Phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

08:09, 22/09/2022

Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng cường xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái trong cộng đồng, vun đắp sự hòa thuận, hạnh phúc cho từng gia đình và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhờ làm tốt công tác vận động, thuyết phục, người dân xã Nghĩa Hồng đã chủ động hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Nhờ làm tốt công tác vận động, thuyết phục, người dân xã Nghĩa Hồng đã chủ động hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Công tác hòa giải các vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, dân sự nhỏ… đã được các hòa giải viên tổ hòa giải ở các thôn, xóm, khu dân cư phối hợp cùng cán bộ các xã, thị trấn trong huyện phân tích khéo léo, giải thích hợp tình, hợp lý, giải quyết dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở” đã góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật, hạn chế được đơn thư khiếu nại vượt cấp. Tiêu biểu như việc hòa giải thành công vụ việc mâu thuẫn kéo dài gần 1 năm giữa gia đình bà Nguyễn Thị H và gia đình bà Phạm Thị Đ ở xã Nghĩa Sơn. Do ở cạnh nhau, thời gian gia đình bà H xây nhà, nhiều lần vật liệu xây dựng gạch, xi măng, cát, đá được tập kết cùng lúc, gia đình bà H chưa kịp sắp xếp để tràn sang trước cửa nhà bà Đ dẫn tới hai bên xảy ra to tiếng, con trai bà H và con trai bà Đ ẩu đả lẫn nhau. Nhận được tin báo, các thành viên trong tổ hòa giải đã đến nhà hai bà tìm hiểu nguồn gốc sự việc, rồi phân tích, thuyết phục trên cơ sở các kiến thức pháp luật và mối quan hệ tình làng nghĩa xóm. Được vận động, bà H đã cùng tổ hòa giải sang giải thích, cùng với con xin lỗi gia đình bà Đ. Hai bà cùng nhận ra sai lầm của mình vì một chút cố chấp mà dẫn đến mâu thuẫn không đáng có giữa hai nhà… Ông Trần Văn Mai, thành viên tổ hòa giải xã Nghĩa Sơn chia sẻ: “Hơn 10 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, ông thấy bà con trong thôn, xóm nhiều khi chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt, nhưng do không biết phân định đúng sai nên dẫn đến tranh cãi, gây mâu thuẫn rồi kiện tụng nhau làm mất tình làng nghĩa xóm. Để hòa giải thành công những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, trước hết người làm công tác hòa giải phải thường xuyên nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, cùng với đó phải có sự bàn bạc, thống nhất trong cách làm của các thành viên trong tổ và đảm bảo tính khách quan, công tâm để tháo gỡ khúc mắc giữa các bên một cách thỏa đáng, tránh kiện tụng vượt cấp, hàn gắn tình làng, nghĩa xóm...

Trong các vụ, việc mâu thuẫn, khó hòa giải nhất là liên quan đến kinh tế. Nhiều vụ, việc các bên phải kéo nhau ra tòa giải quyết để phân định đúng sai. Thường đối với những vụ việc như vậy, tổ hòa giải luôn tích cực vào cuộc, mời các bên có liên quan đến làm việc, hàn gắn mâu thuẫn. Trong đợt mưa lớn kéo dài 2 ngày mùng 8 và mùng 9-9, bức tường đơn của nhà ông A ở xã Nghĩa Lạc do dòng nước chảy xói vào chân tường cộng với gió giật mạnh làm một phần đoạn tường yếu đổ sang vườn trồng rau của nhà ông K. Ông A đồng ý bồi thường phần rau màu bị dập nát, đồng thời đề nghị ông K góp tiền xây lại thành bức tường đôi. Ông K không đồng ý vì nghĩ rằng bức tường ấy vốn dĩ là ông A phải xây lại, nên dẫn đến mâu thuẫn. Trước sự việc trên, tổ hòa giải của thôn đã đến nắm tình hình, sau khi nghe nguyện vọng của 2 ông và tham khảo ý kiến của cán bộ xã, tổ hòa giải đã đến từng nhà phân tích sự việc và đưa ra phương pháp giải quyết hợp tình hợp lý để 2 ông tham khảo. Qua 4 lần đến gặp gỡ hòa giải, cuối cùng ông K cũng đồng ý cùng ông A góp tiền xây lại bức tường đôi chắc chắn và mâu thuẫn được hóa giải.

Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: Để công tác hòa giải đạt hiệu quả cao, hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện, UBND các xã, thị trấn thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ hòa giải tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là công tác hòa giải ở cơ sở, thường xuyên quan tâm củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải. Đến nay, toàn huyện đã kiện toàn được 226 tổ hòa giải với 2.219 hòa giải viên; thành phần tham gia tổ hòa giải là bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm, tổ dân phố, cán bộ MTTQ, chức sắc tôn giáo, thanh niên, phụ nữ và những người có uy tín trong cộng đồng. Các hòa giải viên được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải và cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hòa giải, hôn nhân và gia đình, tranh chấp đất đai… Qua đó, giúp các hòa giải viên nắm bắt, cập nhật kịp thời các kiến thức pháp luật, kinh nghiệm và kỹ năng hòa giải.

Bên cạnh việc áp dụng vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, phong tục tập quán tốt đẹp để tác động đến tâm tư, tình cảm của các bên, khơi dậy suy nghĩ tình cảm tích cực, các hòa giải viên còn vận dụng các quy định pháp luật để giải thích, tư vấn, hướng dẫn các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình để lựa chọn, dàn xếp ổn thỏa mâu thuẫn, tranh chấp. Trong năm 2021 và quý I năm 2022 toàn huyện đã tiếp nhận hơn 250 vụ việc, trong đó đã hòa giải thành hơn 200 vụ việc. Những kết quả đạt được trong công tác hòa giải đã góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đến nay, huyện đã có 3 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 21 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 73 trường học, 62 cơ quan, đơn vị, 25 trạm y tế xã đạt chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 100%); 288/293 làng, thôn, xóm, tổ dân phố hoàn thành xây dựng nhà văn hóa (đạt 98,3%); 100% thôn, xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa nông thôn mới”; 91% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa nông thôn mới”./.

Bài và ảnh: Ngọc Linh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com