Những điểm mới căn bản
Biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội STEM các trường tiểu học huyện Nam Trực năm 2022. |
Ngày 26-12-2018, Bộ GD và ĐT ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT về Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. So với Chương trình GDPT 2006, Chương trình GDPT 2018 có một số đổi mới cơ bản, bảo đảm sự hài hòa, thống nhất trong từng môn học, giữa các môn học, trong từng lớp, từng cấp và giữa các lớp, các cấp học; từ đó khắc phục tình trạng chương trình cắt khúc, chồng lấn nhau giữa môn học này với môn học khác của chương trình cũ. Định hướng giáo dục phát triển phẩm chất năng lực học sinh: chuyển từ coi trọng trang bị kiến thức sang phát triển phẩm chất năng lực trên cơ sở trang bị kiến thức. Coi trọng trải nghiệm sáng tạo: chú trọng hơn việc rèn luyện cho học sinh sự năng động, có tư duy độc lập, có khả năng phát hiện, giải quyết vấn đề, hợp tác làm việc theo nhóm. Tăng sự hứng thú học tập cho học sinh: Với chương trình mới, hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá phong phú hơn, theo hướng phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học. Phân hóa dần ở cấp học bên trên: nếu như trước đây, chương trình học tập liền một mạch từ lớp 1 đến lớp 12, do đó việc phân luồng khó khăn. Thì nay, Chương trình GDPT 12 năm được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm); giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm). Chương trình GDPT 2018 được tiến hành thực nghiệm ngay trong quá trình xây dựng chương trình và do các tác giả chương trình thực hiện. Nội dung thực nghiệm tập trung vào những vấn đề mới so với chương trình hiện hành; trong đó, đặc biệt chú trọng thực nghiệm những hình thức hoạt động giáo dục, dạy học mới; những yêu cầu cần đạt của mỗi chương trình môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo; xác định mức độ phù hợp của yêu cầu cần đạt của chương trình với khả năng nhận thức và điều kiện của học sinh.
Khắc phục khó khăn, coi trọng chất lượng, hiệu quả giáo dục và quyền lợi của học sinh
Từ năm học 2020-2021 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở các khối lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10. Tỉnh và ngành GD và ĐT đã chủ động đảm bảo các điều kiện thiết yếu, kịp thời điều chỉnh, xử lý các vướng mắc phát sinh trên cơ sở coi trọng chất lượng, hiệu quả giáo dục và quyền lợi của học sinh. Theo lộ trình, năm học 2022-2023, Chương trình GDPT 2018 triển khai ở khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10 và học sinh học sách giáo khoa (SGK) mới. Kèm theo đó là những yêu cầu mới về cách tổ chức dạy học, trang thiết bị để phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của học sinh.
Để triển khai Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả, Sở GD và ĐT đã phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Báo Nam Định, Đài PT và TH tỉnh truyền thông về thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018; chỉ đạo các Phòng GD và ĐT huyện, thành phố yêu cầu các nhà trường tích cực, chủ động tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, các tổ chức xã hội tại địa phương và cộng đồng dân cư trong quá trình triển khai thực hiện chương trình. Ban hành các văn bản kịp thời, đúng quy định để tổ chức triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, UBND tỉnh. Thực hiện rà soát, sắp xếp đội ngũ nhằm khắc phục tình trạng không cân đối giáo viên ở một số trường; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học, đáp ứng điều kiện để thực hiện; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; thực hiện bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Hiện các trường đều có máy vi tính nối mạng internet phục vụ các hoạt động giáo dục; Thư viện trường, thư viện lớp đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập của cán bộ, giáo viên và học sinh. Giáo viên cấp tiểu học đã ổn định về đội ngũ, cơ cấu tương đối đầy đủ. Đội ngũ cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên cốt cán các môn học được lựa chọn tham dự các lớp tập huấn do Bộ GD và ĐT, Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT tổ chức để làm nòng cốt tiếp tục bồi dưỡng tại địa phương, đơn vị về định hướng dạy học theo Chương trình GDPT 2018. 100% giáo viên phổ thông được cấp tài khoản LMS.
