Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, ngăn chặn bạo lực học đường

08:14, 11/10/2022

Tăng cường giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh là một trong những giải pháp quan trọng giúp học sinh tránh xa các nguy cơ bạo lực học đường (BLHĐ), được các nhà trường đặc biệt quan tâm, tích cực triển khai ngay từ đầu năm học nhằm xây dựng môi trường học đường thân thiện, an toàn, hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm pháp luật gây nguy hiểm cho việc học tập, rèn luyện phát triển của học sinh. 

Sinh hoạt chuyên đề "Khi tôi 18" - một trong những hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định).

Để thực hiện nhiệm vụ này, các nhà trường căn cứ vào đặc điểm, điều kiện cụ thể của đơn vị, truyền thống văn hóa địa phương và mục tiêu đề ra, từ đó có cách làm sáng tạo đảm bảo hiệu quả. Tại Trường THPT Vũ Văn Hiếu (Hải Hậu), sáng 19-9 vừa qua, nhà trường phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức hội nghị ký cam kết thực hiện pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội và nói chuyện chuyên đề về trật tự an toàn giao thông (ATGT). Tại buổi nói chuyện, đại diện Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Hải Hậu đã tuyên truyền, cung cấp kiến thức pháp luật về trật tự ATGT cho học sinh, nhắc nhở học sinh nêu cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, phòng chống tệ nạn xã hội trong tình hình hiện nay. Đại diện các đơn vị liên quan, lãnh đạo nhà trường, cha mẹ học sinh và học sinh đã ký giao ước cùng phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục con em nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, phòng chống tệ nạn xã hội năm học 2022-2023. Thầy Mai Quảng Đại, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Công tác giáo dục về pháp luật ATGT, phòng chống tệ nạn cho học sinh là một nội dung quan trọng mà nhà trường quan tâm tổ chức thực hiện để đảm bảo an toàn, an ninh trường học. Qua đó giúp học sinh nâng cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, hướng tới môi trường học tập trật tự, kỷ cương, an toàn và văn minh. 

Còn tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản), hàng năm đều đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo đảm an ninh trật tự, ATGT cho học sinh ngay khi bước vào năm học mới. Đồng thời tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học, phòng chống BLHĐ qua việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, các quy định về an ninh trật tự và nội quy của nhà trường; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp học sinh vi phạm nội quy của nhà trường, quy định về an ninh trật tự; tiến hành xây dựng và hoàn thiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường. Trường phối hợp với chính quyền, đoàn thể tại địa phương, đặc biệt là Công an xã Trung Thành và gia đình học sinh để cảnh báo khi có dấu hiệu, ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, nhất là các vụ việc học sinh dùng hung khí, học sinh nữ đánh "hội đồng", quay phim đưa lên mạng internet. Với những nỗ lực đó, nhiều năm nay, trường không xảy ra các vụ việc làm mất an ninh, an toàn trong trường học, không có cá nhân vi phạm pháp luật; ý thức chấp hành nội quy trường lớp, chấp hành pháp luật của giáo viên, học sinh được nâng cao.

