Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và các nghị quyết, đề án, kế hoạch của huyện 2 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy Xuân Trường đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra nhằm tạo chuyển biến tích cực về kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững.
Phát triển mô hình kinh tế VAC tại hộ nông dân xã Xuân Kiên (Xuân Trường). |
Đồng chí Trần Văn Vỵ, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường cho biết: Xác định giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, ngày 16-5-2022, UBND huyện Xuân Trường ban hành Kế hoạch số 53 về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Xuân Trường. Theo đó phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo duy trì mức giảm hàng năm từ 0,05%-0,1%; đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025). 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và các chính sách giảm nghèo; từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống; đảm bảo giảm nghèo bền vững. Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.
Theo đó, huyện đẩy mạnh cải cách hành chính; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư vào địa bàn huyện theo quy hoạch, nhất là các nhà đầu tư lớn, công nghệ cao, hiện đại để phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tạo nhiều việc làm cho người lao động tại chỗ; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp (CCN) theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đến nay, toàn huyện có 4 CCN tập trung hoạt động hiệu quả là: CCN Xuân Tiến 17,9ha, CCN thị trấn Xuân Trường 13,7ha, CCN Xuân Bắc 2,51ha, CCN Cơ khí đóng tàu thị trấn Xuân Trường 14,9ha; trên 2.700 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 27 nghìn lao động với thu nhập ổn định. Các làng nghề truyền thống của huyện tiếp tục được duy trì, phát triển như: Làng cơ khí Xuân Tiến; làng vận tải thủy Xuân Trung; làng nghề chế biến lâm sản Xuân Bắc; làng nghề sản xuất chế biến hàng thủ công mỹ nghệ từ cói Xuân Ninh... đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tích cực triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện về hỗ trợ nông dân, đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp, xây mới tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp với yêu cầu mới của sản xuất. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, làm thay đổi tư duy sản xuất, tập quán, thói quen canh tác của người dân. Toàn huyện hiện có 15 mô hình liên kết, liên kết chuỗi sản xuất với tổng diện tích trên 300ha (của 5 doanh nghiệp); có trên 100 cá nhân, hộ nông dân tích tụ ruộng đất. 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 3.910 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021; giá trị hàng hóa xuất khẩu quy đổi ước đạt 20,10 triệu USD, bằng 50% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 0,97%.
Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban, 20 xã, thị trấn trong huyện phát động, hưởng ứng sâu rộng các phong trào thi đua: “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Xuân Trường chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu” giai đoạn 2021-2025. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/HU ngày 7-7-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 3-8-2021 của UBND huyện về xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu gắn với phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Các kế hoạch, mục tiêu giảm nghèo bền vững như: hỗ trợ về y tế, giáo dục và đào tạo, học nghề, hỗ trợ về việc làm, nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiền điện sinh hoạt, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế… Thông qua nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đã có hơn 63 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay với số vốn trên 1.608 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ an sinh xã hội, an ninh nông thôn; xây mới 54 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 301 căn nhà cho hộ nghèo, tạo việc làm cho 1.900 lao động và 25 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn để phục vụ học tập. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội; vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tiếp tục triển khai cuộc vận động “Vì người nghèo” nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo”. Những tháng đầu năm 2022, MTTQ và các tổ chức thành viên từ huyện đến các xã, thị trấn triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho các gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn: Tổ chức thăm, tặng 941 suất quà cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá 365,3 triệu đồng (trong đó Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh, huyện tặng 225 suất quà trị giá 160,5 triệu đồng). Các tổ chức thành viên tặng 1.564 suất quà tổng trị giá 666 triệu đồng; các doanh nghiệp tặng 1.620 suất quà tổng trị giá 621,9 triệu đồng. Hỗ trợ 500 đoàn viên, hội viên, công nhân viên chức, người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo 5.000kg gạo từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”.
Để tiếp tục thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch công tác giảm nghèo, lãnh đạo huyện cho biết, cấp ủy, chính quyền các cấp của huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, lồng ghép các chính sách, chương trình dự án để tạo nhiều nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách, mục tiêu về giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả. Mở rộng và tạo điều kiện để thu hút sự tham gia của người dân vào các hoạt động của chương trình giảm nghèo từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện chương trình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chương trình giảm nghèo ở các cấp, phát huy quyền giám sát của người dân trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo đối với hộ nghèo, người nghèo được thụ hưởng. Thực hiện tốt chính sách đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc hộ nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường học, lớp học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề; gắn dạy nghề với tạo việc làm đối với lao động nghèo./.
Bài và ảnh: Việt Thắng