Trực Ninh chú trọng việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

08:09, 07/09/2022

Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Trực Ninh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Qua đó đã nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và phát huy vai trò của nhân dân trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Một góc nông thôn mới nâng cao xã Trực Mỹ.  Ảnh: Ngọc Ánh

Một góc nông thôn mới nâng cao xã Trực Mỹ.

Ảnh: Ngọc Ánh

Hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy Trực Ninh thường xuyên quán triệt và triển khai các văn bản của Đảng, Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở; đồng thời chỉ đạo cấp ủy các cấp trong huyện đưa việc thực hiện QCDC vào chương trình công tác, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. HĐND huyện đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân ngày càng đổi mới theo hướng thiết thực, bám sát thực tiễn kết hợp giám sát chuyên đề với nắm bắt kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Thường trực HĐND và các Ban HĐND huyện đã tổ chức 6 cuộc giám sát chuyên đề, tiếp nhận và giải quyết 72 kiến nghị của cử tri. UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban và UBND các xã, thị trấn tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận chính quyền, siết chặt kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ gắn với cải cách hành chính. Hiện nay, toàn huyện có 11/11 cơ quan chuyên môn của huyện, 21/21 xã, thị trấn đã thực hiện cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Các tổ chức liên quan, cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, có thái độ tôn trọng công dân, giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền; không gây phiền hà, sách nhiễu cho tổ chức, cá nhân. Năm 2021, chỉ số cải cách hành chính của huyện Trực Ninh tiếp tục xếp thứ 2/10 huyện, thành phố. Bên cạnh đó, công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu cấp ủy Đảng, người đứng đầu cơ quan Nhà nước các cấp với nhân dân, người sử dụng lao động với người lao động được thực hiện đúng quy định, đúng thẩm quyền. 

Cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức chính trị - xã hội cũng thực hiện tốt việc giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư; đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, xa dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên. Từ năm 2021 đến nay, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát được gần 100 cuộc, nội dung liên quan đến việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; các công trình dự án liên quan đến giải phóng mặt bằng; các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19... Mặt khác, Ủy ban MTTQ huyện còn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp trong việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước ở khu dân cư. Đến nay, 100% khu dân cư trong huyện có hương ước, quy ước; có 327 tổ hòa giải với 1.041 thành viên; 21 ban thanh tra nhân dân với 183 thành viên, 21 ban giám sát đầu tư cộng đồng với tổng số 231 thành viên. Thông qua hoạt động các ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, các tổ hòa giải, việc thực hiện hương ước, quy ước đã kịp thời tham gia, phối hợp với chính quyền giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, chủ động giám sát xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương và nâng cao nhận thức, vai trò của nhân dân, của MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội trong phối hợp thực hiện Pháp lệnh Dân chủ ở xã, phường, thị trấn góp phần xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở, huyện Trực Ninh đã tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh toàn dân tham gia thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Nổi bật là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các xã, thị trấn huy động nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí góp phần cải tạo, nâng cấp 546km đường giao thông nông thôn; kiên cố hóa 20,3km kênh cấp 3; cải tạo, nâng cấp 5.365 công trình thủy lợi; lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường giao thông các thôn, tổ dân phố. Việc huy động, sử dụng các khoản đóng góp đảm bảo công khai dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đến nay, 10 xã, thị trấn của huyện đã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã, thị trấn còn lại của huyện được Đoàn thẩm định của tỉnh thẩm định, đánh giá đạt các tiêu chí NTM nâng cao năm 2021; 30 thôn (xóm), tổ dân phố thuộc 20 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Huyện phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM nâng cao trong năm 2022. Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng NTM, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 song kinh tế - xã hội của huyện vẫn duy trì ổn định và có bước phát triển, tốc độ tăng tổng sản phẩm GRDP luôn đạt trên 8%; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt; quốc phòng, an ninh đảm bảo; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước được nâng cao; niềm tin của nhân dân đối với các cấp ủy đảng, chính quyền được củng cố.

Đồng chí Bùi Đức Ngọc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở Trực Ninh cho biết: Thời gian tới, Ban chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở huyện sẽ tham mưu cho cấp ủy tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, người đứng đầu trong các cơ quan của cả hệ thống chính trị và nhân dân về thực hiện QCDC; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với việc triển khai, thực hiện nghị quyết đại hội và kết luận về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiếp tục triển khai thực hiện 2 nghị quyết chuyên đề, 3 chương trình công tác trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XXV) và các phong trào thi đua “Dân vận khéo”; gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”. Phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đẩy mạnh việc thực hiện QCDC ở xã, thị trấn, các cơ quan hành chính Nhà nước, chính quyền các cấp gắn với thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng tiếp công dân, giải quyết kịp thời đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp; tăng cường vai trò của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng trong việc thanh tra, giám sát tại cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; hàng năm, tiến hành sơ kết, tổng kết, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến về thực hiện QCDC ở cơ sở./.

Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com