 Tại Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Công Trứ (thành phố Nam Định), công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh để ngăn chặn BLHĐ được nhà trường triển khai sâu rộng trong đội ngũ giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh ngay từ đầu năm học, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học, cũng là cơ sở để xem xét đánh giá thi đua đối với các lớp, các học sinh trong nhà trường. Trường thành lập các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, aerobic, yoga... từ đầu năm học, huy động học sinh toàn trường tham gia. Qua đó gắn kết học sinh, tạo sân chơi lành mạnh, tạo dựng môi trường học tập gần gũi, thân thiện cho học sinh. Thông qua các môn học văn hóa, đặc biệt là môn Giáo dục công dân, nhà trường giáo dục, trang bị cho học sinh kiến thức pháp luật liên quan cũng như các kỹ năng sống cần thiết, kỹ năng ứng xử và giải quyết các tình huống trong học tập, sinh hoạt hàng ngày. Phát huy vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của từng học sinh để chia sẻ, an ủi, động viên các em vươn lên. Đặc biệt chú ý học sinh có hoàn cảnh dễ bị tổn thương như: kinh tế gia đình khó khăn, học sinh mồ côi, khuyết tật, gia đình kém hòa thuận, bố mẹ mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm... Tăng cường các hình thức sinh hoạt tổ, nhóm học sinh, nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm lý, tình cảm, từ đó giúp học sinh giải tỏa các căng thẳng về tâm lý, là chỗ dựa tinh thần cho các em những lúc khó khăn. Nếu nhận được thông tin về việc học sinh có mâu thuẫn, xích mích, nguy cơ đánh nhau thì thông tin để có biện pháp giải hòa, tránh để xảy ra đánh nhau; đồng thời thống nhất với phụ huynh phương pháp rèn giũa, giáo dục.

Để thực hiện tốt công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, góp phần ngăn chặn BLHĐ, các nhà trường phối hợp thường xuyên với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương; tổ chức cho học sinh học tập, thảo luận về nội quy, quy định của nhà trường về quyền và nhiệm vụ của người học sinh. Trong đó, đặt yêu cầu cao đối với học sinh trong việc thực hiện và chấp hành các quy định của pháp luật; không gây gổ đánh nhau, kéo băng kết nhóm với các đối tượng ngoài nhà trường. Nghiêm cấm phát tán lên mạng internet những thông tin không lành mạnh, tham gia các trò chơi nguy hiểm, kích động bạo lực. Các trường thành lập Ban thi đua, tổ nền nếp trật tự, đội cờ đỏ nhằm kiểm tra hàng ngày việc chấp hành về nền nếp, trang phục, đầu tóc, giày dép, kiểm tra tác phong khi đến trường của học sinh. Các nhà trường phối hợp với Công an địa phương tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề về các nội dung liên quan tới ATGT, phòng chống tai, tệ nạn xã hội và BLHĐ... Tổ chức các diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với BLHĐ”; phối hợp cụm các trường Đại học - Cao đẳng trên địa bàn tỉnh tổ chức tọa đàm “Bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, xâm hại và chăm sóc sức khỏe sinh sản” thu hút học sinh, sinh viên tham gia, trực tiếp trao đổi chia sẻ thông tin, kiến thức liên quan cần thiết... Chỉ đạo Đoàn trường thường xuyên tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên thực hiện các phong trào thi đua thiết thực như: thực hiện tốt nội quy, quy định của nhà trường, không mang điện thoại, máy nghe nhạc hoặc các thiết bị công nghệ tương tự đến trường; tiết kiệm điện, giữ gìn vệ sinh lớp học, bảo vệ cơ sở vật chất; thực hiện nghiêm túc pháp luật về ATGT… Tổ chức thực hiện các chương trình phát thanh, tuần báo với nhiều nội dung phong phú; cung cấp các thông tin cần thiết, hữu ích giúp định hướng lối sống đẹp cho học sinh, sinh viên. “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, diễn đàn “Xây dựng văn hóa ứng xử học đường”, chương trình “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp - nói không với BLHĐ” là các chương trình thiết thực đối với đoàn viên, thanh niên, học sinh, tạo môi trường, cơ hội cho các em được giao lưu, trao đổi, chia sẻ về các vấn đề xây dựng tình bạn đẹp; biểu hiện của BLHĐ; nguyên nhân, thực trạng, giải pháp, kỹ năng phòng tránh BLHĐ. Qua đó, định hướng cho học sinh những chuẩn mực về ý thức, hành vi trong các mối quan hệ ở trường học. 

Việc các nhà trường chú trọng tổ chức công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh ngay từ đầu năm học góp phần tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh, cảnh báo phòng ngừa sớm các mối nguy hiểm và hậu quả của BLHĐ. Từ đó, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện đảm bảo cho học sinh rèn luyện, phấn đấu và học tập tốt./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com