Trước khi bước vào năm học 2022-2023, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo tổ chức rà soát, thống kê đội ngũ CBQL và giáo viên hiện có; xây dựng kế hoạch phân công giáo viên dạy lớp 3, 7, 10; ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực, nhiệt tình, năng động và có khả năng ứng dụng tốt công nghệ thông tin để giảng dạy Chương trình GDPT 2018. Sau khi tổ chức rà soát, thống kê, UBND các huyện, thành phố tuyển dụng, điều động, biệt phái CBQL, giáo viên đảm bảo đủ số lượng và chủng loại để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Đến nay, về cơ bản đã bố trí đủ đội ngũ để dạy các môn học thuộc Chương trình GDPT 2018. Việc phân công giáo viên cũng tính đến mục tiêu dài hạn những năm tiếp theo.
Cùng với chuẩn bị đội ngũ, các nhà trường rà soát, thống kê, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học; đầu tư sửa chữa và xây mới phòng học, phòng bộ môn. Hiện tại, cơ bản các trường tiểu học đã có đủ phòng học kiên cố. Bậc THCS có tổng số 3.013 phòng học, không còn phòng học tạm; khối phòng chức năng và công trình phục vụ học tập là 1.640; số phòng học bộ môn là 1.050. Bậc THPT có tổng số 1.449 phòng học, không còn phòng học tạm trong toàn tỉnh; khối phòng chức năng và công trình phục vụ học tập 583; số phòng học bộ môn là 419. Các trường khuyến khích giáo viên tích cực sử dụng hình ảnh, video, thí nghiệm mô phỏng để tổ chức dạy học. Việc cung cấp sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10 đảm bảo nghiêm túc, đúng tiến độ.
Tuy nhiên, ở một số trường học vẫn còn bàn ghế xuống cấp, nhiều đồ dùng, thiết bị dạy học cũ, hỏng; cơ sở vật chất phòng học bộ môn, nơi học sinh sẽ làm rất nhiều thí nghiệm, nghiên cứu, đều được trang bị từ nhiều năm trước, có loại không còn phù hợp. Có trường cần có tới 8 phòng bộ môn mới đáp ứng dạy học theo yêu cầu của chương trình mới nhưng mới chỉ có 1-2 phòng tin học nên thiết bị những môn học còn lại phải xếp dồn hết vào một chỗ. Để khắc phục khó khăn, thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở môn Tiếng Anh và Tin học - là môn học bắt buộc ở khối lớp 3, nhiều trường tiểu học đã phải thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, thực hiện vận động tài trợ theo Thông tư 16/BGDĐT để tiếp nhận và đưa vào sử dụng nhiều thiết bị dạy học hiện đại như máy vi tính, ti vi thông minh cho các phòng học, tư vấn cho cha mẹ học sinh mua sắm bộ đồ dùng học tập cho học sinh. Các trường THPT, ở các môn học có nội dung lựa chọn (Công nghệ, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật), các trường khi xây dựng phương án thực hiện năm học này cũng đã tính đến dự báo cho 2 năm học tiếp theo trong Chương trình GDPT 2018 và tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ giúp học sinh trong việc lựa chọn tổ hợp môn học.
Chỉ còn 3 năm học nữa, Chương trình GDPT 2018 sẽ hoàn thành lộ trình triển khai ở tất cả các khối lớp học. Sự quyết tâm của chính quyền các cấp, ngành GD và ĐT và sự ủng hộ của toàn xã hội là rất quan trọng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hoàn thành mục tiêu chương trình đề ra. Với sự chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, sự quyết tâm của toàn ngành GD và ĐT, sự ủng hộ của toàn xã hội, nỗ lực từ mỗi cán bộ, giáo viên, việc thực hiện chương trình sẽ được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Minh Thuận