Đổi mới phương pháp dạy học trong các trường THPT

08:06, 31/10/2022

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT): Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; những năm qua, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học.

Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản) trong giờ học Toán.
Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản) trong giờ học Toán.

Các trường THPT đã tập trung hướng dẫn học sinh tự học trên cơ sở kiến thức khung sách giáo khoa; xây dựng các tập thể học sinh tự quản, đổi mới không gian lớp học để hỗ trợ các hoạt động giáo dục. Giáo viên chuyển từ vai trò là người truyền đạt kiến thức sang là người tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ hoạt động học dựa theo sách giáo khoa và sách giáo viên... Để khuyến khích và tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, Sở GD và ĐT chỉ đạo các nhà trường hướng dẫn học sinh lựa chọn phương pháp học tập, coi trọng tự học và biết cách xây dựng các bộ tài liệu chuyên môn; hướng dẫn về phương pháp học tập, biết cách tự học, tiếp nhận kiến thức, rèn luyện kỹ năng, tự đánh giá kết quả học tập... Sở chỉ đạo các nhà trường tăng cường nghiên cứu và áp dụng nội dung tập huấn của mô-đun 2 (Đổi mới phương pháp giảng dạy). Các nhà trường, cụm/miền trường đã tích cực tổ chức phối hợp sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, tổ chức dạy thực nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy một số tiết học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; trao đổi, thảo luận, chia sẻ, từ đó triển khai áp dụng rộng rãi trong các nhà trường. Sở GD và ĐT đã tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử cấp tỉnh nhằm tạo cơ hội cho các giáo viên toàn tỉnh nâng cao năng lực đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá. Các trường cũng chủ động, tích cực triển khai thực hiện đổi mới phương pháp dạy học; sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, nhất là đối với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018; chú trọng tổ chức dạy học tích hợp, liên môn như: xây dựng các chủ đề giáo dục STEM trong dạy học các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ, Tin học; lồng ghép nội dung các chuyên đề phòng, chống tham nhũng, đạo đức liêm chính, giáo dục an toàn giao thông, phổ biến pháp luật, tư tưởng chính trị... trong môn Giáo dục công dân; tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường, chủ quyền biên giới, biển đảo trong môn Địa lý; giáo dục An ninh - Quốc phòng trong các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý; lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp... Các đơn vị đã tổ chức dạy học phân hóa theo năng lực học sinh đảm bảo sát đối tượng; chú trọng công tác phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi; chú trọng phương pháp và kỹ thuật tổ chức hoạt động học theo nhóm và hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu, trao đổi và thảo luận.

Các trường THPT đã đạt được nhiều tiến bộ trong đổi mới phương pháp dạy học. Ở những trường đã tích cực bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về đổi mới phương pháp và đầu tư các thiết bị dạy học mới thì tình hình sử dụng các phương pháp dạy học được cải thiện. Mặc dù thuyết trình vẫn còn là phương pháp được sử dụng thường xuyên nhất, nhưng đã có sự kết hợp với các phương pháp khác, tăng cường thí nghiệm, thực hành, làm việc nhóm, sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Tiêu biểu như các trường THPT: chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định), Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản), A Hải Hậu (Hải Hậu), Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định), Lê Quý Đôn (Trực Ninh), Giao Thủy (Giao Thủy), Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định), Lý Tự Trọng (Nam Trực)... Năm học 2021-2022, kết quả giáo dục so với năm học 2020-2021 ổn định, tỷ lệ học sinh THPT đạt  học lực Giỏi khối THPT là 42,45%, tăng 7,64% so với năm học trước. 

Thực tiễn cho thấy, nếu được bồi dưỡng về phương pháp dạy học mới và được trang bị các thiết bị dạy học mới thì việc đổi mới phương pháp dạy học ở cấp THPT có chuyển biến khá tốt. Tuy nhiên, việc đổi mới chưa đồng đều ở các nhà trường, ở các khối lớp, còn tình trạng đổi mới mang tính hình thức. Một bộ phận giáo viên có tuổi cao cũng ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp dạy học. Thiết bị đáp ứng việc đổi mới Chương trình GDPT 2018 còn hạn chế ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả đổi mới giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Một số đơn vị chưa quan tâm đến việc tổ chức giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh, một phần do ảnh hưởng dịch bệnh, một phần do các trường xây dựng kế hoạch dạy thêm học thêm quá tải...

Năm học 2022-2023, trong “Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023”, Sở GD và ĐT chỉ đạo các trường THPT xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, thực hiện hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học ở các lớp đang thực hiện Chương trình GDPT 2018, Sở yêu cầu xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, kiểm tra, đánh giá, thiết bị dạy học và học liệu, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh trong quá trình dạy học; việc xây dựng kế hoạch bài giảng bảo đảm đủ thời gian để học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập đã đặt ra, tránh việc áp dụng hình thức, khuôn mẫu trong việc xây dựng kế hoạch bài giảng. Tiến trình dạy học mỗi bài học được xây dựng thành các hoạt động học với mục tiêu, nội dung, sản phẩm học tập cụ thể mà học sinh phải hoàn thành, cách thức thực hiện linh hoạt để phát huy năng lực tự học, chủ động, sáng tạo của học sinh. Khuyến khích tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục, thể thao trên cơ sở tự nguyện của nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và nội dung học tập của học sinh trung học; tăng cường giao lưu, hợp tác nhằm thúc đẩy hứng thú học tập của học sinh, bổ sung hiểu biết về các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc và tinh hoa văn hoá thế giới. Tiếp tục thực hiện tốt việc sử dụng di sản trong dạy học một số môn học, hoạt động giáo dục phù hợp. Thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và quản lý giáo dục của các cấp theo lộ trình, bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quá trình dạy học và quản trị nhà trường. Tiếp tục duy trì và phát triển cộng đồng giáo viên sáng tạo của tỉnh, khuyến khích giáo viên tích cực tổ chức dạy học kết nối xuyên biên giới... 

Đổi mới phương pháp dạy học là nhiệm vụ xuyên suốt của ngành GD và ĐT trong quá trình phát triển. Để đổi mới phương pháp dạy học, các trường THPT trên địa bàn tỉnh không chỉ phải phát triển đội ngũ cán bộ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới, mà còn phải tăng cường các nguồn lực đẩy mạnh giáo dục ngoại khóa, nâng cao chất lượng học ngoại ngữ, tin học; huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội để phát triển sự nghiệp GD và ĐT./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com