Với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, nhiều năm qua, các cấp Hội Khuyến học trong tỉnh và các tổ chức thiện nguyện, nhà hảo tâm đã cùng chung một tấm lòng nhân ái nhằm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi vượt khó vươn lên trong học tập và ổn định cuộc sống.
Căn nhà vỏn vẹn khoảng 20m2 nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở đường 19-5, phường Vị Xuyên (thành phố Nam Định) là nơi ở và sinh hoạt của 3 mẹ con em Trần Tiến Đạt. Bao năm qua, ký ức tuổi thơ của Đạt đến nay chỉ có hình ảnh mẹ tảo tần hôm sớm, lam lũ vất vả chăm lo cho hai chị em Đạt bằng tất cả tình yêu thương và sự hy sinh vô bờ. Không tròn vẹn như những người phụ nữ khác có vợ, có chồng đồng lòng xây dựng tổ ấm, chăm lo cho các con, chị Đoàn Thị Bích Hạnh, mẹ của Đạt, gần hai mươi năm nay chỉ một mình gồng gánh nuôi con với 2 bàn tay trắng. Vất vả khuya sớm, bòn mót từng đồng để nuôi các con khôn lớn nhưng chị Hạnh chưa một lời kêu than. Bởi chị em Đạt đều ngoan ngoãn, hiểu chuyện và luôn là động lực tiếp thêm sức mạnh giúp mẹ vượt qua khó khăn. Cuộc sống cứ êm trôi cho đến khi sóng gió bất ngờ ập xuống với mẹ con Đạt khi cách đây hơn hai năm, chị Hạnh được phát hiện mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn 2. Nhận tin dữ từ bệnh viện, mọi thứ như sụp đổ trước mắt chị. Được sự động viên của người thân và đặc biệt là tình mẫu tử thiêng liêng đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực giúp chị dần lấy lại được cân bằng và quyết định làm phẫu thuật. Sau hơn 1 năm chiến đấu với bệnh tật sức khoẻ của chị Hạnh cũng dần ổn định. Tuy không thể lao động được như trước kia nhưng chị vẫn gắng sức làm thêm bằng việc may quần áo ở nhà, kiếm tiền nuôi hai con ăn học. Nhìn mẹ vất vả sớm hôm, ngoài thời gian học chính khoá ở Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định), buổi chiều, tối, Đạt tranh thủ làm thêm công việc bưng bê ở quán ăn phụ giúp mẹ trang trải chi phí việc học cho hai chị em. Ban ngày đi làm, ban đêm là thời gian quý giá để Đạt tranh thủ học tập, trau đồi kiến thức, nuôi dưỡng quyết tâm được bước vào giảng đường đại học. Với đam mê môn vẽ lại sẵn tố chất thông minh, cần cù Đạt đã nuôi ước mơ thi đỗ vào Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tuy vừa học, vừa đi làm nhưng trong suốt 3 năm học tại Trường THPT Nguyễn Huệ, Đạt luôn là học sinh giỏi của lớp. Thành quả cho những nỗ lực của mình, tại kỳ thi tuyển sinh vào đại học vừa qua, em đạt 24,3 điểm. Cánh cửa Trường Đại học Kiến trúc đã rộng mở chào đón cậu học trò giàu nghị lực. Nhưng niềm vui mừng chưa được bao lâu thì nỗi lo không có đủ điều kiện nhập học đã ập đến với em và gia đình. Biết được hoàn cảnh của Đạt, Nhóm thiện nguyện Thiên Trường Nam Định đã kịp thời quyên góp, giúp đỡ em chút kinh phí để chuẩn bị cho việc học tập, nhằm sẻ chia và động viên Đạt vượt qua khó khăn trước mắt vươn lên trong cuộc sống, tiếp tục vững bước theo đuổi ước mơ vào đại học.
