Cần nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em

06:09, 11/09/2022

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ trẻ em đuối nước, để lại nỗi đau thương, mất mát to lớn cho gia đình, nhà trường cũng như toàn xã hội. Vụ việc mới nhất xảy ra ngay sau ngày khai giảng năm học mới. Chiều ngày 6-9-2022, hai em B.T.N và N.P.L đều là học sinh lớp 6 Trường THCS  Yên Quang (Ý Yên) ra bờ đê ven sông Đáy chơi, không may bị trượt chân ngã xuống sông bị dòng nước cuốn trôi, mất tích. Đến ngày 7-9, các lực lượng tìm kiếm mới tìm thấy hai em đều đã tử vong! Trước đó, cùng trong ngày 11-8, trên địa bàn tỉnh xảy ra 2 vụ đuối nước làm 5 người tử vong. Cụ thể, 1 vụ xảy ra tại xã Nam Phong (thành phố Nam Định) làm 4 người tử vong trên sông Đào (3/4 nạn nhân là học sinh); một vụ xảy ra tại nhánh sông Sò chảy qua địa phận xóm 11, xã Hoành Sơn (Giao Thủy) làm một học sinh 12 tuổi tử vong. 

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Hải Hậu tổ chức Lễ phát động chiến dịch phòng, chống đuối nước trẻ em tại Trường THCS Hải Phương.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND huyện Hải Hậu tổ chức Lễ phát động chiến dịch phòng, chống đuối nước trẻ em tại Trường THCS Hải Phương.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB và XH, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5.515 trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) các loại làm 274 trẻ tử vong; trong đó có 196 trẻ em tử vong do đuối nước. Qua các vụ tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy nguyên nhân phần lớn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc phụ huynh, thiếu người trông coi, chăm sóc, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ để trẻ chơi tự do ở các khu vực sông nước trong khi bản tính trẻ hiếu động, tò mò, nhiều cháu thiếu kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ. Công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ, chăm sóc, phòng, chống TNTT trẻ em nói chung, phòng chống đuối nước (PCĐN) nói riêng, của đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở còn hạn chế, nhân sự liên tục thay đổi, chưa được tập huấn thường xuyên. Nhân lực làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em (BVTE) đã được bố trí từ cấp tỉnh đến cơ sở, tuy nhiên, đội ngũ cán bộ cấp xã phải kiêm nhiệm nhiều việc, cán bộ thường xuyên thay đổi là trở ngại lớn nhất trong việc triển khai tổ chức thực hiện công tác trẻ em nói chung, công tác PCĐN trẻ em nói riêng ở xã, phường, thị trấn; đội ngũ cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tuy đã được bố trí, giao nhiệm vụ từ năm 2013 theo Nghị quyết số 14/2012/NQ-HĐND ngày 7-12-2012 của HĐND tỉnh và Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 22-1-2013 của UBND tỉnh nhưng chưa được bố trí kinh phí và đào tạo chuyên sâu nên công tác theo dõi, nắm tình hình trẻ em còn hạn chế; chủ yếu mới tập trung vào việc tuyên truyền về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Đồng chí Hoàng Đức Trọng, TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết: thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 5-11-2012 của Bộ Chính trị “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và BVTE trong tình hình mới”, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em, giảm thiểu, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị TNTT, đặc biệt là tử vong do đuối nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo, triển khai phòng, chống TNTT trẻ em nói chung và tai nạn đuối nước trẻ em nói riêng. Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 5-10-2021 về phòng, chống TNTT trẻ em tỉnh Nam Định, giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 15-7-2022 về việc triển khai chương trình bơi an toàn, PCĐN trẻ em tỉnh Nam Định, giai đoạn 2022-2030 và nhiều công văn chỉ đạo về công tác phòng, chống TNTT, tai nạn đuối nước trẻ em. Cung cấp gần 150 nghìn tờ rơi, sách mỏng, băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền; phối hợp với các ngành chỉ đạo các địa phương thực hiện mô hình, cắm biển cảnh báo an toàn tại các ao hồ, sông ngòi, khu vực nguy hiểm dễ xảy ra tình trạng đuối nước... Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các sở, ngành tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống TNTT, PCĐN trẻ em cho 478 cán  bộ  cấp  huyện, xã, gần 3.500 cộng tác viên thôn, xóm lồng ghép vào các nội dung tập huấn công tác chăm sóc BVTE; tổ chức 14 lớp tập huấn cho 1.455 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán về công tác an ninh, an toàn trường học và phòng, chống TNTT, đuối nước cho trẻ em, học sinh. Tổ chức 350 cuộc tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hoạt động diễn đàn dành cho trẻ em, sinh hoạt CLB hộ gia đình nghèo phòng tránh TNTT cho trẻ em. Chỉ đạo phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng chống TNTT cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Tổ chức tập huấn chuyên đề cứu hộ đuối nước cho 420 học viên; tập huấn nâng cao kỹ năng BVTE cho 2.000 cha, mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em. Cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn giáo dục phòng tránh đuối nước cho trẻ em, học sinh do Bộ GD và ĐT ban hành đến 100% các cơ sở giáo dục trong tỉnh; trong đó, yêu cầu các cơ sở giáo dục hàng ngày dành 3-5 phút các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường để nhắc nhở, khuyến cáo các em trong thời gian đi và về, nghỉ hè, lễ, tết không chơi đùa nghịch gần ao hồ, sông suối, hố công trình và những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Phối hợp với Sở Y tế tổ chức các chiến dịch truyền thông về phòng chống TNTT trẻ em, đặc biệt là PCĐN trẻ em; tập huấn cho cán bộ nhân viên y tế cơ sở, trường học về phòng chống TNTT trẻ em, cách sơ cứu, cấp cứu ban đầu góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, giảm tỉ lệ tử vong trẻ em. 

UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống TNTT trẻ em; đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức được thực hiện thường xuyên trên hệ thống loa, đài phát thanh huyện, xã để đảm bảo lan tỏa đến đông đảo người dân. Chỉ đạo các ngành chức năng và UBND xã, phường, thị trấn thực hiện rà soát sông, ngòi, ao hồ; cắm biển cảnh báo, rào chắn tại các khu vực nguy hiểm dễ dẫn đến mất an toàn, TNTT cho trẻ em; phối hợp với các ngành hướng dẫn sử dụng các thiết bị bảo hộ an toàn như áo phao, phao bơi, phao nổi đúng cách, kỹ năng sơ cứu ban đầu, hướng xử lý an toàn khi gặp sự cố đuối nước.

Trong 2 năm (2021-2022), tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án “Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để PCĐN trẻ em tỉnh Nam Định” do tổ chức Bloomberg tài trợ tại 6 xã thuộc 2 huyện Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Dự án đã hỗ trợ cải tạo môi trường tại cộng đồng cho các xã dự án; cung cấp 20 nghìn tờ rơi, sách truyền thông hoạt động PCĐN; dạy bơi cho 600 trẻ em; dạy kỹ năng an toàn cho 1.200 trẻ em; triển khai truyền thông cho cộng đồng, huy động nguồn lực của địa phương thực hiện công tác PCĐN trẻ em. Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT và PCĐN trẻ em tại 2 xã Nghĩa Phú, Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng); tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho Ban điều hành Bảo vệ chăm sóc trẻ em và cộng tác viên của 2 xã này; tổ chức cho 1.200 hộ gia đình ký cam kết đảm bảo ngôi nhà an toàn phòng, chống TNTT cho trẻ em.

Để chủ động phòng, chống, giảm thiểu TNTT cho trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước, cần tiếp tục có sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và BVTE trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác PCĐN cho trẻ em và Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19-7-2021 về chương trình phòng chống TNTT trẻ em giai đoạn 2021-2030. Nhân rộng các mô hình PCĐN trẻ em, đặc biệt mô hình dạy bơi an toàn. Xây dựng tài liệu hướng dẫn công tác PCĐN trẻ em, tập trung hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng PCĐN trẻ em; các quy định an toàn PCĐN trẻ em; tài liệu hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước, khung chương trình bơi an toàn, tài liệu hướng dẫn triển khai chương trình bơi an toàn cho trẻ em. Hướng dẫn các cơ sở dịch vụ thể dục thể thao liên quan đến hoạt động bơi, lặn bảo đảm an toàn PCĐN trẻ em; kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn PCĐN trẻ em. Tăng cường công tác kiểm tra và loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại cộng đồng; giám sát, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thi công các công trình không thực hiện các biện pháp an toàn dẫn đến TNTT, đuối nước trẻ em./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com