Cùng với phát triển nông nghiệp, những năm qua, xã Xuân Bắc (Xuân Trường) luôn chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa; quan tâm, triển khai nhiều giải pháp để khôi phục, tạo cơ hội, điều kiện cho các làng nghề thủ công truyền thống phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng các dịch vụ làng nghề.
Nghề đan giỏ cói xuất khẩu phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở xã Xuân Bắc. |
Xã Xuân Bắc là 1 trong 9 xã của huyện Xuân Trường có làng nghề truyền thống phát triển lâu đời, với các nghề đặc trưng như: nghề mộc, nghề làm nem thính, nghề làm bún, nghề làm cốm, nghề làm thâu râu, nghề làm bánh hú, đan cót, khâu nón lá... có thời kỳ phát triển khá mạnh, thu hút nhiều lao động tham gia song cũng có thời kỳ bị thu hẹp lại. Đến nay, với sự phát triển và vấn đề thiếu lao động tại địa phương, một số nghề truyền thống đã bị mai một (nghề làm cốm, nghề làm bún...). Qua khảo sát thực tế, hầu hết các gia đình, cơ sở sản xuất ở làng nghề truyền thống đều đang tiếp cận thị trường bằng việc cải tiến sản phẩm, thay đổi mẫu mã, tìm hướng đi mới.
Đến thăm tổ hội nghề nghiệp đan hàng cói mỹ nghệ xuất khẩu ở xóm 1, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động miệt mài của các chị em khi đang tranh thủ lúc nông nhàn, để đan lát. Chia sẻ với chúng tôi, bà Vũ Thị Thanh cho biết, làng nghề đan cói ở địa phương đã có từ lâu, những sản phẩm được làm từ cói như giỏ cói, túi xách, thảm cói… là những mặt hàng thủ công truyền thống được ưa chuộng không chỉ trong nước và cả trên thế giới. Những năm 1980, hàng cói được xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Âu. Để làm ra sản phẩm túi cói xuất khẩu phải trải qua nhiều công đoạn từ ngâm cói rồi ép thành nan. Người thợ đan phải khéo léo và nhanh tay để tạo thành những sản phẩm chất lượng. Nghề đan túi cói chủ yếu là lao động nữ với khoảng 20 hộ, tạo việc làm cho 30-40 lao động, thu nhập 100 nghìn đồng/người/ngày...
Với làng nghề chế biến lâm sản, những năm gần đây, các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ xẻ, gỗ thanh trên địa bàn Xuân Bắc có chiều hướng tăng. Các sản phẩm chủ yếu, như: bàn, ghế, giường, tủ, kệ và kinh doanh đồ mộc gia dụng tương đối phát triển, được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Ngoài ra, các làng nghề mộc truyền thống của địa phương cũng được xã quan tâm duy trì, phát triển. Gia đình ông Vũ Văn Sơn, Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp mộc, mộc dân dụng, mỹ nghệ cho biết: Để tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu của địa phương, từ những năm 1990, gia đình tôi đã mở cơ sở chế biến, kinh doanh đồ gỗ. Hiện cơ sở sản xuất của gia đình tôi đang tạo việc làm cho khoảng 20 lao động, thu nhập từ 7-9 triệu đồng/người/tháng. Mặc dù số lượng các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ tăng mạnh qua các năm nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ của xã vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Phần lớn là các cơ sở chế biến trên địa bàn có quy mô nhỏ, công nghệ, thiết bị chưa được đầu tư đúng mức nên hầu hết các cơ sở chỉ thực hiện một hoặc vài công đoạn với sản phẩm chủ yếu là chế biến thô rồi bán cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu để thực hiện công đoạn hoàn thiện và tiêu thụ sản phẩm. Hiện trong xã còn có gia đình các ông Vũ Thuận, ông Mai Đình Năm xóm 1, ông Vũ Văn Sơn xóm 8, ông Nguyễn Văn Đạt xóm 2... là những hộ tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh chế biến lâm sản, bình quân hàng năm thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Để gìn giữ và phát triển làng nghề bền vững, trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Xuân Bắc đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như: Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các hộ làm nghề tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; tạo điều kiện về mặt bằng để các cơ sở sản xuất xây dựng nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề, tập huấn kỹ thuật cho lao động trong làng nghề… quan tâm công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã thành lập các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ hoặc đã thành lập các tổ hợp tác, tổ nghề nghiệp nhằm liên kết, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện nay xã đã xây dựng và duy trì phát triển 2 mô hình tổ nghề nghiệp là Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ và Tổ đan hàng thủ công mỹ nghệ
thu hút hơn 50 thành viên tham gia. Đồng chí Đỗ Quang Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Bắc chia sẻ: “Để hỗ trợ các tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp phát triển, Hội Nông dân xã đã tích cực và chủ động phối hợp với các ngành triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tập huấn khuyến nông, khuyến công cho hàng trăm lượt hội viên, nông dân; hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế hợp tác nhằm khai thác được nhiều nguồn lực, phát huy tiềm năng đa dạng của địa phương”. Hàng năm, Hội Nông dân đã phối hợp với các ngân hàng trong hoạt động cho vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh. Đến hết tháng 6-2022, dư nợ Ngân hàng NN và PTNT có trên 110 tỷ đồng cho 169 hộ vay; 204 hộ vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 6,4 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, các cấp Hội Nông dân tích cực vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân với nguồn vốn quỹ trên 80 triệu đồng cho hội viên vay để sản xuất, kinh doanh… Xã cũng có cơ chế chính sách, khuyến khích tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư bảo tồn và phát triển làng nghề, đặc biệt là các dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn