Công ty Điện lực Nam Định là đơn vị tiêu biểu của tỉnh trong thực hiện công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 với chủ đề “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”; Công ty đã phát động phong trào thi đua “Ngăn chặn tai nạn - Nói không với tai nạn lao động”; tổ chức ký cam kết giữa lãnh đạo đối với các tập thể, cá nhân người lao động về thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, không để xảy ra tai nạn lao động, ngăn chặn triệt để các nguy cơ xảy ra sự cố gây tai nạn lao động, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn cháy nổ. Công đoàn Công ty tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên người lao động tại các đơn vị; tổ chức các buổi đối thoại, lắng nghe các ý kiến, tâm tư nguyện vọng, đề xuất của người lao động về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tốt công tác, dụng cụ làm việc tại hiện trường, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi. Yêu cầu các đơn vị, các tổ, đội tăng cường giám sát các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ, đặc biệt là thực hiện nghiêm các quy trình, quy định, ngăn ngừa sớm, không để xảy ra tai nạn lao động; phối hợp đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ cho đoàn viên, người lao động, tạo môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi nhằm đảm bảo sức khoẻ cho người lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất; góp phần thúc đẩy sự phát triển của Công ty.
Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam là đơn vị tiêu biểu thực hiện nghiêm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong sản xuất, kinh doanh. |
Đồng chí Hoàng Đức Trọng, TUV, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH cho biết: Thực hiện Kế hoạch 519/KH-BCĐTƯ của Ban Chỉ đạo Trung ương và Kế hoạch 43/KH-UBND của UBND tỉnh về triển khai Tháng hành động ATVSLĐ năm 2022, Sở LĐ-TB và XH đã ban hành Công văn số 491/SLĐTBXH-VSATLĐ gửi UBND các huyện, thành phố; Ban quản lý các KCN tỉnh, các cơ quan liên quan hướng dẫn việc tổ chức Tháng hành động đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Theo đó, yêu cầu nâng cao chất lượng tư vấn, quan tâm các địa bàn có đông người lao động làm việc; các ngành nghề có nguy cơ rủi ro cao về ATVSLĐ, bệnh nghề nghiệp. Các hoạt động triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ hướng về người lao động cả trong khu vực có quan hệ hợp đồng lao động và không có quan hệ hợp đồng lao động. Phối hợp với Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục về ATVSLĐ; xây dựng, kẻ vẽ lắp đặt 12.189 khẩu hiệu, băng rôn, pa-nô tuyên truyền về công tác ATVSLĐ; biên soạn phát hành tờ gấp, sổ tay hướng dẫn công tác ATVSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tới các doanh nghiệp.
Các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp quan tâm thực hiện các hoạt động tuyên truyền về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân trong thực thi pháp luật, chính sách của Nhà nước về ATVSLĐ; tuyên truyền về trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc; vận động người lao động thay đổi, từ bỏ các thói quen mất vệ sinh, gây hại, nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và cộng đồng trong quá trình lao động. Tổ chức kiểm tra, rà soát các văn bản, nội quy, quy trình, quy định bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc đã ban hành; đối chiếu với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ để điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung cho phù hợp. Qua đó, đã phát hiện 106 nguy cơ, rủi ro và xây dựng, bổ sung 135 nội quy, quy trình làm việc nhằm bảo đảm ATVSLĐ. Tăng cường thực hiện các quy định về bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động, tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 28.521 người lao động; trang bị các phương tiện phòng hộ cá nhân cho người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại, nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cao. Đảm bảo người lao động được hưởng đầy đủ các chính sách về bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe theo quy định. Tổ chức 47 buổi tọa đàm, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về ATVSLĐ; tổ chức hội thi ATVSLĐ, giao lưu văn nghệ có nội dung tuyên truyền về ATVSLĐ để thu hút sự quan tâm của người lao động, đảm bảo dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hành.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác ATVSLĐ năm 2022 trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế. Công tác thông tin, tuyên truyền tại một số địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh mới chỉ tập trung trong Tháng hành động chứ chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, hiệu quả, chưa bền vững. Vẫn còn các doanh nghiệp, đơn vị chưa thực sự quan tâm, chưa chủ động tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Công tác quản lý các máy móc, thiết bị, vật tư hóa chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ tại khu vực phi kết cấu (phi chính thức) còn hạn chế. Các địa phương chưa thực hiện thống kê được các máy, thiết bị, vật tư loại này theo địa bàn và lĩnh vực để kiểm tra, quản lý dẫn đến việc tuân thủ các quy định về đảm bảo ATVSLĐ như kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng; việc khai báo với cơ quan chức năng chuyên môn khi đưa vào sử dụng hoặc không còn sử dụng, thải bỏ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ còn khó khăn, hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác của chủ thiết bị, người sử dụng lao động. Trong khi quy định là người lao động có quyền từ chối làm việc khi thấy có nguy cơ mất an toàn của thiết bị máy móc song các trường hợp này thường không có cơ hội được biết về chất lượng an toàn kỹ thuật thiết bị để quyết định làm việc hay từ chối. 6 tháng đầu năm 2022, số vụ tai nạn lao động tăng cao so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 19,5%) , trong đó có 7 người tử vong, 13 người bị thương nặng.
Những tháng cuối năm 2022, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể là thành viên Hội đồng ATVSLĐ tỉnh tiếp tục đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp thực hiện tự kiểm tra công tác ATVSLĐ theo Kế hoạch số 43/KH-UBND của UBND tỉnh. Đảm bảo 100% người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; được bồi dưỡng bằng hiện vật theo quy định. 100% người lao động làm nghề, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, có hại trong giới hạn an toàn theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thời giờ làm việc không quá quy định của Bộ luật Lao động. Người lao động được lập và quản lý hồ sơ sức khỏe, được sắp xếp công việc phù hợp với tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại nghề, công việc và kết quả khám sức khỏe của người lao động. Tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất, sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim, thi công công trình xây dựng, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất, truyền tải và phân phối điện, sử dụng từ 300 lao động trở lên và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhưng có sử dụng từ 1.000 lao động trở lên phải thành lập Hội đồng ATVSLĐ theo quy định. Các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã thường xuyên tổ chức các hoạt động phù hợp, thúc đẩy sự tham gia của người lao động vào công tác đảm bảo ATVSLĐ như: Tổ chức tọa đàm, hội thảo, đối thoại chính sách pháp luật về lao động, ATVSLĐ; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đánh giá công tác ATVSLĐ; tư vấn, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ lồng ghép yêu cầu đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh COVID-19./.
Bài và ảnh: Việt Thắng