Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh quan tâm chỉ đạo công đoàn cơ sở triển khai thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể tại các doanh nghiệp, góp phần nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, vừa động viên người lao động yên tâm lao động sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp.
Ký kết Thỏa ước lao động tập thể tại Công ty TNHH Việt Pan-Pacific Nam Định (Nam Trực). |
Đồng chí Vũ Văn Nghĩa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Hàng năm, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố rà soát, đánh giá chất lượng hoạt động thương lượng, ký kết và thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể của các công đoàn cơ sở theo hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ công đoàn cơ sở về kỹ năng thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể đảm bảo quy trình và có nhiều nội dung có lợi hơn cho người lao động; giao chỉ tiêu thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo từng năm, từng giai đoạn cho các công đoàn cơ sở đồng thời chủ động phối hợp với chủ sử dụng lao động tiến hành thương lượng, sửa đổi, bổ sung, ký kết lại thỏa ước đã hết hạn, sắp hết hạn… Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đồng cấp tiến hành giám sát các doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật về nội dung thương lượng, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở lựa chọn công đoàn cơ sở doanh nghiệp làm điểm tổ chức hội nghị người lao động có nội dung tập trung vào thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể…
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều công ty đã xây dựng thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể như: Công ty TNHH Việt Pan-Pacific Nam Định (Nam Trực), Công ty TNHH May mặc dệt kim Smart Shirt Xuân Trường, Công ty Cổ phần Xây dựng Hồng Việt Xuân Trường, Công ty TNHH Geu-lim Culture and Fashion (Vụ Bản), Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam (Nghĩa Hưng), Công ty TNHH Padmac Việt Nam, KCN Bảo Minh (Vụ Bản). Công ty TNHH Fan Sheng (Việt Nam) Textile ở xóm 8, xã Xuân Trung (Xuân Trường) sản xuất, kinh doanh lĩnh vực may mặc, đi vào hoạt động từ năm 2020, với 100% vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động. Qua khảo sát, người lao động có nguyện vọng tham gia tổ chức công đoàn, công ty có đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở, Công đoàn huyện đã tiếp cận, vận động chủ doanh nghiệp và thực hiện các bước thành lập công đoàn cơ sở. Chị Tống Thị Duyên, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: Từ khi thành lập đến nay, công đoàn công ty đã làm tốt vai trò bảo vệ, chăm lo cho quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động; giám sát và yêu cầu công ty thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định đối với người lao động. Bên cạnh đó, công đoàn công ty còn tham mưu, tổ chức cho doanh nghiệp và người lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể, bản thỏa thuận đều có điều khoản rõ ràng theo quy định của pháp luật và có lợi cho người lao động như: Quy định rõ mức lương cơ bản; chế độ nâng tiền lương, tiền thưởng; cải thiện điều kiện làm việc; trợ cấp khó khăn; thời gian nghỉ ngơi; chế độ ăn ca, thăm hỏi khi ốm đau, hiếu hỉ… Nhờ đó, thời gian qua, nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ những công nhân có hoàn cảnh khó khăn và nhiều đề xuất của người lao động được doanh nghiệp thực hiện đã tạo lòng tin cho công nhân, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, đồng hành với doanh nghiệp cùng phát triển.
Qua thực tế làm điểm của một số doanh nghiệp cho thấy các cuộc đối thoại, thương lượng đều tổ chức theo nhu cầu thực tế của người sử dụng lao động và người lao động, nếu có vấn đề phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tập thể người lao động và đề nghị được đối thoại thì khi đó tổ chức công đoàn sẽ phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đối thoại với người lao động tháo gỡ và giải đáp những thắc mắc giữa hai bên, nhằm hạn chế tối đa xảy ra phản ứng lao động tập thể. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 69 doanh nghiệp xây mới, 156 doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; có 209 doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ, 9 doanh nghiệp tổ chức đối thoại khi có yêu cầu và 3 doanh nghiệp đối thoại khi có vụ việc, có 241 bản thỏa ước lao động tập thể được ký kết và thêm một số nội dung có lợi hơn so với năm 2021 như: hỗ trợ thêm bữa ăn ca; hỗ trợ xăng xe; hỗ trợ theo tiếng làm thêm, chuyên cần. Công đoàn các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Vụ Bản, thành phố Nam Định, Công đoàn ngành Nông nghiệp, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh... đã tích cực đôn đốc công đoàn cơ sở xây dựng thỏa ước lao động tập thể và đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đa số công đoàn các doanh nghiệp đã chủ động yêu cầu với chủ sử dụng lao động tổ chức thương lượng, ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể. Một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả luôn duy trì việc ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể, đồng thời thường xuyên xem xét, sửa đổi, bổ sung nội dung thỏa ước cho phù hợp với tình hình mới.
Để nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện hiệu quả thỏa ước lao động tập thể, thời gian tới, các cấp công đoàn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động và người sử dụng lao động về sự cần thiết, tầm quan trọng của thỏa ước lao động tập thể trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa và ổn định trong doanh nghiệp. Chỉ đạo, hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đề xuất với chủ doanh nghiệp thương lượng, ký kết nâng cao chất lượng các bản thỏa ước lao động tập thể. Tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng đàm phán, thương lượng cho đội ngũ cán bộ công đoàn doanh nghiệp. Chủ động phối hợp với các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động cũng như việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm giữa các bên, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ giúp đời sống người lao động được nâng lên và doanh nghiệp ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Ngọc Linh