Thời gian gần đây, cùng với các lớp học năng khiếu vẽ, ca hát... thì nhiều phụ huynh trên địa bàn thành phố Nam Định đã đăng ký cho con tham gia các lớp học làm bánh, qua đó giúp trẻ thêm yêu thích công việc bếp núc, rèn luyện sự khéo léo, sáng tạo.
Trẻ em học làm bánh tại cửa hàng làm bánh Love Cake, đường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định). |
Nắm bắt được tâm lý của các bậc phụ huynh muốn tìm các lớp học kỹ năng cho trẻ trải nghiệm, chị Trần Thị Hải Anh chủ cửa hàng làm bánh Love Cake, đường Phan Đình Phùng (thành phố Nam Định) đã mở lớp dạy làm bánh cho trẻ. Từ tháng 5-2021 đến nay, chị đã tuyển sinh các lớp từ 7 đến 19 tuổi có nhu cầu tự học làm bánh, phụ huynh kết hợp làm bánh cùng với con hoặc các bạn thanh thiếu niên học để trải nghiệm…, mỗi lớp từ 6-7 người. Theo chị Hải Anh để làm ra một chiếc bánh hoàn hảo không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi cả một quá trình học tập, thực hành, rút kinh nghiệm trong từng khâu làm bánh. Đối với những người mới tập làm bánh cần phải cẩn thận từ việc chế biến nguyên liệu, áp dụng công thức tới việc sử dụng những công cụ làm bánh. Chính vì vậy, mà chị luôn hướng dẫn học trò rất tỉ mỉ từng công đoạn từ cách sử dụng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, số lượng chính xác, cách trộn bột và nhiệt độ nướng bánh phù hợp để làm được chiếc bánh hoàn hảo. Sau khi hướng dẫn các bước cơ bản, chị thực hành cùng với học trò.
Tham gia vào một tiết học làm bánh, chúng tôi được chứng kiến sự háo hức của các em nhỏ tự chọn làm các bánh sinh nhật, làm bánh quy, làm bánh bông lan... Trong tiết học làm bánh trứng nướng, các em đeo tạp dề như những “đầu bếp nhí” vây quanh chị Hải Anh hướng dẫn quy trình làm bánh. Với nguyên liệu bột mỳ, trứng, đường và bơ, chị Hải Anh cẩn thận đặt nguyên liệu lên bàn, hướng dẫn các em tách lòng trắng trứng, dùng máy đánh bột đánh dậy lòng trắng trứng, trộn bột mì với lòng đỏ trứng, thêm ít đường rồi đánh đều hỗn hợp, phết lớp bơ mỏng lên khuôn, đổ bột vào khuôn và chờ bánh chín. Em Nguyễn Khánh Linh, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân cho biết: “Đây là lần thứ 2 em được cô Hải Anh hướng dẫn làm bánh, lần trước chúng em học làm bánh quy hình các ngôi sao, con cá, còn lần này làm bánh trứng nướng với đủ các hình. Ở nhà em cũng có bếp nướng, hôm nay về em sẽ xin mẹ tự làm bánh, đãi cả nhà”.
Mỗi tiết học làm bánh khoảng 40 phút, các em chăm chú nghe cô hướng dẫn, thực hành làm bánh, háo hức chờ bánh chín và thích thú thưởng thức những chiếc bánh thơm lừng mùi bơ, có vị ngọt nhẹ của đường, vị béo của bột và trứng. Em Nguyễn Phương Anh, 15 tuổi ở phường Hạ Long, thành phố Nam Định hào hứng đăng ký lớp học làm bánh trung thu nhân dịp Tết Trung thu để làm quà biếu tặng người thân. Em Phương Anh cho biết: “Ở nhà em thường tìm hiểu cách làm bánh qua các video hướng dẫn trên mạng. Được thực tế một buổi học làm bánh trung thu, em rất vui, có nhiều trải nghiệm thú vị. Trung thu sắp tới, em sẽ tặng cả nhà những chiếc bánh do chính tay mình làm”. Khi đến với lớp học, em Phương Anh cũng như các bạn khác được cô Hải Anh giới thiệu nguyên liệu làm bánh trung thu thập cẩm gồm: Bột mì đa dụng, trứng muối sống, hạt dưa, hạt hướng dương, mè đen, gia vị mai quế lộ, khuôn làm bánh trung thu, mỡ, đường, mứt cam, mứt bí, mứt gừng, mứt sen, mứt bưởi, mứt tắc. Để làm bánh trung thu ngon cần trộn bột mì với nước đường trắng, nhân xay nhuyễn, dùng màu thực phẩm an toàn, nướng đúng thời gian, lưu ý kết hợp nguyên liệu làm nhân đúng cách. Chị Nguyễn Thị Trang, phụ huynh học sinh cho biết: “Từ khi con gái tham gia lớp học làm bánh, lúc nào cháu cũng xung phong vào bếp để được trổ tài và giúp mẹ những công việc bếp núc khác. Thời gian ấy, mẹ con cùng nhau chia sẻ chuyện trường lớp, bạn bè, từ đó tình cảm gia đình thêm gắn kết, phụ huynh như chúng tôi thêm hiểu con hơn”.
Hiện nay, trước sự bùng nổ của công nghệ số, các em học sinh ít có cơ hội để trải nghiệm các hoạt động kỹ năng sống. Do vậy, các lớp rèn luyện kỹ năng sống đã góp phần giúp các em học sinh hiểu thêm nhiều kiến thức để vận dụng vào trong cuộc sống. Qua các lớp học kỹ năng sống giúp trẻ hạn chế tiếp xúc với thiết bị điện tử, chơi game, tạo cho trẻ cảm giác được chăm sóc và trân trọng những khoảnh khắc cùng nhau thưởng thức thành quả của mình. Đặc biệt dạy trẻ học làm bánh cũng là phương pháp giúp các em phát triển nhiều kỹ năng mềm như: kích thích khả năng sáng tạo thông qua việc để bé tự chọn nguyên vật liệu, tự tay trang trí bánh; rèn luyện tính kiên nhẫn từ việc nhào bột, tạo hình, chờ đợi mẻ bánh ra lò…, có thêm cơ hội rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tính tự lập và phát huy khả năng sáng tạo./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh