàng năm Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thành phố, đơn vị thực hiện gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động của Hội và phong trào “Phụ nữ Nam Định chung sức xây dựng Nông thôn mới (NTM)”. Đồng thời ban hành các văn bản, kế hoạch thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy liên quan đến công tác gia đình, trẻ em; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Đề án, thu hút 402.902 hội viên phụ nữ dự nghe, đạt 96% tổng số cán bộ, hội viên toàn tỉnh. Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các sở: Nội vụ, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh tổ chức các hội nghị tuyên truyền về Đề án gắn với chủ đề hàng năm như: “Giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Phụ nữ với an toàn thực phẩm”, “ Giáo dục cha mẹ chăm sóc trẻ em phát triển toàn diện”, “Phòng chống bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới”...; phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tuyên truyền về Đề án. Từ năm 2017 đến nay, đã đăng tải 1.949 tin, bài về hoạt động của các các cấp Hội tham gia thực hiện Đề án trên trang website của Hội LHPN tỉnh; phối hợp với Đài PT và TH tỉnh xây dựng 154 phóng sự phát sóng hàng tháng trên chuyên mục “Phụ nữ Việt”; đăng 267 bài viết trên chuyên trang của Báo Nam Định, Báo Phụ nữ Việt Nam… 

Ngoài ra, các cấp Hội còn mời các chuyên gia, diễn giả, báo cáo viên trao đổi chia sẻ về các vấn đề: giáo dục về giá trị gia đình; phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm trong tình hình mới; chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em... Tổ chức các diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu trực tuyến nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, các kỹ năng tới hội viên phụ nữ và cộng đồng. Trong 5 năm trở lại đây, các cấp Hội đã tổ chức 1.590 hội nghị và 635 cuộc truyền thông, duy trì sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt các mô hình, câu lạc bộ tại 100% chi Hội nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án. Phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, thu hút 61.750 hội viên, phụ nữ tham gia. 

Cùng với công tác tuyên truyền, triển khai Đề án 938, Hội LHPN tỉnh còn xây dựng, duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ. Theo đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung ương Hội tổ chức hội nghị tập huấn hướng dẫn triển khai, nhân rộng mô hình nhóm cha mẹ về chăm sóc, giáo dục trẻ em cho cán bộ chuyên trách Hội cấp tỉnh, 10 huyện, thành phố và các cơ sở điểm của tỉnh nhằm cung cấp các kiến thức, nội dung về chăm sóc và phát triển trẻ thơ từ 0-8 tuổi. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 2.563 nhóm cha mẹ thuộc các địa bàn dân cư, thông qua đó tuyên truyền, giáo dục cho cha mẹ có kiến thức, phương pháp chăm sóc để con có điều kiện phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao nhận thức pháp luật cho hội viên phụ nữ, đặc biệt là giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, Hội Phụ nữ các cấp còn thành lập, duy trì hoạt động của 2 tổ tư vấn pháp luật tại xã Trực Chính (Trực Ninh) và xã Tam Thanh (Vụ Bản). Thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, toàn tỉnh đã duy trì hiệu quả hoạt động mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng NTM” tại 100% chi hội phụ nữ. 100% cơ sở Hội xây dựng và củng cố được 349 mô hình hiệu quả về an toàn cho phụ nữ và trẻ em; duy trì và củng cố hoạt động của 485 mô hình “Địa chỉ tin cậy”... thu hút 337.500 phụ nữ tham gia.

Trong quá trình triển khai Đề án, các cấp Hội còn tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ. Theo đó, các địa phương đã tạo điều kiện cho cán bộ Hội các cấp tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức, kỹ năng liên quan đến hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan trực tiếp đến phụ nữ. Trên cơ sở đó, 10/10 huyện, thành Hội đã tổ chức tập huấn cho Ban thường vụ, chi hội trưởng phụ nữ nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, hội viên, đặc biệt là đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội có thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết tình huống tại cơ sở; phát hiện và báo cáo kịp thời các vụ việc; tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phòng, chống bạo lực gia đình, mua bán người. Cùng với đó, các cấp Hội tổ chức các hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật về các chủ đề của Đề án. Xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực giới, bạo lực gia đình phục vụ cho hoạt động vận động chính sách. Hàng năm, các cấp Hội lựa chọn các vấn đề ưu tiên để giám sát, tập trung đẩy mạnh công tác giám sát, đối thoại chính sách, đề xuất chính sách có liên quan đến phụ nữ và các vấn đề thiết thân của phụ nữ. Kết quả, đã phối hợp tổ chức và tham gia 1.138 cuộc giám sát. Tổ chức 13 cuộc phản biện, đóng góp vào các dự thảo luật, trong đó có các dự thảo luật sửa đổi có liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Thông qua hoạt động giám sát, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã phát hiện một số vấn đề bất cập, kịp thời phản ánh, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, cùng với các cấp, các ngành chức năng có ý kiến đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chương trình, nghị quyết, kế hoạch có liên quan đến chế độ chính sách, công tác bổ nhiệm cán bộ đối với cán bộ nữ, cán bộ Hội và các vấn đề an sinh xã hội...

Sau gần 5 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, giai đoạn 2017-2021” đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của người dân, phụ nữ về ý thức chấp hành pháp luật. Từ đó, phát huy tính chủ động của phụ nữ trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực, nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài và ảnh: Hoa Quyên

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com