Đối với em Phạm Tùng Lâm, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (thành phố Nam Định), mặc dù thiệt thòi khi không có một cơ thể khoẻ mạnh nhưng Tùng Lâm không vì thế mà phó mặc, buông xuôi. Ngược lại, em càng nỗ lực phấn đấu để có được tương lai tươi sáng phía trước. Chứng kiến những bước đi khó khăn của Tùng Lâm, ít ai biết rằng, để đi được trên đôi chân co quắp ấy là cả chặng đường gian nan tập luyện và vượt qua những đau đớn của bản thân. Bà ngoại Phạm Tùng Lâm chia sẻ: Lâm sinh ra vốn khoẻ mạnh bình thường nhưng đến năm gần 2 tuổi bị sốt cao. Sau đó sức khoẻ của em giảm sút hẳn, đôi chân yếu ớt không thể đứng vững. Gia đình đưa em đi khám thì được chẩn đoán bị teo một phần não và liệt nửa người. Những năm tháng dài sau đó, gia đình chạy vạy vay mượn tiền khắp nơi để đưa Lâm đi chữa bệnh nhưng sức khoẻ không mấy cải thiện và đã xác định sống chung với căn bệnh hiểm nghèo. Con mắc bệnh hiểm nghèo trong khi kinh tế gia đình quá khó khăn, mẹ Lâm phải đi làm ăn xa, gửi con cậy nhờ ông bà ngoại chăm sóc. Nhìn đứa cháu nhỏ ngoan ngoãn, khôi ngô không may mắn có được cơ thể khoẻ mạnh, không được nô đùa, chạy nhảy như những đứa trẻ khác, ông bà ngoại Lâm như đứt từng khúc ruột. Mặc dù ông ngoại sức khoẻ yếu, nghỉ mất sức, cả gia đình chỉ trông vào đồng lương hưu ít ỏi hơn 3 triệu đồng của bà nhưng ông bà luôn dành dụm, chắt chiu hết lòng chăm lo, bù đắp cho Lâm, tạo cho Lâm tinh thần lạc quan và lối sống tích cực để em dần làm chủ cuộc sống của mình. Thời gian trôi đi, Lâm ngày một khôn lớn và trưởng thành. Không những thế, Lâm còn là cậu bé ham học nên từ cấp tiểu học đến THPT, em đều được thầy cô và các bạn yêu quý, chia sẻ và động viên em rất nhiều. Chính những tình cảm ấm áp đó đã tiếp thêm nghị lực để Lâm vượt qua những mặc cảm, tự ti về bản thân, vươn lên hoà đồng cùng các bạn. Trong suốt những năm học, Lâm luôn là cậu học trò chăm chỉ, chuyên cần và là tấm gương cho các bạn noi theo. Chứng kiến và cảm phục với hoàn cảnh của Tùng Lâm, trước thềm năm học mới, Nhóm thiện nguyện Thiên Trường Nam Định đã kết nối với Ngân hàng Quân đội (MB Bank) trao tặng học bổng cho em. Món quà ý nghĩa, ấm áp tình người này là nguồn động viên, khích lệ to lớn để em tự tin bước tiếp trên con đường tiếp cận tri thức, thực hiện mơ ước trong tương lai.
Đại diện Nhóm thiện nguyện Thiện Tâm Nam Định trao học bổng hàng tháng của các nhà tài trợ cho 3 em học sinh mồ côi ở huyện Ý Yên. |
Thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh có nhiều chương trình hỗ trợ các em học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường, trên địa bàn tỉnh còn các nhóm thiện nguyện Thiên Trường Nam Định, Thiện Tâm Nam Định, Hội từ thiện Công Bao, nhóm thiện nguyện Hương Từ Bi… cũng thường xuyên có những hoạt động hướng về các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều cá nhân tiêu biểu như hai anh em ông Trần Duyên Tuyến và Trần Duyên Bảy (thành phố Nam Định) nhận đỡ đầu cho 10 em học sinh mồ côi ở thành phố Nam Định, mỗi em 6 triệu đồng/năm cho đến khi các em học xong đại học. Từ năm học 2021-2022, Hội Khuyến học huyện Nam Trực phát động ký kết với các nhà trường để tăng quỹ học bổng ở các đơn vị nhằm trao học bổng, khen thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh giỏi và đỡ đầu cho học sinh mồ côi. Theo đó, 37 em học sinh mồ côi của huyện sẽ được nhận 500 nghìn đồng/tháng. Số tiền ủng hộ do các thầy cô giáo ở các nhà trường có học sinh mồ côi đóng góp, hỗ trợ các em cho đến khi các em học xong THPT. Ở huyện Vụ Bản, Hội Khuyến học huyện đã vận động 11 cơ quan và doanh nghiệp nhận đỡ đầu cho 22 em mồ côi, mỗi em được hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Mới đây, Huyện Đoàn Nam Trực phối hợp với Nhóm thiện nguyện Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) và các nhà tài trợ vừa tổ chức bàn giao ngôi nhà “Khăn quàng đỏ” cho gia đình em Nguyễn Quốc Việt tại xóm Đông Hành Quần, xã Bình Minh. Gia đình em Nguyễn Quốc Việt thuộc diện hộ cận nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, bố mất sớm khi em còn nhỏ; mẹ sức khỏe yếu. 2 mẹ con em Việt sống trong ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn. Với sự giúp đỡ của chính quyền, nhân dân xã Bình Minh, Nhóm thiện nguyện Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, sau hơn 2 tháng triển khai, sửa chữa, đến nay công trình ngôi nhà “Khăn quàng đỏ” đã hoàn thiện, đưa vào sử dụng, tổng kinh phí hơn 70 triệu đồng.
Hiện nay, ngoài các em mồ côi cha hoặc mẹ, toàn tỉnh còn có hơn 300 em học sinh mồ côi cả cha mẹ. Hầu hết các em đều có hoàn cảnh rất khó khăn. Các em phải ở với ông bà nội ngoại, hoặc ở với họ hàng, nhiều em tuy còn nhỏ nhưng phải tự chăm sóc cho nhau. Với những đóng góp của các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm và sự tâm huyết, kiên trì vận động của đội ngũ cán bộ Hội Khuyến học tỉnh đã giúp cho các em có hoàn cảnh đặc biệt yên tâm, phấn khởi đến trường, góp phần tích cực cùng ngành giáo dục thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo./.
Bài và ảnh: Hồng Minh