Những năm qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhiều căn nhà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn giúp họ ổn định, vươn lên trong cuộc sống.
Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trao tặng nhà tình nghĩa cho ông Nguyễn Xuân Bình, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc). |
Đến thăm gia đình ông Nguyễn Xuân Bình, năm nay gần 80 tuổi, ở xóm Đông, xã Mỹ Thịnh (Mỹ Lộc) là một cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, chúng tôi cảm nhận được niềm vui của gia đình ông được ở trong mái ấm khang trang. Tháng 7-1967, ông Bình nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1974, do điều kiện sức khỏe, ông được đơn vị cho xuất ngũ trở về địa phương. Trở về quê hương, ông xây dựng gia đình và sinh được 5 người con, nhưng do di chứng chất độc da cam, một người con bị ảnh hưởng nặng nề từ bố và đã mất; 4 người con còn lại cũng đã lập gia đình song hoàn cảnh đều rất khó khăn. Vợ chồng ông Bình làm nghề tự do, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống. Ngôi nhà cấp 4 được xây dựng từ năm 2004 đã xuống cấp, nhưng do tuổi cao, sức khỏe yếu nên gia đình ông không có tiền sửa chữa. Cuối năm 2021, qua rà soát, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã hỗ trợ gia đình ông Bình xây mới ngôi “Nhà tình nghĩa” với diện tích 50m2 và khoảng sân rộng 40m2, kinh phí đầu tư 125 triệu đồng, trong đó 80 triệu đồng do Bộ CHQS tỉnh trích từ nguồn Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa". Từ ngày ở trong ngôi nhà mới kiên cố, khang trang, vợ chồng ông Bình như khỏe hẳn ra. Ông Bình xúc động chia sẻ: "Trước đây ở trong ngôi nhà đã xuống cấp mỗi khi mưa gió là gia đình tôi luôn nơm nớp lo sợ. Với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam và Bộ CHQS tỉnh cùng bà con lối xóm, gia đình tôi đã được "an cư" trong ngôi nhà khang trang, vững chãi, chúng tôi rất xúc động và cảm thấy yên tâm trong những năm tháng cuối đời".
Tháng 4-2022, được sự quan tâm, tài trợ của Viện Thiết kế tàu Quân sự, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (Bộ Quốc phòng), Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Ý Yên phối hợp với chính quyền xã Yên Khánh tổ chức khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho ông Hoàng Thanh Tuất, là nạn nhân chất độc da cam ở thôn Dưỡng trong niềm vui của gia đình, bà con xóm làng. Năm 1965, ông Hoàng Thanh Tuất nhập ngũ và trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1973 ông phục viên, được hưởng chế độ thương binh và chất độc da cam. Trở về quê hương, ông kết hôn với bà Hoàng Thị Gieo là thanh niên xung phong và sinh được 4 người con, trong đó người con gái thứ 3 (sinh năm 1977) bị thiểu năng trí tuệ do ảnh hưởng di chứng chất độc da cam/đi-ô-xin. Bản thân vợ chồng ông Tuất cũng thường xuyên ốm đau, thu nhập chính chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Căn nhà của vợ chồng ông đang sống qua nhiều năm đã xuống cấp, hư hỏng nặng nhưng không có điều kiện sửa chữa. Trước hoàn cảnh đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Ý Yên đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương kết nối kêu gọi nhà tài trợ. Được Viện Thiết kế tàu Quân sự tài trợ 80 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ về vật chất, ngày công lao động của anh em họ hàng, bà con thôn xóm, qua hơn 3 tháng thi công, căn nhà đã được hoàn thành với tổng kinh phí 170 triệu đồng. Ngôi nhà có diện tích sử dụng 75m2, kết cấu kiên cố, khép kín, khang trang, sạch đẹp, trở thành chỗ dựa vững chắc giúp vợ chồng ông Hoàng Thanh Tuất có nơi ở an toàn và yên tâm chăm sóc nhau lúc tuổi già.
Mỗi gia đình nạn nhân chất độc da cam đều có hoàn cảnh riêng, nhưng tất cả họ đều phải gánh chịu nỗi đau, mất mát do di chứng chiến tranh để lại. Chia sẻ với những khó khăn của các nạn nhân, thời gian qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin trong tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách với những người bị nhiễm chất độc hóa học, duy trì vai trò là “cầu nối” giữa các nhà hảo tâm với những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Một trong những hoạt động đem lại hiệu quả thiết thực nhất là các cấp Hội đã tập trung tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng cùng chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. 5 năm qua, các cấp Hội đã kêu gọi, vận động, tiếp nhận các nguồn lực từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau với tổng giá trị 41,3 tỷ đồng. Từ nguồn đóng góp này, các cấp Hội tổ chức thăm hỏi, chăm sóc, giúp đỡ 110 nghìn lượt nạn nhân; trong đó có 2.308 lượt nạn nhân được trợ cấp khó khăn và hỗ trợ vay vốn sản xuất chăn nuôi, 1.000 nạn nhân được tặng phương tiện đi lại phục hồi chức năng, hàng chục nghìn hội viên đã được ủng hộ, giúp đỡ bằng các hình thức khác nhau. Đặc biệt Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội rà soát, thống kê những hội viên khó khăn về nhà ở. Từ đó, Tỉnh Hội lập kế hoạch phân bổ kinh phí, số lượng nhà làm mới, nhà nâng cấp về từng huyện, thành phố, cơ sở. Các chi hội tại xã, phường tổ chức họp để các hội viên bình chọn xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình. Cách làm này đã tạo được sự đồng thuận trong Hội, giữ được mối đoàn kết giữa các hội viên. Từ năm 2016 đến năm 2021, các cấp Hội đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 100 nhà tình nghĩa. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội Nạn nhân nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các huyện, thành phố xây, sửa 7 căn nhà tình nghĩa trị giá 740 triệu đồng tặng các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; kêu gọi tài trợ xây một căn nhà tình nghĩa cho một gia đình nạn nhân trị giá 80 triệu đồng. Số tiền hỗ trợ cho mỗi gia đình hội viên tuy không lớn, nhưng là việc làm ý nghĩa, thiết thực, thể hiện tình đồng chí, đồng đội, lan tỏa tinh thần "tương thân, tương ái" giúp đỡ các gia đình khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống.
Có một ngôi nhà mới khang trang, vững chãi luôn là mục tiêu phấn đấu trong cuộc đời mỗi người, điều đó càng khó khăn hơn với những người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Với trách nhiệm, sự nỗ lực, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của tỉnh đã và đang thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để ngày càng có nhiều ngôi nhà tình nghĩa được xây mới, giúp cuộc sống của các gia đình nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn được cải thiện hơn góp phần bù đắp những mất mát do chiến tranh để lại./.
Bài và ảnh: Hồng Minh