Từng là người lính chiến đấu trên chiến trường trở về với di chứng của chất độc da cam nên ông Hoàng Đình Nhân, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin phường Trường Thi (thành phố Nam Định) thấu hiểu hơn ai hết những mất mát, hy sinh do chiến tranh để lại. Nén đau thương của bản thân, ông tận tâm, hết mình nỗ lực tổ chức các hoạt động chăm sóc, bảo vệ quyền lợi cho hội viên.
Ông Hoàng Đình Nhân lên kế hoạch chuẩn bị huy động hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở địa phương. |
Năm 1969, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Nhân lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đoàn 559 chiến đấu tại đường 9 Nam Lào rồi vào chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, Tây Ninh. Sau giải phóng, năm 1979, ông được chuyển về công tác tại Công ty Vật tư tổng hợp xây dựng huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Với 10 năm trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường, ông Nhân mang nhiều di chứng hằn sâu trên cơ thể, bị nhiễm chất độc da cam, ảnh hưởng tới sức khỏe, thần kinh của các con. Năm 1993, ông về nghỉ hưu tại thành phố Nam Định trong điều kiện kinh tế gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Vợ ông làm công nhân, đồng lương thấp trong khi 2 con bị bệnh về cột sống và bệnh thần kinh. Các con phải trải qua nhiều đợt điều trị dài ngày tại các bệnh viện lớn, tuy vậy sức khỏe vẫn không có biến chuyển. Để có tiền chữa bệnh cho con, ông đã phải làm thuê đủ nghề để có thêm thu nhập, góp phần chăm sóc sức khỏe cho các con.
Dù điều kiện gia đình còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần vì cộng đồng, ông vẫn dành thời gian để tham gia công tác tại khu dân cư. Năm 2000, ông được tín nhiệm bầu là Đảng ủy viên, tham gia HĐND phường Trường Thi. Ông lần lượt trải qua các vị trí công tác như: tổ phó tổ dân phố, phó bí thư chi bộ miền 2A, Trưởng an ninh miền 2A, Bí thư chi bộ miền 2A... Năm 2009, khi thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin phường Trường Thi, lúc đó ông Nhân đang là đảng uỷ viên, bí thư chi bộ miền 2A, được phường tín nhiệm cử phụ trách Hội. Năm 2011, tại Đại hội lần thứ nhất Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin phường Trường Thi, ông được bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2011-2016 và tiếp tục được tín nhiệm bầu tái cử nhiệm kỳ 2017-2022. Từ khi thành lập Hội cho đến nay, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Hội cấp trên và Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội của phường đã hỗ trợ, giúp đỡ Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Từ khi Hội chỉ có 27 hội viên là nạn nhân chất độc da cam trực tiếp tham gia, trong đó có 5 hội viên ốm đau nhiều không tham gia hội họp được; 32 nạn nhân gián tiếp đều bị thần kinh, tàn tật, điều kiện kinh tế gia đình đều khó khăn cả về vật chất và tinh thần không gì bù đắp được. Qua nhiều lần rà soát, kết nạp mới và tổ chức các hoạt động bảo vệ quyền lợi cho hội viên, đến nay, toàn phường có 105 người được hưởng chế độ chất độc da cam/đi-ô-xin; trong đó có 52 người hưởng chế độ thương binh và chất độc da cam, 53 người hưởng chế độ da cam. Nạn nhân gián tiếp là con, cháu có 30 người. Hiện tại phường có 4 gia đình nạn nhân bố mẹ đã mất, trong đó có 1 gia đình nạn nhân có vợ chăm sóc, giúp đỡ hàng ngày, còn 3 gia đình được anh em đến chăm sóc và nuôi dưỡng. Do phần lớn hội viên đều đã cao tuổi, tham gia hoạt động hội trên tinh thần tự nguyện, tự chủ về kinh tế nên Hội còn gặp nhiều khó khăn. Để tổ chức Hội hoạt động hiệu quả, ông Nhân đã tham mưu với Đảng ủy, UBND phường xây dựng Quỹ chăm sóc nạn nhân da cam/đi-ô-xin và kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, các gia đình có kinh tế khá giả trên địa bàn quyên góp, ủng hộ, trở thành một trong những phường có Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin cao nhất thành phố. Hàng năm, quỹ có từ 40-50 triệu đồng để tổ chức các hoạt động có ý nghĩa nhằm động viên, thăm hỏi các hội viên ốm đau, bệnh tật và không may qua đời; giúp đỡ cho các gia đình nạn nhân gặp khó khăn đột xuất; tặng quà cho các nạn nhân gián tiếp mỗi dịp lễ, tết. Trong đó, gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, mắc bệnh hiểm nghèo được hỗ trợ từ 1 đến 2 triệu đồng, nạn nhân qua đời được hỗ trợ mức 2 triệu đồng. Bên cạnh đó, với vai trò là chủ tịch Hội, ông Nhân đã phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ đề xuất với Đảng uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ phường tặng quà bằng tiền mặt cho các gia đình nạn nhân chưa có điều kiện mua sắm đồ dùng phục vụ hàng ngày như: nồi cơm điện, bếp gas, chăn màn, két nước inox; hỗ trợ sửa chữa nhà cho 2 gia đình, mỗi gia đình 5 triệu đồng. Ngoài kinh phí hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho nạn nhân của UBND thành phố, phường còn hỗ trợ thêm tiền sửa chữa cho 6 hộ gia đình với số tiền 40 triệu đồng. Ông Nhân chia sẻ: Chiến tranh vốn rất khốc liệt, hầu như chẳng ai bước chân từ chiến trường ra mà không phải chịu thiệt thòi. Người thì hy sinh, người để lại một phần xương máu, người âm thầm mang trong mình vết thương không rỉ máu nhưng dai dẳng và đau đớn cho cả thế hệ sau. Bản thân tôi, sau thời gian dài chăm sóc, điều trị cho con. Cháu lớn dù tật nguyền nhưng đã nỗ lực học tập và thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa. Nhưng do sức khỏe yếu vì ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam/đi-ô-xin nên ra trường chẳng bao lâu con đã không qua khỏi. Cháu thứ hai hiện tại bị ảnh hưởng đến thần kinh. Mặc dù vậy, so với nhiều nạn nhân, tôi vẫn còn có sức khỏe nên tôi sẽ tiếp tục cùng các cấp, các ngành thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hội viên.
Với những việc làm bình dị, thầm lặng mà ý nghĩa, ông Hoàng Đình Nhân đã được Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam tặng Kỷ niệm chương “Vì nạn nhân chất độc da cam”, được Tỉnh Hội, Thành Hội tặng nhiều giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội. Niềm vui sống của mỗi hội viên chính là động lực giúp ông có thêm niềm tin, tiếp tục đồng hành cùng các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, bù đắp phần nào và xoa dịu những thiệt thòi, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống./.
Bài và ảnh: Hồng Minh